Theo dự báo thời tiết, cuối tuần này khu vực miền Bắc sẽ có thêm một đợt gió lạnh tăng cường, kèm theo mưa. Như vậy có thể nói, đây là đợt lạnh kèm theo mưa phùn dài nhất trong mùa Đông năm nay và cũng là hiếm có trong mấy năm trở lại đây. Điều đáng nói, mưa phùn và gió lạnh kéo dài đang ảnh hưởng nặng nề đến sinh trưởng của rau màu vụ Đông, làm cạn nguồn cung ứng cho thị trường sau dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Giá tiếp tục biến động do thiếu nguồn cung
Dẫu vẫn biết là theo thông lệ, việc dồn cho tết Nguyên đán sẽ dẫn tới nguồn cung hàng hóa sau tết bị hạn chế. Nhưng diễn biến thị trường tết Nhâm Dần năm nay cho thấy, bên cạnh những lý do mang tính truyền thống và chủ quan, còn có tác động rất lớn của thời tiết.
Bà Nguyễn Thị Hương, một nông dân thường gom rau từ Kiến Thụy ra bán ở chợ An Đà cho biết, do đặc thù thời tiết nên nhiều loại rau có lá trồng vụ Đông có thời gian sinh trưởng ngắn.
Nhưng nếu tiết trời chỉ lạnh mà không mưa thì sẽ rất tốt, ví dụ như bắp cải, xà lách sẽ dễ cuộn, cải xanh hay hành củ sẽ mập cây, nhưng dính mưa phùn nhiều ngày là thối hết. “Chưa có bao giờ đến rau thì là cũng lên tới 100 nghìn đồng/kg, hành lá thì thối trơ củ, cà chua thì không chín được…”, bà Hương ngậm ngùi chia sẻ.
Nhìn lại hơn hai tuần qua tính từ tết Nguyên đán, rau xanh trở thành mặt hàng thực phẩm bị “săn” nhiều nhất, trong bối cảnh siêu thị cạn hàng, còn chợ truyền thống thì thực sự bất ổn. Theo các tiểu thương ở chợ cầu Rào, một trong những đầu mối rau lớn của thành phố, thì trong mấy năm trở lại đây rau xanh chưa khi nào “hót” như năm nay, tính cả thời điểm trước, trong và sau tết.
Nếu như mọi năm, dù giá có thể tăng nhưng nguồn cung khá ổn, mặt hàng phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Thì năm nay, hiện giá bán lẻ các loại rau có lá tại chợ truyền thống của Hải Phòng đều trên 12 nghìn đồng/bó, những loại rau phổ biến như muống, dền, cải xanh… cơ bản cung không đủ cầu
Còn theo bà Đỗ Thị Liên, một tiểu thương ở chợ Con, giá rau hiện đang cao hơn thời điểm trong tết khoảng 20% trở lên, tùy theo từng loại. Mà theo thông lệ, khi giá rau đã cao thì chất lượng lại giảm, ngay cả số lượng cũng bị giảm theo đối với những loại rau không được tính bằng cân.
Giải thích về nguyên nhân khiến thị trường rau củ quả biến động, bà Liên cho biết lâu nay thị trường Hải Phòng được cung cấp từ 3 nguồn chính: nguồn tại chỗ từ các vùng trồng của thành phố; nguồn lân cận từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình; phần còn lại cơ bản được nhập từ Trung Quốc và một số tỉnh phía Nam.
Trong đó nguồn tại chỗ chủ yếu là rau có lá, nguồn các tỉnh lân cận tương đối đa dạng, còn nguồn từ phía Nam và Trung Quốc lại nghiêng về các loại củ quả có thể bảo quản tự nhiên lâu hơn.
Tuy nhiên, thời tiết xấu không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng khiến nguồn rau có lá bị tổn hại, mà còn gây khó khăn không nhỏ trong việc thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, lưu thông từ vùng trồng đến thị trường.
Trong khi đó, tác động của dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn, biên mậu Việt Trung còn chưa thực sự thông thương trở lại, đã tạo ra ảnh hưởng kép đến nhóm hàng này.
Cần khuyến khích tái tạo nguồn tại chỗ
Ông Vũ Văn Thắng, một tiểu thương có nhiều năm kinh nghiệm về buôn rau cung cấp cho thị trường khu vực nội thành chia sẻ, thực tế thì tình trạng thiếu rau một phần do nguyên nhân chủ quan. Bởi lẽ, gió bắc mưa phùn là đặc trưng của thời điểm giao mùa Đông-Xuân, rất ít năm khí tiết này không xảy ra.
Nhưng nếu như những năm trước nguồn rau bên ngoài về ít thì đã có nguồn tại chỗ kịp thời bù đắp, còn hiện nay tại Hải Phòng nông dân bỏ ruộng rất nhiều. “Diện tích trồng lúa người ta còn bỏ, nói gì đến rau và thâm canh tái tạo…”, ông Thắng nhấn mạnh.
Thực tế thì Hải Phòng là thành phố công nghiệp, nên thế mạnh canh tác rau màu không thể so sánh với các tỉnh lân cận như Thái Bình hay Hải Dương. Nhưng trước kia trên địa bàn thành phố cũng có nhiều vùng trồng chuyên canh, có thể kể như An Thọ, Mỹ Đức (An Lão) Tú Sơn, Thụy Hương (Kiến Thụy), cùng diện tích khá lớn ở các huyện An Dương, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng.
Mấy năm gần đây, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, một số nơi chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, nhiều địa phương khác chuyển sang cây công nghiệp, dẫn đến diện tích rau xanh bị thu hẹp. Hiện tại theo số liệu thống kê, diện tích trồng rau trên địa bàn thành phố chỉ đạt khoảng trên dưới 5 nghìn ha, giảm hơn một nửa so với mấy năm trước.
Bên cạnh đó, việc nguồn lợi trồng rau màu cũng rất bấp bệnh, chăm sóc theo phương thức truyền thống thì phụ thuộc vào thời tiết, nhưng vào vụ thu hoạch lại rất bị động với thị trường, có những lúc giá giảm tới thê thảm mà phần lớn do lượng cung vượt cầu.
Chưa kể, khi các khu cụm công nghiệp tiến về vùng nông thôn, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông ngày càng lớn với việc làm và thu nhập ổn định hơn, nguồn nhân công phục vụ nông nghiệp nói chung bị thiếu hụt. Đây là nguyên nhân chính khiến người dân bỏ ruộng, dẫn đến giảm diện tích cả gieo cấy lẫn trồng trọt, nên khi thị trường biến động, đã thiếu chủ động thì dù muốn cũng khó đầu tư.
Vấn đề đặt ra là, hiện tiểu ngành kinh tế màu vẫn gặp lúng túng vì quy hoạch chưa thực sự mang tính định hướng. Bên cạnh một số vùng canh tác được chuyên canh như trồng ớt, thuốc lào ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… nhiều diện tích khác dù được canh tác nhưng bà con nông dân vẫn sản xuất thụ động theo dự báo thị trường, nên dễ bị mất cân đối trong cơ cấu, dẫn đến giá trị giảm.
Chẳng hạn vùng rau Thụy Hương (Kiến Thụy), mọi năm chủ yếu trồng rau có lá, sau thời gian chuyển sang trồng các loại như súp lơ, khoai tây đều kém hiệu quả, năm nay khu vực này đã mất thế chủ lực.
Điều đáng nói nữa là, ngay tại các khu vực chuyên canh đã được quy hoạch, tính kết nối giữa nhà sản xuất, nhà khoa học và nhà tiêu thụ chưa đủ mạnh để tạo sự chủ động cho người dân. Ngoại trừ một số sản phẩm cây công nghiệp, việc tiêu thụ rau được phân phối chủ yếu vẫn thông qua các thương lái nhỏ lẻ, còn kênh phân phối lớn như các siêu thị hầu như không trực tiếp nhập rau tại Hải Phòng.
Điều này rất cần sự điều chỉnh mang tính vĩ mô, mà chỉ có các nhà quản lý mới có thể định hướng, ví dụ việc đánh giá thị trường tiêu thụ các mua để phân loại và quy hoạch giúp bà con nông dân, thiết nghĩ cũng là một ví dụ.
Lê Minh Thắng