Thôn Kiều Trung (xã Hồng Thái) là làng nghề trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng của huyện An Dương. Bên cạnh những loại hoa, cây cảnh truyền thống như: hải đường, quất, đào, hoa sứ…những năm gần đây, người dân trồng hoa hồng leo giống cổ, đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Thuấn hộ dân trồng hơn 500 gốc hồng cho biết, từ nhiều đời nay, người dân làng Kiều có cuộc sống ổn định nhờ ươm trồng đào, sứ. Song điểm nhấn để nơi đây thực sự chuyển mình phát triển chính là hoa hồng leo giống cổ. Trước kia, mỗi gia đình trong làng trồng 1-2 chậu hồng hay giàn hồng leo để trang trí nhà thêm đẹp. Mấy năm trở lại đây, xu hướng chơi hoa hồng nở rộ, loại hoa này trở thành cây trồng chủ lực của các hộ dân trong làng. Những năm gần đây, thương hiệu “hồng leo cổ làng Kiều” trở nên quen thuộc với “giới” chơi hoa hồng thành phố.
Theo người dân trong làng, kỹ thuật trồng, nhân giống hoa hồng cổ không quá khó nhưng phải tỷ mỷ và kiên trì. Hoa hồng leo giống cổ có sức đề kháng tốt, phát triển mạnh mẽ, phù hợp với mọi điều kiện khí hậu và chất đất. Để trồng hồng leo cổ, có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như: nhân giống từ hạt, ghép, chiết hoặc giâm cành. Hiện nay, tại địa phương nhiều hộ chuyên cung cấp giống hồng với mức 25.000 đồng/cành. Giống hồng leo cổ thích hợp sống trong điều kiện thoáng gió và có nhiều nắng, nếu đủ nắng chiếu 8 tiếng/ngày cây sinh trưởng tốt và ít bị sâu bệnh gây hại, ra nhiều hoa và màu sắc của hoa cũng sáng đẹp, rực rỡ. Do đó, tuy có thể trồng quanh năm nhưng trồng vào mùa xuân và mùa thu, cây sẽ sinh trưởng tốt hơn. Trong quá trình chăm sóc, cần thường xuyên cắt tỉa những cành nhánh đã già, cành yếu không cần thiết, tạo tán cho cây, để kích thích cho cây ra nhiều mầm. Chú ý, tưới nước cho hoa 1-2 lần/ngày vào buổi sáng hoặc chiều mát, không tưới quá muộn dễ tạo điều kiện cho sâu bệnh sinh trưởng phát triển. Tưới nước vào gốc, tưới chậm cho nước ngấm dần, tránh tưới lên lá và hoa để phòng bệnh nấm.
Theo thống kê của UBND xã Hồng Thái, hiện trong thôn Kiều Trung có khoảng 300 hộ dân trồng hoa hồng. Trừ chi phí, mỗi năm người dân thu lãi khoảng 80-100 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa./.
Bài và ảnh: Hà Minh