Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc cho rằng thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh COVID-19 có thể lâu hơn suy nghĩ lúc đầu sau khi nghiên cứu các ca bệnh từ Vũ Hán (Trung Quốc).
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong khi giới chức y tế mặc định thời gian ủ bệnh trung bình của COVID-19 là khoảng 5 ngày và nhiều nhất là 2 tuần, thì các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, Viện Dịch tễ Quốc gia Mỹ và Đại học Bắc Kinh tìm ra chỉ số trung bình có thể cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân mắc COVID-19 có thể lâu hơn.
Trong quá trình nghiên cứu dữ liệu lâm sàng của trên 1.000 bệnh nhân COVID-19 rời Vũ Hán trước khi thành phố áp dụng lệnh phong tỏa vào ngày 23/1, các nhà khoa học đã phát hiện chỉ số trung bình thời gian ủ bệnh là 8,29 ngày, thay vì 7,76 ngày như lúc trước.
“Biết chính xác thời gian ủ bệnh có thể giúp giới chức đưa ra khoảng thời gian cách ly một cách tối ưu với mục đích kiểm soát dịch bệnh cũng như cần thiết trong quá trình điều tra cơ chế lây truyền của virus và phát triển phương thức điều trị. Mặc dù thời gian ủ bệnh rất quan trọng nhưng nó thường bị đánh giá sơ sài do dữ liệu giới hạn”, các nhà nghiên cứu nhận định.
Cũng trong công trình nghiên cứu xuất bản vào ngày 7/8 trên tạp chí khoa học Science Advances, các nhà khoa học chỉ ra 10% các ca mắc COVID-19 có thể phát triệu chứng sau hơn 2 tuần nhiễm virus. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu vẫn cho rằng thời gian ủ bệnh tối đa cho phần lớn các bệnh nhân là không quá 14 ngày – thời gian cách ly điển hình mà nhiều nước trên thế giới đặt ra.
Các nhà khoa học cũng lưu ý kết quả tìm ra của họ chỉ dựa trên dữ liệu của những ca mắc vào đầu năm và không áp dụng cho những ca COVID-19 sau này trong trường virus SARS-CoV-2 biến đổi.
Các chuyên gia kết luận nắm rõ thời gian ủ bệnh có thể giúp các nhà chức trách lập kế hoạch kiểm soát dịch bệnh do mọi người có thể lây truyền virus trước khi họ biểu hiện các triệu chứng.
Bảo Hà/Báo Tin tức