Tính đến 12h ngày 22/3/2020, Hải Phòng ghi nhận: 0 ca mắc; 0 tử vong, 204/205 ca nghi nhiễm có kết quả xét nghiệm âm tính; 01 mẫu Viện VSDT lưu mẫu.
1. Tình hình dịch Covid-19:
– Thế giới: 309.033 ca mắc; 13.139 ca tử vong; 186 quốc gia/vùng lãnh thổ nhiễm.
Italy ngày 21/3 đã ghi nhận thêm 793 ca tử vong mới, đây là số ca tử vong kỷ lục trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong bởi SARS-CoV-2 ở Italy tăng lên 4.825 người, chiếm 38,3% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới do COVID-19. Hiện Italy có 2.857 ca phải điều trị tích cực.
Tại Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 cũng tăng nhanh. có thêm 5.403 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm virus lên 24.786. Số ca tử vong mới là 34, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên 290.
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tại Đức tăng thêm 2.407 ca chỉ trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 22.255.
Tây Ban Nha, số ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19 tăng lên tổng số 3.804 ca trong ngày 21/3, cao hơn nhiều mức 1.002 ca của một ngày trước đó.
– Việt Nam: 94 ca mắc; 0 tử vong, trong đó 17 ca đã được điều trị khỏi.
Chưa có ca nhiễm mới phát hiện ngày 22/3/2020 (đến 12h).
Phần lớn các ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam trong thời gian gần đây là du học sinh về nước, nằm trong độ tuổi từ 18- 35 tuổi. Số ca tự lây nhiễm chéo trong cộng đồng rất thấp do Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm tìm ra và cắt các nguồn nhiễm.
– Hải Phòng: 0 ca mắc; 0 tử vong, 204/205 ca nghi nhiễm có kết quả xét nghiệm âm tính; 01 mẫu Viện VSDT lưu mẫu.
+ Số cách ly tại nhà là 983 người;
+ Số cách ly tại cơ sở tập trung là 1.103 người, tại Cao đẳng Du lịch 152 người ; BV Việt Tiệp 2: 297 người; Trung tâm GDQP- Đại học HP 366 người; Trung tâm quân sự thành phố (Thủy Nguyên): 172 người. Khách sạn Công đoàn Đồ Sơn 6 người; Khách sạn Sinh viên ĐH QL&CN 110 người.
2. Thông tin hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành:
– Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa phát đi thông điệp gửi tới cán bộ y tế và người dân trong cuộc chiến với dịch COVID-19.
+ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các cơ sở y tế tuyến cơ sở tăng cường khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh mạn tính tại nhà.
Nhân viên y tế phải đeo khẩu trang y tế, găng tay và các trang thiết bị phòng hộ theo quy định để tránh lây nhiễm chéo.
Các cơ sở y tế cần tăng cường tư vấn về khám, điều trị bệnh mãn tính cho người cao tuổi qua điện thoại hoặc mạng internet.
Đồng thời, thông tin cho người dân số điện thoại để tư vấn, điều trị các bệnh mạn tính cho người cao tuổi, người bệnh nhẹ để hạn chế số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh
Y tế tuyến cơ sở cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cơ sở, vật chất, nhân lực để đón tiếp, khám và điều trị cho người bệnh bị nhiễm viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các cán bộ y tế không đi xa, đi du lịch trong thời gian dịch COVID-19.
+ Với người dân, Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo là người dân khi đến cơ sở khám chữa bệnh phải đeo khẩu trang. Đồng thời, hạn chế đi ra khỏi nhà, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Khi có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở hoặc tiếp xúc với người đã được xác nhận nhiễm bệnh COVID -19 thì gọi ngay đến số điện thoại 19009095 để được tư vấn và khám sức khỏe. Nếu không thực sự cần thiết người dân hạn chế đến các cơ sở y tế.
