Print Thứ Tư, 13/03/2019 09:34

Thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Nhiều người tiêu dùng e dè, thậm chí “tẩy chay” thịt lợn, khiến người bán thịt lợn tại các chợ dân sinh rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, bệnh không lây trên người nên người dân cần bình tĩnh.

Cảnh ế ẩm tại khu vực bán thịt lợn ở chợ Tổng, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) sáng 6-3.

Sợ dịch bệnh, thịt lợn ế ẩm

Chợ Tổng là chợ vùng của nhiều xã như Lưu Kiếm, Minh Tân, Lưu Kỳ, Gia Minh, Liên Khê, Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên) vốn rất đông đúc, nhất là khu vực bán thịt lợn. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2-2019 đến nay, khu vực này luôn trong tình trạng vắng người bán, thưa thớt người mua. Cả khu có khoảng gần 40 quầy bán thịt lợn, nhưng có đến 1/2 số quầy để không do tiểu thương nghỉ chợ vì ế ẩm. Trước đây khi chưa có dịch tả lợn châu Phi, mỗi hộ tiểu thương trong chợ bán dao động từ 20 đến 50 kg thịt lợn/buổi chợ, nhưng nay chỉ 7-10 kg thịt lợn cũng khó hết. Người bán thịt nhìn nhau buồn thiu vì ngóng người mua. Bà Vũ Thị Loan, chủ một quầy bán thịt lợn tại chợ Tổng cho biết: “Đợt này, giá thịt lợn thương phẩm giảm hẳn, chỉ 65 nghìn đồng/kg thịt mông (trước 80 nghìn đồng/kg), 70 nghìn đồng/kg xương sườn (trước 85 nghìn đồng/kg)…, nhưng vẫn ế vì người tiêu dùng “kỳ thị” thịt lợn. Do đó, nhiều người bán hàng đành phải nghỉ chợ để chờ qua đợt dịch lợn này”.

Anh Lê Văn Ba, chủ lò mổ lợn lớn của chợ này cũng cho biết, để tránh dịch tả lợn châu Phi, anh mua lợn của thương lái từ tỉnh Quảng Ninh nhập về, có kiểm tra, có chứng nhận kiểm dịch thú y của Trạm kiểm dịch động vật Đá Bạc (ở đầu xã Gia Minh). Song, thịt lợn vẫn khó tiêu thụ, chủ yếu chỉ giao cho một số nhà hàng. Mấy ngày nay, anh không nhập lợn tiếp, mà chỉ bán nốt số lợn hơi dự trữ còn lại. Tuy nhiên, anh phải chung với 2, 3 tiểu thương khác mới bán hết 1 con lợn thịt thương phẩm/buổi chợ, không như trước đây một mình bán cũng hết.

Tình trạng ế ẩm trên không riêng gì ở chợ Tổng. Tại các chợ của nhiều xã phát hiện có ổ dịch tả lợn châu Phi như Chính Mỹ, Liên Khê, Kênh Giang, Đông Sơn, Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên), Đại Bản (huyện An Dương), Nam Hưng (huyện Tiên Lãng) đều dễ dàng bắt gặp cảnh này. Dù nhiều quầy bán thịt lợn có dấu kiểm dịch thú y của ngành chức năng, nhưng người mua vẫn thờ ơ.

Tại các chợ ở các khu vực không có dịch tả lợn châu Phi, mức tiêu thụ thịt lợn thương phẩm cũng chững lại so với trước đây. Chợ Lương Văn Can (quận Ngô Quyền) trước khu vực bán thịt lợn tấp nập nhất, nay lượng thịt bán ra và người đến mua giảm đáng kể. Ngược lại, khu vực bán hải sản, tôm, cá đông đúc người mua. Chị Nguyễn Thị Linh, ở phố Lương Khánh Thiện (quận Ngô Quyền) cho biết, mặc dù mọi người trong nhà chị thích ăn thịt lợn, nhưng từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, chị không dám mua vì lo ngại thịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc, bị nhiễm bệnh. Vì vậy, nhiều ngày nay, chị chỉ mua tôm, cá.

Thông tin để người tiêu dùng yên tâm

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bùi Văn Luyện, do nhiều người tiêu dùng lo sợ dịch tả lợn châu Phi nên hạn chế ăn thịt lợn, khiến giá lợn có thể sụt giảm, càng ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Bộ Y tế khẳng định bệnh tả lợn châu Phi không lây lan sang người, nên người dân yên tâm sử dụng các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm chế biến từ thịt lợn. Chính việc người dân sử dụng các sản phẩm an toàn từ thịt lợn sẽ góp phần “tiếp sức”, vực dậy sản xuất, chăn nuôi lợn tại các nơi bị ảnh hưởng từ dịch bệnh này. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo thành phố, ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, các quận, huyện khẩn trương phối hợp tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch cũng như ngăn chặn phát sinh ổ dịch mới. Đồng thời, các trạm kiểm dịch kiểm soát rất chặt chẽ nguồn thịt lợn trước khi bày bán trên thị trường thành phố, nên người dân yên tâm sử dụng thịt lợn được kiểm dịch an toàn.

Trước lo lắng của người tiêu dùng, ngay khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông báo bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh này không gây bệnh trên người, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Cũng theo ông Luyện khuyến cáo, người dân nên chọn mua sản phẩm thịt lợn an toàn, được cơ quan thú y kiểm dịch, được chế biến hợp vệ sinh bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các quầy bán có địa chỉ rõ ràng. Khi chọn mua thịt lợn, người dân nên chọn mua thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt.

Việc có tình trạng người dân không dám ăn thịt lợn do lo sợ dịch tả lợn châu Phi lây lan sang người cũng thể hiện công tác tuyên truyền của các địa phương về các thông tin liên quan đến dịch tả lợn châu Phi chưa thực sự đầy đủ và sâu rộng. Việc này đang tác động xấu đến sản xuất, lưu thông mặt hàng thực phẩm quan trọng này. Vì vậy, các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng về dịch bệnh, yên tâm sử dụng thịt lợn bảo đảm an toàn. Đó chính là một trong những biện pháp hữu hiệu để nhanh chóng vực dậy ngành chăn nuôi trước dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Bùi Hương – Báo Hải Phòng 

 

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thịt lợn an toàn: Người tiêu dùng yên tâm sử dụng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác