Ngày 24-7-1968, vào lúc 16 giờ chiều, một đàn 16 chiếc máy may Mỹ lần thứ 15 trong ngày gầm rít quần thảo trở đi trở lại bầu trời Đồng Lộc.
Và một trái bom ác nghiệt rơi trúng cửa hầm. Trong hầm có 10 cô gái. Hầm sập. Các cô hy sinh. Vẫn cầm trong tay cuốc, xẻng. Dường như chỉ cần dứt tiếng bom là vút lao ra mặt đường.
Mười cô gái.
“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt
Nhỏ – Xuân – Hà
Hường – Hợi – Rạng – Xuân – Xanh
A Trưởng, Võ Thị Tần điểm danh”
(Cúc ơi – Yến Thanh).
Mười cái tên đi vào lịch sử bi hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc dân tộc Việt.
Chiến tranh kết thúc. Địa danh Ngã ba Đồng Lộc gắn với huyền thoại mười cô hy sinh trong chiều hè.
Tượng đài chiến thắng tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). (ảnh baophutho.vn)
Kỷ niệm ngày 27-7 năm nay, trở lại Đồng Lộc bằng tuyển thơ của các nhà thơ về Đồng Lộc, về những người đã hy sinh. Và đặc biệt, sự hy sinh của mười cô thanh niên xung phong. Tuyển của NXB Quân đội nhân dân do Tạp chí Văn nghệ quân đội tuyển, xuất bản năm 1998. Có những bài “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” (Vương Trọng). Hoặc “Cúc ơi” (Yến Thanh)… Nhưng tôi thấy quả là thiếu sót nếu không nhắc tới 3 bài thơ của 3 nhà thơ Hải Phòng viết về Đồng Lộc. “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” của nhà thơ Mai Văn Phấn là một trong số đó.
Có lẽ, tuổi thanh xuân của các O là nguồn xúc cảm vô tận, từ rưng rưng những vô tư, tươi trẻ đời sống các O, giờ truyền sang thế hệ tiếp theo, những xót thương, day dứt và trìu mến. “Tháng ngày gương lược về đâu/ Chân trời để xõa một màu cỏ non”. “Khăn thêu những dấu tay gầy/ Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời”. Những bàng hoàng và những tri ân, ba mươi năm sau ngày các O hy sinh, nhà thơ Mai Văn Phấn vẫn cảm rát hơi bom thổi ngạt. Và bài thơ cũng chính là bó nhang thơm vĩnh hằng tưởng nhớ như lòng biết ơn những người đã khuất: “Người ơi tôi gặp lại người/ Hơi bom còn thổi rụng rời cát khô/ Nhang này quặn nỗi đau xưa/ Tôi này tôi của cơn mưa về nguồn”.
Sinh thời, nhà thơ Đồng Đức Bốn có thể gọi là người cùng thời với “Mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc”. Đó là tên bài thơ chỉ có tám câu lục bát, nhưng rất ấn tượng khi đọc lần đầu. Như khẩu khí của ông: “Nếu ai còn biết làm người/ Qua đây xin hát những lời cỏ hoa/ Mười ngôi mộ chẳng biết già…”. Đúng vậy. Khi đến viếng các O, nhiều người nhận thấy gương lược, bồ kết vẫn như vương vấn mùi hương thiếu nữ. Ảnh các O không bi thương và phảng phất như là đâu đây, các O còn hiện hữu. “Cầm cỏ thì thấy mồ hôi/ Cầm đất thì thấy dấu môi vẫn hồng/ Sông La tóc sóng bềnh bồng/ Cầm mây áo gái chưa chồng còn thơm”.
Nghe như có tiếng các O khúc khích cười, nhà thơ trẻ của Hải Phòng, Đỗ Huy Chí cảm thấy như vậy. Có thể, khi các O hy sinh, Đỗ Huy Chí mới chào đời. Hoặc độ mới thôi nôi. Vậy mà năm 2012, nhà thơ viết “Những bông hoa trinh nữ ở Ngã ba Đồng Lộc”. Trước đó, Huy Chí viết “Chiều Đồng Lộc”. Có những câu ám ảnh: “Người thanh thản đất nâu lành/ Đồng trinh từ độ hóa thành bướm non/ Người đi hôm ấy xa nhà/ Vòm mây thiếu nữ bay mà không trôi”.
Trở lại Đồng Lộc tháng 7-2012, nhà thơ của “Nhịp cầu trẻ con” viết: “Ta về thăm lại lược gương/ Mà soi thêm cõi vô thường chiều nay”. Dường như trải nghiệm đời sống của thế hệ con cháu các O đã có chút gì của giá như, của ước gì… “Mười bộ quân phục như nhau/ Ước chi là áo cô dâu bây giờ”. Điều đó như nhận thức rằng, “chiến tranh không phải trò đùa”, và sự hy sinh của thế hệ cha anh vẫn mãi là gốc rễ của yên bình hôm nay. Để biết mà tri ân và gìn giữ: “Mười cây trinh nữ nở hoa/ Tím hồng đất Mẹ, ngã ba con về…”.
Trên trái đất này, đất nước nào có ngày gọi là Thương binh – Liệt sĩ như Tổ quốc chúng ta. Hơn 70 năm từ ngày ấy, 27-7-1947, khi cuộc chiến tranh chống Pháp còn dang dở, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy khẩn thiết phải có ngày tưởng nhớ, biết ơn sự hy sinh xương máu cũng như một phần thân thể của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh vì nền Tự do, Độc lập của dân tộc Việt Nam.
Và suốt một dải Trường Sơn, nhìn từ biển Đông, hay từ đỉnh Phan-xi-phăng dõi xuống. Từ mảnh đất địa đầu Vị Xuyên, hay U Minh, Cà Mau đất mũi…, đâu đâu, tỉnh, thành phố nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ các anh hùng, liệt sĩ. Để rồi, cứ mỗi tháng 7 về, cả dân tộc lại tri ân các thương, bệnh binh và tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Đã thành nghi lễ thiêng liêng của uống nước nhớ nguồn, biết ơn người đã hy sinh qua những bài thơ đầy cảm động của các nhà thơ, đặc biệt của các nhà thơ Hải Phòng với mười cô thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc nói riêng và các thương binh, liệt sĩ cả nước nói chung.
Vũ Thị Huyền – Báo Hải Phòng 03/8/2018