+ Người từ 60 tuổi trở lên, nên ở trong nhà, hạn chế đến cơ sở y tế
Với người từ 60 tuổi trở lên, nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sỹ gia đình để được tư vấn về sức khỏe, hạn chế đi đến cơ sở y tế. Nên ở trong nhà, hạn chế tối đa đi ra ngoài để tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID -19.
Nếu người cao tuổi cần đi ra ngoài phải sử dụng khẩu trang và mang theo dung dịch sát khuẩn tay. Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe.
Đặc biệt, cần thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ thông qua ứng dụng NCOVI được tải về từ Google play hoặc App Store. Khi cần liên hệ 0949760366.
– Bộ Y tế đề nghị 4 việc khách nhập cảnh Việt Nam, kể cả người Việt Nam và nước ngoài) từ 1/3/2020 đến nay cần làm những việc dưới đây cần làm ngay để phòng COVID-19
+ Thực hiện khai báo y tế tại https://tokhaiyte.vn
+ Thực hiện tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú (nếu chưa cách ly tập trung) trong vòng 14 ngày kể từ ngày về Việt Nam. Đối với trường hợp đã qua 14 ngày, hạn chế tiếp xúc với người khác.
+ Luôn đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn sát trùng và thực hiện các biện pháp dự phòng khác.
+ Liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ.
3. Thông tin hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng ngày 22/3/2020:
– Sáng 22/3, đồng chí Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra Khu cách ly tập trung tại Trường Đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng. Những người thực hiện cách ly được bố trí tại Khu A, nơi có 108 phòng, tương đương 432 giường, có dịch vụ hậu cần tại chỗ, đảm bảo cho việc tổ chức cách ly tập trung theo dõi y tế. Đến thời điểm sáng 22/3, tại đây có 110 người thực hiện cách ly.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Quận ủy, UBND quận Lê Chân, Trường Đại học Quản lý và công nghệ và các đơn vị liên quan, đã khẩn trương đưa điểm cách ly tập trung này vào hoạt đông. Phó Chủ tịch đánh giá cao sự sáng tạo, đổi mới của quận, đã huy động lực lượng giáo viên trong những ngày không lên lớp, chuẩn bị bữa ăn cho những người thực hiện cách ly tại Khu bếp của một số trường. Phó Chủ tịch ghi nhận, đánh giá bếp ăn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời yêu cầu các món ăn phải được thường xuyên thay đổi, đủ dinh dưỡng, để người được cách ly có được chế độ ăn tốt nhất, ngon miệng, đảm bảo sức khỏe trong thời gian thực hiện cách ly. Đồng chí yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, bố trí lực lượng kiểm soát 24/24 giờ, không để người cách ly ra khỏi khu vực, đồng thời không để diễn ra tình trạng người nhà tiếp tế đồ ăn cho người đang cách ly.
– Lãnh đạo UBND thành phố, các Quận huyện tiệp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, cơ quan đơn vị, cơ sở kinh doanh lưu trí, địa điểm du lịch… lựa chọn bổ sung các điểm cách ly tập trung mới.
– Duy trì các hoạt động tuyên truyền, tẩy uế, khử trùng tại trường học, cơ quan, nơi công cộng, khu vực có người nghi nhiễm.
– Duy trì các hoạt động truyền thông trực tiếp kết hợp điều tra giám sát, tại cộng đồng, truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh.
– Tại các quận huyện, xã phường: tiếp tục điều tra, rà soát, tìm kiếm những trường hợp đi trên chuyến bay có người bệnh, người tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm (F1, F2), theo khuyến cáo của Bộ Y tế … để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn cách ly y tế tại nhà hoặc đưa vào cách ly tập trung, lấy mẫu làm xét nghiệm.
– Các cơ sở cách ly tập trung của thành phố tiếp tục bàn giao đối tượng hết thời gian cách ly tập trung về địa phương và nhận các đối tượng cần cách ly tập trung từ quận huyện chuyển lên, hoặc vừa nhập cảnh, trên cơ sở quyết định danh sách cách ly tập trung do UBND thành phố phê duyệt.