Ngày 03 tháng 05 năm 2020, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 4 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 8 tháng cuối năm 2020. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và nhân dân thành phố Hải Phòng đã thực hiện xuất sắc “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt, chủ động, với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phòng chống dịch COVID-19; vừa nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhóm đầu trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Quý I năm 2020 đạt 14,9% (gấp 3,92 lần mức trung bình cả nước); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 22,7%; xuất khẩu tăng 15,62%. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư từ nhiều nguồn vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật tiếp tục tăng cường hiện đại. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,72%. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Tập thể lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã phát huy tinh thần đoàn kết quyết tâm cao, tổ chức triển khai công việc hiệu quả, tạo dựng được lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị; là điển hình trong khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước.
Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn còn một số khó khăn, thách thức, hạn chế: Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển. Tình hình khiếu nại, tố cáo về thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn diễn ra. Cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ, chưa giải quyết kịp thời những phát sinh, vướng mắc trong công tác quản lý. Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức chưa tốt.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian tới, Thành phố Hải Phòng cần chú trọng một số giải pháp, nội dung sau để thực hiện thành công Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị:
1. Phát triển kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao và du lịch là ba trụ cột chiến lược của Hải Phòng từ nay đến năm 2045.
– Kinh tế biển trên cơ sở tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển cả nước.
– Xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố cảng quan trọng thu hút nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư, kinh doanh; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc; hình thành và phát triển các khu công nghiệp sinh thái đảm bảo hài hòa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ môi trường; có cơ chế, chính sách đột phá, tạo điều kiện cho một số lĩnh vực công nghiệp mang tính đặc thù, thế mạnh.
– Định hướng phát triển du lịch – một lĩnh vực phát triển quan trọng của thành phố kết nối giữa Đồ Sơn – Cát Bà – Hạ Long, liên kết vùng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trong phát triển du lịch, dịch vụ. Trong tương lai, Hải Phòng phải trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc tế với dịch vụ chất lượng cao, mua sắm, giải trí, điểm đến của du khách trên thế giới.
2. Hải Phòng phải là trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế và khoa học – công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam kết hợp hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ; người Hải Phòng văn minh, thanh lịch, năng động, thông minh, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
3. Tăng cường phát triển đô thị và liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố đáng sống gắn với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Quy hoạch không gian đô thị đi trước một bước trên cơ sở tích hợp các yêu cầu phát triển bền vững theo hướng tránh tập trung quá nhiều vào lõi đô thị. Hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính sang phía Bắc sông Cấm; phát triển đô thị vệ tinh có quy mô hợp lý, phù hợp với trình độ quản lý và khả năng huy động các nguồn lực xã hội với phương châm Nhà nước quy hoạch, doanh nghiệp thực hiện, người dân cùng tham gia và thụ hưởng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng Hải Phòng trở thành “Thành phố gương mẫu của nước ta”.
4. Phân kỳ phát triển thành phố một cách khoa học, theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Nghiên cứu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm trong thành phố. Phấn đấu đến năm 2045, Hải Phòng phải có trình độ phát triển cao trong nhóm thành phố hàng đầu Châu Á. Không chỉ trở thành đầu tàu về phát triển kinh tế, Hải Phòng cần quan tâm mạnh mẽ, tập trung nguồn lực đầu tư tương xứng các lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo đảm môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh.
5. Nhiệm vụ đối với Hải Phòng trong 08 tháng còn lại của năm 2020 rất quan trọng và là một cực tăng trưởng cho phát triển của đất nước. Do vậy cần triển khai đồng bộ các biện pháp như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phát triển doanh nghiệp, bán lẻ, dịch vụ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa thúc đẩy kinh tế tư nhân, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân…. cùng cả nước phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Hải Phòng không được thỏa mãn với thành quả bước đầu mà cần thấy rõ nhiệm vụ nặng nề trước mắt và lâu dài để các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai tốt hơn.
6. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân. Phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính (phấn đấu chỉ số PCI của Hải Phòng phải thuộc nhóm dẫn đầu cả nước); xây dựng một chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ trên nền tảng chính quyền điện tử công khai, minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp.
7. Làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị. Chú trọng bảo vệ môi trường đô thị, cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, quản lý dân cư; môi trường nước, môi trường không khí, đặc biệt là xung quanh các khu công nghiệp, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển bền vững. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề về nhà ở đô thị; xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhất là nhà ở cho công nhân.
8. Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Tuyệt đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh gây mất an ninh trật tự. Tăng cường phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, ma túy, tín dụng đen, xâm hại phụ nữ, trẻ em…
9. Tập trung chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ
1. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù có tính đột phá quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Về đầu tư Dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế Hải Phòng:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có văn bản góp ý đối với Dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế Hải Phòng; trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư.
3. Về đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, quận Hải An và Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Thủy Nguyên, huyện Thủy Nguyên.
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có văn bản góp ý đối với Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, quận Hải An và Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Thủy Nguyên, huyện Thủy Nguyên án; trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ các Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định.
– Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng làm việc với Bộ Quốc phòng để xử lý dứt điểm kiến nghị của Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội về các vấn đề liên quan đến 94,6 ha trong diện tích đất quy hoạch dự kiến cho Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, quận Hải An.
4. Về đề nghị phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của Dự án Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên, quận Hải An và huyện Thủy Nguyên:
– Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2615/VPCP-CN ngày 04 tháng 04 năm 2020.
– Bộ Xây dựng chủ trì họp với thành phố Hải Phòng trong tháng 5 năm 2020 để hướng dẫn cụ thể, giải quyết dứt điểm những vướng mắc đối với kiến nghị đề xuất của thành phố Hải Phòng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Về đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thành phố đảo Cát Bà và khu vực lân cận, với tổng diện tích nghiên cứu 545ha để xây dựng tuyến cáp treo 1 dây Phù Long – thị trấn Cát Bà; Nhà ga Cáp treo, Bãi đỗ xe và khu dịch vụ thương mại phục vụ khách du lịch và người dân trên đảo Cát Bà kết hợp Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sân golf 18 lỗ:
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng lập Hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thành phố đảo Cát Bà và khu vực lân cận, gửi Bộ Xây dựng khẩn trương tổ chức thẩm định (trong thời gian 7 ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ của thành phố Hải Phòng), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, đảm bảo đảo Cát Bà phát triển bền vững.
6. Về quy trình, thủ tục công nhận Di chỉ khảo cổ Bãi cọc Cao Quỳ nằm trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang, huyện Thủy Nguyên là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thành phố Hải Phòng thực hiện việc xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
7. Về đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10:
Đồng ý về nguyên tắc việc Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ Nút giao với quốc lộ 18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan, thành phố Hải Phòng bằng nguồn vốn ngân sách của 02 địa phương. Giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đảm bảo việc đầu tư phù hợp quy hoạch, đáp ứng tiến độ, chất lượng, đúng quy định pháp luật.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Tải về toàn văn Thông báo số 181/TB-VPCP ngày 14/5/2020.