Thỏa ước lao động tập thể nhóm không chỉ giúp nâng cao đời sống người lao động mà còn góp phần ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp
“Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu về sản lượng gỗ của cả nước, do vậy việc chọn các doanh nghiệp (DN) gỗ để thí điểm ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm là đúng đắn” – ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định như vậy tại lễ ký kết TƯLĐTT nhóm DN chế biến gỗ Bình Dương mới đây.
Cải thiện tiền lương, điều kiện làm việc
Theo ông Chang-hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), từ kết quả thí điểm ký kết TƯLĐTT nhóm DN (MECBA) du lịch Đà Nẵng và TƯLĐTT nhóm DN điện tử tại Hải Phòng, MECBA không chỉ là công cụ vững chắc để cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc mà còn là biện pháp để ổn định quan hệ lao động lâu dài tại DN. Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) khẳng định TƯLĐTT nhóm BIFA được ký kết trong bối cảnh nguồn lao động tại Bình Dương đang khan hiếm, nhất là lao động ngành chế biến gỗ. Vì vậy, đây cũng chính là cam kết của DN trong việc chăm lo tốt hơn đời sống người lao động (NLĐ), giúp họ an tâm gắn bó lâu dài với DN.
Ông Đặng Tấn Đạt, Phó Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết: “Để xây dựng một bản TƯLĐTT hiệu quả, LĐLĐ tỉnh dự kiến thí điểm ở 8 DN ngành gỗ về việc đối thoại, lấy ý kiến, thương lượng về nội dung sát thực đời sống NLĐ cũng như mong muốn của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, xét thấy tính hiệu quả mà MECBA mang lại, BIFA và LĐLĐ tỉnh thống nhất mời thêm 8 DN hội viên khác của BIFA tham gia, nâng tổng số đơn vị tham gia ký kết TƯLĐTT lên 16. Với sự chuẩn bị chu đáo, bản TƯLĐTT nhóm BIFA có nhiều điều có lợi hơn cho NLĐ so với luật định. Cụ thể, DN thưởng Tết cho NLĐ ít nhất 1 tháng lương theo hợp đồng trở lên, trong trường hợp dưới 12 tháng thì tính theo tỉ lệ tương ứng với thời gian làm việc. DN cũng sẽ thưởng thêm nếu sau Tết NLĐ trở lại làm việc đúng thời gian. Bên cạnh đó, DN hỗ trợ suất ăn giữa ca từ 17.000 đồng trở lên.
Công nhân Công ty CP Lâm Việt (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) trong giờ làm việc
Giám sát thực hiện thỏa ước
Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết: “Việc ký kết TƯLĐTT nhóm DN chế biến gỗ tỉnh Bình Dương mang ý nghĩa quan trọng. Ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang đối mặt sự chuyển dịch lực lượng lao động sang các khu vực khác do sự hình thành các KCN ở mỗi địa phương. Do đó, TƯLĐTT là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN cũng như từng bước nâng cao phúc lợi cho NLĐ”.
Để bảo đảm cho TƯLĐTT nhóm BIFA được triển khai thực chất và hiệu quả, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã ký kết quy chế phối hợp với BIFA. Theo đó, trách nhiệm của LĐLĐ tỉnh là tuyên truyền, vận động tập thể NLĐ chấp hành các chính sách, pháp luật của nhà nước, nội quy, quy chế và các thỏa thuận đạt được giữa hai bên trong quan hệ lao động tại DN. Đồng thời, phối hợp phát động và tổ chức các phong trào thi đua nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc trong công nhân, lao động. Trách nhiệm của BIFA là vận động người sử dụng lao động thực hiện đúng những nội dung đã ký kết trong TƯLĐTT nhóm mà DN BIFA đã ký kết. “Với trách nhiệm của mình, Công đoàn cơ sở sẽ chủ động giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã ký kết. Nếu thấy nội dung nào chậm thực hiện, chúng tôi sẽ kiến nghị DN khắc phục để bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên và NLĐ. Chúng tôi mong muốn hằng năm, những DN trong BIFA sẽ họp mặt, chia sẻ kinh nghiệm giám sát thực hiện TƯLĐTT” – ông Trần Doãn Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An, bày tỏ.
Nội dung TƯLĐTT tiến bộ cũng sẽ kích thích tinh thần hăng say lao động ở NLĐ và giảm rủi ro tranh chấp” – ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Bài và ảnh: ĐỖ TRỌNG