Print Thứ Tư, 25/01/2023 10:45 Gốc

Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên, nhà thơ, nhà giáo, nhà đạo đức, nhà tư tưởng, nhà tiên tri, triết gia, chiến lược gia thời Mạc, quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương; nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông được đánh giá là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI.

La sơn phu tử Nguyễn Thiếp, danh sĩ thời Hậu Lê và Tây Sơn ca ngợi Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài “huyền cơ tham tạo hóa” (mưu cơ thâm kín can dự cả vào công việc của tạo hóa) hay “phiến ngữ toàn tam tính” (một lời ngắn gọn mà bảo toàn cho cả ba họ Mạc, Trịnh, Nguyễn). Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế di sản thơ phú, bi ký, sấm ký đồ sộ, trong đó có rất nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm hay về mùa xuân.

Cảnh mùa xuân

Tác phẩm thơ của ông gồm cả thơ chữ Hán (tập hợp trong Bạch Vân am thi tập) và thơ chữ Nôm (tập hợp trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập). Trong lời giới thiệu về tập thơ chữ Hán của mình, ông bộc bạch: “… Tuy nhiên cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chữa được khỏi vậy. Mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc là ca tụng cảnh đẹp đẽ của sơn thủy, hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ nói về chí, được tất cả nghìn bài, biên tập thành sách, tự đặt tên là Tập thơ am Bạch Vân”. Như vậy, ông đã sáng tác tới cả nghìn bài thơ chữ Hán, nhưng hiện nay chúng ta chỉ còn sưu tập, lưu giữ được khoảng 800 bài, tuy số lượng không đầy đủ nhưng vẫn đưa ông lên vị trí tác gia có thơ chữ Hán còn được lưu truyền nhiều nhất nước ta.

Về thơ chữ Nôm được Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tác theo thể Đường luật và Đường luật xen lục ngôn khi từ quan về nghỉ ở quê nhà, nhưng không rõ có tổng số bao nhiêu bài, hiện nay chúng ta còn lưu giữ được khoảng 180 bài. Các bài thơ Nôm của ông hầu hết không đặt tiêu đề, do vậy các nhà sưu tầm văn học sau này đặt hoặc đánh số cho từng bài cụ thể.

Thơ ông tiếp nối truyền thống thơ văn thời Lý, Trần, Lê và có ảnh hưởng lớn đến tiến trình văn học của dân tộc. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang nhiều triết lý nhưng cũng gần gũi đời sống Nhân dân vì tác giả đã vận dụng thành ngữ, tục ngữ, lời ăn tiếng nói của người bình dân vào thơ, đồng thời diễn Nôm nhiều điển tích, từ ngữ Hán nên thơ ông tuy triết lý, hàm súc nhưng vẫn có phong vị dân gian.

Trong di sản thơ phú đồ sộ của mình, ông có rất nhiều bài về mùa xuân, tiêu biểu như bài “Trời mùa xuân” (Xuân thiên) viết bằng chữ Hán, được Lê Hữu Nhiệm dịch: “Khí xuân ấm áp ngập không gian,/ Vần chuyển, thiên nhiên, chẳng phải bàn./ Hơi ấm lâu đài mây tỏa bóng, Nắng soi xiêm áo gió ru đàn./ Dạt dào sinh khí vui muôn vật, Phóng khoáng huân phong ấm vạn dân./ Thánh chúa nay mừng theo đức hóa,/ Thái hòa muôn thuở khắp giang san.”

Trong những ngày xuân, Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều thú vui thanh cao như “Thú dưỡng thân” bằng cách:“Hứng ý miệng ngâm câu quốc ngữ,/ Giải phiền tay chuốc chén quỳnh xuân.” (theo Nguyễn Quân, Bạch Vân quốc ngữ thi tập, NXB Sống Mới, 1974), hay “Thú nhàn”: “Lẩn thẩn ngày qua tháng qua,/ Một phen xuân tới một phen già./ Ái ưu vằng vặc trăng in nước,/ Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa./ Án sách hãy còn án sách cũ,/ Nước non bạn với nước non nhà.”, rồi “Thú tiêu dao”: “Chòm tự nhiên, lều một căn,/ Quét không thay thảy bụi hồng trần./ Nghìn hàng cam quít con đòi cũ,/ Mấy đứa ngủ tiều bầu bạn thân./ Thấy nguyệt tròn thời kể tháng, Nhìn hoa nở mới hay xuân.”.

Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có khi ấm áp, có khi còn chút rét rơi rớt lại từ mùa đông: “Mười hai thiều quang, một vừng xuân sắc,/ Một ngày lành lạnh tiễn đưa cái rét còn lại./ Trời râm mát nhờ mưa dễ thấm vào bông hoa,/ Tuyết tàn bị gió rơi xuống cành liễu./ Giai nhân trong phòng gấm rủ thấp màn ngọc,/ Ngoài đường sực nức hoa thơm, khách say giục giã yên vàng./ Xoay chuyển càn khôn, tự có công phu thần diệu,/ Đã gieo rắc khí dương hoà khắp cả trời đất.” (bài “Xuân hàn”: Rét mùa xuân).

Mùa xuân cây cối đâm chồi nẩy lộc, các loài hoa đua hương sắc, trong số đó hoa đào đặc trưng của năm mới được Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều lần miêu tả: “Giống tiên ai lấy trồng trong quán,/ Mỗi độ xuân về hoa nở tươi.

Người khách thuyền chài bên suối tuyết,/ Đi về thường kéo cánh hoa rơi./ Ao biếc đằng đông, phía trước am,/ Đào hoa thắm đỏ mọc ken chân./ Tiệc tàn, cây vẫn nguyên nơi ấy,/ Muôn thuở say cười đón gió xuân.” (bài “Đào hoa phàm nhị thủ kỳ 1”: Hai bài hoa đào kỳ 1, bản dịch của Đỗ Quang Liên đăng tải trên trang https://www.thivien.net).

Đối với các nhà nho theo đạo của người quân tử như Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngoài tri âm, tri kỷ với hoa đào thì hoa mai cũng là bạn cũ thân thiết của ông: “Muôn tía ngàn hồng đấu sắc xuân,/ Nở rồi tàn héo rối phân phân./ Kiên trinh tiết tháo bền trong tuyết,/ Chỉ bạn mai gầy với chủ nhân.” (trích bài “Loạn hậu quy cố viên vịnh mai”: Sau thời loạn về vườn cũ, vịnh mai, do Đỗ Quang Liên dịch).

Ngoài những cây cảnh cao quý như tùng, trúc, cúc, mai, đào, trong thơ xuân Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có cả những loài cây bình dị đời thường như khóm tre, cây mơ vừa làm đẹp cảnh quan, vừa để có quả làm gia vị nấu canh nữa: “Ngoài khóm tre cong, lả một cành,/ Tinh hoa trời đất đã khai sinh./ Trời Xuân chiếm được ngôi đầu bảng,/ Phong vị đưa vào việc nấu canh.” (trích bài “Đình tiền mai”: Cây mơ trước sân, Đỗ Quang Liên dịch).

Thơ Trạng Trình ngoài cảnh xuân đời còn phảng phất cảnh đạo, nhìn bông hoa râm bụt tác giả liên tưởng đến đức Phật, đến giáo lý đạo Phật: “Trong hoa như hiện Phật chân thân,/ Mới, cũ thay nhau nở với tàn./ Sắc tức là không, không tức săc,/ Một cành đắp đổi biết bao xuân.” (bài “Hồng cận hoa”: Hoa râm bụt đỏ), hay: “Bên ao nước biếc, bóng xanh tốt rậm rạp,/ Loại hoa rừng tối khéo đến nơi rừng thiền./ Khi nở hoa không cốt để thả xuân sắc, Chỉ mong thấy được rõ ràng tâm Phật.” (“Ưu đàm hoa”: Hoa ưu đàm, Đỗ Quang Liên dịch nghĩa).

Nỗi lòng mùa xuân

Trước thềm năm mới, Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi tưởng lại những việc lớn đã trải qua trong năm: “Năm cũ vừa qua, năm mới tới,/ Tự cười già lão lại lười khờ./ Khói hoa nọ khắp trong trời đất,/ Tre nước đâu riêng của một nhà./ Việc lớn, hai phen từng gắng sức,/ Xe công, một lá chẳng dâng thơ./ Năm năm làm chủ ba xuân đẹp,/ Biết rõ: ơn trời riêng được nhờ.” (bài “Trừ tịch tức sự”: Đêm cuối năm tức sự, Đinh Gia Khánh dịch), đồng thời ông tỏ nỗi lòng mình: “Tuổi đời ta đã sáu mươi niên,/ Tật bệnh theo già hẹn đến bên./ Lo nước chớ than đầu đã bạc,/ Tiếc xuân gượng chuốc rượu vài phen./ Nếp nhà chẳng dạy, cười con dại,/ Canh cửi, không siêng, hổ vợ hèn./ Hãy gửi thú nhàn vào cảnh rỗi,/ Gặp người, thơ há lạm chê khen.” (“Nguyên Đán thuật hoài”: Tỏ nỗi lòng trong dịp Nguyên Đán, Hữu Thế dịch).

