Print Thứ Tư, 27/11/2019 14:55 Gốc

Dịp cuối năm 2019, mỗi tháng Trung tâm Dịch vụ và Giới thiệu việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thông báo tuyển dụng khoảng 6.000- 8.000 vị trí việc làm dành cho lao động phổ thông, trong đó, nhu cầu tuyển lao động may mặc chiếm khoảng 50%. Nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, nhưng số lượng hồ sơ ứng tuyển ít… là khó khăn của nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc.

Lèo tèo hồ sơ ứng tuyển

Vài tháng trở lại đây, Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng) chuyên về lĩnh vực may mặc, với 100% vốn đầu tư Đài Loan, liên tục đăng tin tuyển dụng trên website, với số lượng từ 1.000- 2.000 lao động, để phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất của các nhà máy. Công ty áp dụng chế độ thưởng thêm 2,4- 2,9 triệu đồng đối với lao động mới làm việc tại vị trí công nhân may. Thậm chí, công ty tổ chức nhiều buổi tư vấn giới thiệu việc làm lưu động tại các Trường THPT trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, mỗi tuần chỉ có 30- 40 hồ sơ tham gia ứng tuyển, thấp hơn nhiều so với yêu cầu đặt ra.

Công ty TNHH Nam Thuận (thôn Rực Liễn, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên) cũng ở tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên Phòng Nhân sự của công ty cho hay: Cuối năm 2019, công ty cần tuyển thêm 700- 1.000 lao động chuyên ngành may mặc. Trước đây, công ty chỉ tuyển phụ nữ độ tuổi từ 18-35, nay độ tuổi tuyển dụng được nới rộng đến 45 tuổi. Và dù doanh nghiệp áp dụng nhiều biện pháp quảng cáo như tuyển dụng trực tiếp tại công ty, treo băng-giôn, phát tờ rơi…, nhưng sau 1 tháng, công ty mới tuyển được 10% số lao động theo nhu cầu.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ và Giới thiệu việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), dịp cuối năm, nhu cầu sản xuất phục vụ các đơn hàng tăng cao nên nhu cầu tuyển dụng lao động ngành may mặc cần khoảng 3.000- 4.000 người, tăng 30% – 40% so với giữa năm. Nhưng thực tế số người tham gia ứng tuyển dụng tại Sàn Giao dịch việc làm thuộc Trung tâm chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu tuyển dụng. “Theo khảo sát cho thấy, nhiều người lao động hiện nay chưa mặn mà ứng tuyển vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Nguyên nhân, cuối năm các doanh nghiệp ngành may mặc tổ chức tăng ca thường xuyên, số giờ làm thêm nhiều khiến lao động nữ không có thời gian thu xếp công việc gia đình và giải quyết các nhu cầu khác như: nghỉ ngơi, giải trí, du lịch…”, bà Phan Thị Yến, Trưởng Phòng Tư vấn và Giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ và Giới thiệu việc làm lý giải.

Thời gian tới, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hải Phòng đẩy mạnh dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Lớp may công nghiệp tại huyện Vĩnh Bảo do Hội Lien hiệp phục nữ thành phố tổ chức.

Điều chỉnh chính sách đãi ngộ

Tình trạng nhu cầu tuyển dụng vượt khả năng cung ứng lao động đang diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp may mặc và lặp lại theo chu kỳ “đầu năm thừa, cuối năm thiếu”. Vì thế, nếu không có chính sách đãi ngộ phù hợp, vượt trội, doanh nghiệp may mặc khó giữ chân lao động, nhất là với lao động nhập cư. Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng Phòng Việc làm- An toàn lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), muốn thu hút lao động nhập cư tới Hải Phòng làm việc, các công ty may mặc cần có những chính sách hỗ trợ về nhà ở, phương tiện di chuyển và điều kiện làm việc như: nhà xưởng hiện đại, đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, giảm bụi, tiếng ồn… Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hải Phòng (trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố) cho rằng, cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo nghề huy động tối đa lao động nông nhàn. “Trước thực tế, thiếu số lượng lớn lao động ngành may mặc, thời gian tới trung tâm tổ chức thường xuyên lớp học nghề may công nghiệp cho phụ nữ nông thôn nhằm tận dụng nguồn lao động tại chỗ và khuyến khích hội viên làm việc các doanh nghiệp may mặc theo cơ chế bao tiêu sản phẩm”, bà Hoa chia sẻ.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề khan hiếm lao động ngành dệt may một cách lâu dài, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hoàng Đình Long, cho biết: “Hiện, một số doanh nghiệp may mặc, giày da như: Công ty TNHH Thương mại Sao Mai (Khu công nghiệp Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo), Công ty may Thiên Nam (phường Anh Dũng, quận Dương Kinh)… thực hiện các thiết chế dành cho người lao động khá tốt như: xây dựng nhà trẻ cho con của nữ công nhân, hỗ trợ tiền giữ trẻ hằng tháng cho người lao động… Bên cạnh việc học tập cách làm hay từ các đơn vị kể trên, cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc cần xây dựng những điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể sát thực tiễn hoạt động của đơn vị, phù hợp nguyện vọng của đông đảo người lao động, giúp công nhân may yên tâm gắn bó, đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp và tăng uy tín, sức cạnh tranh của doanh nghiệp may mặc trong hoạt động tuyển dụng”./.

Bài và ảnh: Tuyết Mai

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thiếu lao động ngành may mặc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác