Thiếu lao động nông nghiệp: Khó đáp ứng sản xuất hàng hóa

Theo báo cáo của một số xã trên địa bàn thành phố, hiện lao động nông nghiệp thiếu tới 50-60%, khó đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sản xuất hàng hóa cũng gặp khó khăn do  thiếu lao động…

 


Các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất cà chua năng suất, chất lượng cao.  

 

Giá thuê cao, vẫn khó tìm người


Tại  xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng) từ đầu tháng 9, địa phương ráo riết chỉ đạo nông dân tập trung phòng trừ sâu đục thân hai chấm bảo vệ lúa. Trên các cánh đồng, phần lớn là người cao tuổi phun thuốc sâu. Bà Mai Thị Mãn, ở thôn Kỳ Vỹ Thượng, năm nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn đeo bình phun thuốc sâu ra đồng. Bà cho biết, nhà neo người, nhưng  không thuê được lao động để làm việc đồng áng nên phải tự làm. Khảo sát tại nhiều xã khác ở các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo…, cũng trong tình trạng thiếu lao động nông nghiệp trầm trọng. Vì vậy, giá thuê lao động cao, so với mặt bằng sản xuất nông nghiệp song cũng không dễ thuê.

 

Đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tăng giá trị sản xuất, một số địa phương thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hàng hóa. Các doanh nghiệp này cần lực lượng lao động nông nghiệp khá lớn sản xuất thường xuyên hoặc theo mùa vụ. Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty TNHH Thuận Lợi Nguyễn Văn Thuận cho biết, doanh nghiệp khó tìm đủ lao động để bảo đảm sản xuất ở vùng lúa hữu cơ. Vì vậy, mặc dù đơn đặt hàng về lúa hữu cơ khá nhiều, nhưng doanh nghiệp chưa thể mở rộng sản xuất. Theo Giám đốc Công ty CP nông nghiệp kỹ thuật cao Phạm Thị Cằng, có thời điểm doanh nghiệp phải thuê lao động nông nghiệp làm mùa vụ 500 nghìn đồng/ngày công. Điều này khiến việc của doanh nghiệp thiếu tính chủ động, có lúc bị ngừng trệ.

 

Phó trưởng Phòng nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Thấm nhận xét, nguyên nhân khiến lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm là bởi  sản xuất nông nghiệp thu nhập thấp, nhiều rủi ro nên không mấy người trẻ tuổi lựa chọn. Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thọ (An Lão) thông tin, xã thiếu hơn 60% số lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương, nên nếu có doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao khó đáp ứng nhu cầu lao động. Lao động nông nghiệp có xu hướng chuyển sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… Tại một số địa phương, chưa có sự bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu độc canh cây lúa khiến một số lao động nông nghiệp thu nhập thấp, nhiều người bỏ nghề…

 

Đáp ứng cung cầu lao động nông nghiệp


Trong những năm tới, sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng phát triển mạnh theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, có sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Để thu hút lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi phải có sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền các địa phương, tạo điều kiện cho lao động nông nghiệp được đào tạo bài bản có cơ hội tiếp cận việc làm, đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại với kỹ thuật, công nghệ cao hơn… Thời gian tới các địa phương rà soát lại cơ cấu lao động trong độ tuổi, tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp, năng động kết nối với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho lao động nông nghiệp. Khuyến khích các HTX nông nghiệp nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật giảm số lượng lao động nông nghiệp. Đồng thời, phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia vào các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tăng thu nhập. Từ đó nâng khuyến khích người lao động bám trụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương …

 

Phó hiệu trưởng Trường đào tạo nghề nông nghiệp thủy sản Hải Phòng Vũ Văn Quý cho rằng, khi lao động nông nghiệp có nghề và làm việc chuyên nghiệp, sẽ dễ dàng có cơ hội tăng thu nhập. Người lao động sẽ thiết tha với công việc nghề nông. Lao động nông nghiệp có thể hợp đồng tham gia sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp, sản xuất vệ tinh cho doanh nghiệp hoặc tự sản xuất nông nghiệp bằng các mô hình riêng. Muốn vậy, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các trường đào tạo nghề quan tâm đào tạo ngành nghề nông nghiệp; đồng thời có cơ chế khuyến khích nông dân tham gia các khóa học như hỗ trợ học phí, đào tạo “cầm tay chỉ việc”, gắn nhiều với thực hành thay vì học lý thuyết suông. Các doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác sản xuất nông nghiệp tại địa phương cần có chiến lược thu hút lao động bằng các cơ chế khuyến khích như đào tạo nghề miễn phí, chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại giúp người lao động địa phương tiếp thu, học hỏi…

           

Hương An – Báo Hải Phòng 24/09/2018

Tin khác

Đề xuất mẫu “Sổ hồng” mới

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về Giấy…

03/05/2024

Vaccine AstraZeneca COVID-19 có nguy cơ gây đông máu: Bộ Y tế nói người dân không nên lo lắng

Trước thông tin vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 đang bị cáo buộc gây ra tác dụng…

03/05/2024

Giám sát thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp tại KCN VSIP Hải Phòng

Sáng 3/5, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố do đồng chí Phạm…

03/05/2024

Năm 2024, thành phố hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân với chất lượng tốt

Sáng 3/5, Hội đồng nghĩa vụ thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết công…

03/05/2024

Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp của LG

Sáng 25/4, tại Seoul Hàn Quốc, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Tập…

03/05/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More