Khi cảm xúc dâng trào, ngòi bút của ông bỗng chảy tuôn thơ: “Tuổi đời đã quá bảy mươi tư,/ Mừng được về nhàn, thăm chốn xưa./ Năm mới, khắp xem tân vũ trụ,/ Nhà nghèo, riêng sẵn cựu thi thư./ Tre hoang, hoa đẹp, ba xuân tốt,/ Cửa sáng, trăng trong, nhà trống trơ./ Ai phải, ai sai, thôi chẳng nói,/ Tự cười già nhác lại cuồng khờ.” (bài “Xuân đán cảm tác”: Đầu năm cảm xúc làm thơ, bản dịch của Đinh Gia Khánh).

Từ quán Trung Tân nơi thôn quê Trung Am, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn phong cảnh xung quanh mà gửi gắm tấm lòng lo đời đau đáu của mình tuy tuổi đã cao: “Chốn am quán thư nhàn mãi xuân chẳng già,/ Non sông như tranh vẽ bút sinh thơm./ Mượn tiếng vang của dòng nước trong mà tiếng đàn thêm nhuần,/ Cây cổ thụ tỏa bóng râm, làm mát lạnh giấc mộng của khách” (dịch nghĩa bài Ngụ hứng), hay: : Ao chuôm gió hiu hiu, ánh sáng của sóng yên lặng,/ Trên sân lúc cuối xuân, bóng hoa lồng vào nhau…/ Tấc dạ lo đời nhờ ai miêu tả,/ Chỉ có tiếng chuông nửa đêm từ trên núi lạnh vẳng đến”. (dịch nghĩa bài “Trung tân quán ngụ hứng”).

Mặc dù trải đời nhiều vui buồn, ưu tư, nhưng ông luôn giữ tinh thần lạc quan cho đến tận tuổi gần đất xa trời: “Chín mươi thì kể xuân đã muộn/ Xuân ấy qua ngày xuân khác còn”, hay: “Vời vợi xuân xanh nữa tiên/ Già càng khỏe, khó càng bền” (Thơ chữ Nôm bài 7).

Trạng nguyên, Trình Quốc công, Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm (thời nhỏ còn có tên là Nguyễn Văn Đạt), được sinh ra trong một “danh gia vọng tộc” của xứ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc Hải Phòng), của nước Đại Việt, từ cụ tổ cho đến ông ba ngoại, rồi đến cha mẹ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đều là người được triều đình và xã hội đương thời trọng vọng, họ đều là người đỗ đạt, đức độ, được phong là Quận công, Thượng thư, Thái học sinh, Phu nhân.

Sống trong môi trường vùng đất văn hiến xứ Đông (cũng là quê hương phát tích của nhà Mạc, triều đại mà ông tận tụy cống hiến, xây đắp) và truyền thống gia đình rực rỡ, nơi đây lại có cảnh đẹp sông núi hữu tình, biển khơi bao la, đồng bằng trù phú, danh lam thắng cảnh rực rỡ như Kim Hải, Úc Môn, Đồ Sơn, Tuyết Giang, Thiên Hương tự (chùa Mét), chùa Song Mai, dường như tất cả đã tạo nên hồn thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm minh triết, rộng mở, thơ nói về “nhàn”, “tiên” để giữ thanh danh, thoát danh lợi tầm thường chứ không phải ông “lánh đời” hay thể hiện tiêu cực, ngược lại kể cả khi đương chức hay đã về nghỉ ngơi, ông luôn lo cho đời, mong muốn cho người dân được ấm no, xã hội được thanh bình.

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong bài viết: Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (NXB Sự thật, 1974) ca ngợi Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong “những thiên tài”, “những ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam, làm vẻ vang cho giống nòi”. Còn Ngô Thì Nhậm trong đề tựa tập thơ “Tinh sà kỷ hành” của Phan Huy Ích có khen Nguyễn Bỉnh Khiêm tạo nên được khuôn thước, thể cách cấu tạo văn chương riêng của mình.

Ngày xuân thưởng thức thơ cụ Trạng để thấy đất nước ta, vùng đất Hải Phòng của ta từ xưa vẫn đẹp trường tồn, để thấy rằng Xuân vẫn tuần hoàn muôn đời trên đất Trạng.

Nguyễn Dương

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thơ xuân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác