Theo báo cáo của Sở Y tế: Thông tin phòng, chống dịch COVID-19 đến 12 giờ ngày 10/4/2020: Thế giới có hơn 1,6 triệu người mắc bệnh; gần 100 ngàn người tử vong. Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm mới. Hải Phòng: 0 ca mắc; 0 tử vong.
I. Tình hình dịch COVID-19:
– Thế giới: 1.604.736 người mắc, 95.736 người tử vong, trên 210 quốc gia
– Hoa Kỳ: 468.887 người mắc; 16.697 người tử vong.
– Tây Ban Nha: 153.222 người mắc; 15.447 người tử vong.
– Italia: 143.626 người mắc; 18.279 người tử vong.
– Đức: 118.235 người mắc; 2.607 người tử vong.
– Pháp: 117.749 người mắc; 12.210 người tử vong.
– Trung Quốc 81.907 người mắc; 3.336 người tử vong.
– Iran: 66.220 người mắc; 4.110 người tử vong.
– Anh: 65.077 người mắc; 7.978 người tử vong.
Thế giới có hơn 1,6 triệu người mắc bệnh; gần 100 ngàn người tử vong. Châu Âu có 778.852 ca nhiễm, 65.818 ca tử vong. Bắc Mỹ có 500.872 ca nhiễm, 17.692 ca tử vong. Nam Mỹ có 39.662 ca nhiễm, 1.620 ca tử vong. Châu Á có 264.192 ca nhiễm, 9.904 ca tử vong.
– Việt Nam: 255 trường hợp mắc COVID-19; Không có BN tử vong
Đến 12h ngày 10/4/2020, chưa phát hiện ca nhiễm mới;
– Tổng số 137 người khỏi bệnh
– 16 người (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh.
– 121 người (tính từ ngày 6/3 đến 10/4) được chữa khỏi bệnh.
– Hải Phòng: 0 ca mắc; 0 tử vong.
+ Có 395 trường hợp / 402 trường hợp nghi ngờ mắc dịch COVID-19 có kết quả xét nghiệm âm tính, 7 trường hợp chờ kết quả xét nghiệm.
+ Có 1.562 mẫu / 1.645 mẫu sàng lọc cho các trường hợp cách ly, đã có kết quả âm tính, 83 mẫu chờ kết quả.
+ Số cách ly tại cơ sở tập trung là 705 người, tại: Cao đẳng Du lịch 103 người; BV Việt Tiệp 2: 57 người; Trung tâm GDQP- Đại học HP: 236 người; Trung tâm quân sự thành phố (Thủy Nguyên): 167 người; Khách sạn Công đoàn Đồ Sơn 58 người; Khách sạn Sinh viên ĐH QL&CN: 84 người.
Số cách ly tại nhà là: 4.185 người
II. Thông tin hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành:
1. Chính phủ ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; cụ thể:
– Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.
– Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
– Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.
– Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
– Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.
– Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.
– Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ: Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
2. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch COVID-19” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ từ ngày 17/3, tính đến 14h ngày 8/4, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua MTTQ Việt Nam đã đạt hơn 806,407 tỷ đồng. Từ số tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân (hơn 806,407 tỷ đồng), MTTQ Việt Nam đã phân bổ sử dụng 466 tỷ đồng. Cụ thể, MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận bằng tiền 312,355 tỷ đồng; đã phân bổ sử dụng 150,500 tỷ đồng. Tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng hiện vật tương đương 99,552 tỷ đồng; đã phân bổ sử dụng 51 tỷ đồng.
3. Bệnh viện Thận Hà Nội đã rà soát, kết quả xác định đến tối 9/4, có 45 trường hợp là người tiếp xúc gần (tạm gọi là F1) của bệnh nhân 254 (BN ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh; đến Bệnh viện Thận Hà Nội chạy thận lúc sáng 9/4). Trong đó, có 28 người là nhân viên y tế, 17 người là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Hiện số này đang được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Đây cũng là cơ sở y tế thứ 11 bị cách ly liên quan tới việc có BN Covid-19 đến khám, điều trị.
4. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế: việc bệnh nhân số 50 tại Quảng Ninh nhiễm Covid-19 đã có 2 lần xét nghiệm âm tính rồi lại tái dương tính là… không có gì bất thường. Ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã gặp không ít trường hợp như vậy. Vì chúng ta điều trị là để cơ thể chống lại virus, có thể có những con virus nằm ẩn nấp ở đâu đấy trong cơ thể. Khi đó, xét nghiệm thì cho kết quả âm tính nhưng lần khác xét nghiệm thì lại xuất hiện và cho kết quả dương tính.
Theo tiêu chuẩn và đủ điều kiện ra viện đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 là phải 3 lần xét nghiệm âm tính. Khi bệnh nhân xuất viện, vẫn phải duy trì cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định của bộ Y tế. Sau điều trị, virus SARS-CoV-2 đã bị suy yếu nên khả năng lây bệnh cho người khác sau giai đoạn tiếp tục cách ly 14 ngày là rất thấp.
III. Thông tin hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:
1. Chiều 9/4, đồng chí Cao Xuân Liên – Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố làm việc tại quận Hải An về việc triển khai thực hiện công văn số 2574 của UBND thành phố trong công tác kiểm soát lái xe vận tải hàng hóa.
Hải An là địa phương nơi có rất nhiều kho bãi và doanh nghiệp kinh doanh vận tải với gần 6.000 đầu xe container, hiện mỗi ngày trên địa bàn quận có gần 10.000 lượt xe ra vào, trong số đó có rất đông lái xe từ địa phương khác đến Hải Phòng, nếu không có sự kiểm soát tốt thì đây có thể là nguồn lây dịch bệnh cho cộng đồng. Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố đề nghị UBND quận Hải An cần chủ động làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội vận tải để chuẩn bị việc cấp giấy xác nhận cho phương tiện vận tải của Hải Phòng ra vào thành phố, trên cơ sở vừa xem xét vừa vận động doanh nghiệp tạo điều kiện bố trí nơi ăn nghỉ tập trung cho các lái xe, phụ xe tại bãi đỗ xe. Đối với trường hợp lái xe ở địa phương khác về Hải Phòng lấy hàng rồi đi thì bố trí tập trung ở bãi nhận hàng và hạn chế di chuyển trong thời gian chờ lấy hàng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố yêu cầu quận phải có những biện pháp tích cực hơn để đảm bảo những yêu cầu về phòng dịch đối với đội ngũ lái xe vận tải, bố trí lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các xe vận tải hoạt động, bảo đảm không để xảy ra ùn tắc trên tinh thần vừa chủ động phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.
2. Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố do Đại tá Đoàn Văn Rỹ, Chỉ huy trưởng dẫn đầu vừa đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên tuyến sông, biển và cửa khẩu Cảng Hải Phòng.
Qua kiểm tra tại các vị trí kiểm soát gồm: Cửa sông Văn Úc (huyện Kiến Thụy), cửa sông Cấm khu vực Đình Vũ (ngã ba Đình Vũ thuộc sông Cấm) và cửa sông Lạch Tray (quận Dương Kinh). Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố đề nghị các cán bộ chiến sỹ khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm quản lý, kiểm soát chặt chẽ khu vực đường sông, đường biển. Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng tập trung kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại trên sông, biển thông qua kiểm tra y tế, giám sát thân nhiệt thuyền viên…
3. Trung tâm Huyết học và truyền máu – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng thông tin: hiện lượng máu dự trữ tại Trung tâm gần như đã cạn kiệt, chỉ còn đủ cho cấp cứu từ 1 đến 3 ngày. Nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt máu như hiện nay là do các đơn vị hiến máu trong tháng 3 và tháng 4 năm 2020 không tổ chức hiến máu theo kế hoạch do đang phải thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19. Trung tâm Huyết học và truyền máu kêu gọi toàn thể người dân thành phố thực hiện tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái thể hiện nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người. Trung tâm Huyết học và truyền máu bảo đảm các điều kiện an toàn trong quá trình hiến máu như: thực hiện đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước và sau khi hiến máu, giãn cách chỗ ngồi kê khai làm thủ tục hiến máu và các ghế ngồi hiến máu có khoảng cách 2m. Sau khi hiến máu, người hiến máu ngồi nghỉ ngơi giữ đúng khoảng cách và luôn đeo khẩu trang. Nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và mặt nạ chống giọt bắn, rửa tay đúng quy định, đem đến sự yên tâm cho người tình nguyện khi đi hiến máu trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trung tâm đón tiếp người hiến máu tất cả thời gian trong ngày, trong tuần, Địa chỉ: Trung tâm Huyết học và truyền máu, tầng 1, Nhà D, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, số 1 Nhà Thương, Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng.
4. Lãnh đạo UBND thành phố, các Quận huyện tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, tại các chốt kiểm dịch của thành phố, tại các cơ quan đơn vị, cơ sở kinh doanh lưu trú, địa điểm du lịch, dịch vụ ăn uống, giải trí, cơ sở tôn giáo….
5. Duy trì các hoạt động tuyên truyền, tẩy uế, khử trùng tại công sở, cơ sở y tế, trường học, cơ quan đơn vị, nơi công cộng, đường phố, khu vực có người nghi ngờ mắc.
6. Duy trì hoạt động các chốt kiểm soát dịch; các hoạt động truyền thông kết hợp điều tra giám sát, tại cộng đồng, truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh.
7. Tại các quận huyện, xã phường: tiếp tục điều tra, tìm kiếm những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi ngờ mắc, người bệnh điều trị, người đến BV Bạch Mai, người từ vùng có dịch về Hải Phòng … để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn cách ly y tế tại nhà hoặc đưa vào cách ly tập trung, lấy mẫu làm xét nghiệm.
8. Các cơ sở cách ly tập trung của thành phố tiếp tục bàn giao đối tượng hết thời gian cách ly tập trung về địa phương để tiếp tục giám sát, cách ly tại nhà và nhận các đối tượng cần cách ly tập trung từ quận huyện chuyển lên, trên cơ sở quyết định danh sách cách ly tập trung do UBND thành phố phê duyệt.