Thiếu lao động mùa “ra khơi”

Đang vào mùa đánh bắt, nhưng nhiều tàu cá trên địa bàn thành phố phải nằm bờ bởi các chủ tàu chưa tìm được… lao động đi biển. Tình trạng này xảy ra nhiều năm, nhưng chưa được khắc phục trong khi hàng loạt khó khăn như: giá xăng dầu tăng cao, ngư trường thu hẹp, nguồn hải sản giảm đang “bủa vây” ngành khai thác này. Làm thế nào để lao động nghề biển sôi động trở lại và vài năm tới đây, khi số lao động biển hiện tại già hóa, ai tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ nghề?

Kỳ 1: Chật vật tìm người đi biển

 

Để chuẩn bị cho vụ đánh bắt 3 tháng cuối năm, nhiều tàu, thuyền được gấp rút sửa chữa, chuẩn bị khá đầy đủ vật tư, ngư cụ…Tuy nhiên, đến ngày nhổ neo, nhiều chủ tàu cá vẫn dáo dác tìm lao động. Câu chuyện giải quyết lao động đi biển đang trở thành nỗi lo của nhiều chủ tàu, dù họ tìm đủ cách.

 

Tại cảng Ngọc Hải (Đồ Sơn) nhiều tàu thuyền chưa thể ra khơi vì thiếu lao động.

Tàu nằm bến chờ… người 

Thời điểm này, tại cảng cá Mắt Rồng (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên), nhiều chủ tàu chạy đôn đáo khắp nơi tìm lao động. Nhìn chiếc tàu chuẩn bị đầy đủ các ngư cụ nhưng vẫn phải nằm bờ, vẻ mặt lo lắng, anh Đinh Viết Giang (xã Lập Lễ), chủ tàu HP 90244TS cho biết, anh cần ít nhất 5 người, nhất là người có kinh nghiệm đi biển, am hiểu về máy tàu. Tuy nhiên, dù tìm lao động “đỏ mắt”, anh Giang vẫn chưa đủ bạn thuyền.

Không chỉ có tàu cá ở huyện Thủy Nguyên, nhiều chủ tàu tại quận Đồ Sơn cũng dáo dác tìm bạn thuyền. Tại cảng cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn), theo anh Lưu Đình Đông, chủ tàu HP 90398TS (phố Nguyễn Hữu Cầu, phường Ngọc Hải), giá xăng dầu tăng cao, ngư trường thu hẹp, nguồn hải sản giảm… đang gây nhiều khó khăn với ngư dân. Tuy nhiên, với anh Đông, khó khăn nhất vẫn là tìm được bạn thuyền có kinh nghiệm. Với con tàu công suất hơn 900 CV, anh Đông cần ít nhất 15 lao động. Tuy nhiên, hiện nay anh mới tìm được 10 người. Nếu vài ngày nữa vẫn không tìm đủ lao động, anh đành ra khơi trong tình trạng thiếu lao động.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lập Lễ  cho biết: “Toàn xã có hơn 3000 hộ dân, trong đó hơn nửa số hộ làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn xã hiện có 618 thuyền đánh cá lớn, nhỏ, với nhu cầu gần 4.000 lao động.  Nhưng lao động địa phương chỉ đáp ứng gần 40% nhu cầu. Nhiều năm trở lại đây, cứ đến mùa cao điểm khai thác thủy sản, các chủ tàu tất tả ngược xuôi tìm kiếm lao động đi biển”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Cát Hải, toàn huyện có gần 900 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản. Tuy nhiên, gần 20% số tàu hoạt động cầm chừng vì thiếu lao động, khiến hiệu quả đánh bắt không cao. Nhiều chủ tàu chật vật giữ nghề đánh bắt hải sản vì “bỏ thì thương, vương thì tội”.

 

Sang tỉnh ngoài tìm… lao động

Để có đủ lao động, nhiều chủ tàu sang các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để tìm, với nhiều ưu đãi về thu nhập. Có hơn 20 năm kinh nghiệm đi biển, anh Vũ Văn Mạnh, chủ tàu HP 90652TS (xã Lập Lễ) than thở: “Chưa bao giờ lại khó tìm lao động đi biển lành nghề như hiện nay. Tàu nhỏ tìm 4-5 lao động còn chật vật, chưa kể tàu lớn công suất từ 500 CV trở lên cần hơn chục người. Trước đây, tôi trả lương khoảng 6 triệu đồng/người/chuyến đi biển (khoảng 20 ngày). Nay, tôi sẵn sàng trả thêm 2-3 triệu đồng/chuyến. Tôi chấp nhận lãi ít để giữ thợ, giữ nghề. Thậm chí, tuyển cả lao động học việc hay sẵn sàng ứng trước lương cả năm để “giữ chân” lao động nhiều kinh nghiệm, quen việc. Mức lương như vậy nhưng vẫn không thu hút được lao động”.

 “Trước thực trạng thiếu lao động biển, nhiều người làm xe ôm ở xã  Lập Lễ, Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên) kiêm thêm nghề môi giới lao động. Với mỗi trường hợp thành công, chủ tàu trả 1 triệu đồng. Hiện nay, mức lương chúng tôi trả cho lao động có kinh nghiệm khá cao, khoảng 9 – 10 triệu đồng/người/20 ngày đi biển, thậm chí có chủ tàu trả tới 12 – 15 triệu đồng/người/20 ngày. Ngoài chi phí ăn ở, nhiều chủ tàu trả thêm phụ cấp đi lại 1 triệu đồng/người cho những lao động ở xa đến làm việc” – ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn nghề cá Nam Triệu (xã Lập Lễ) cho biết.

Nhiều chủ tàu ở Đồ Sơn cũng có cách làm tương tự. Ông Lưu Đình Dũng, chủ tàu HP 90569TS (phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn) kể: “Để giữ chân lao động, trong thời gian tàu to nằm bờ, gia đình tôi sắm thêm tàu nhỏ hoạt động đánh bắt gần bờ, tạo thu nhập ổn định, thường xuyên cho thợ thuyền”. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đình Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế (quận Đồ Sơn), hiện số lao động trực tiếp khai thác thủy sản của quận chưa đến 1000 người. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm giảm khoảng 70 lao động. Thiếu lao động nhiều tàu không thể ra khơi đánh bắt, nằm bờ dài ngày hoặc chủ tàu bỏ nghề, tìm nghề mới để mưu sinh. Tình trạng này tiếp tục kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và nguồn thu từ đánh bắt thủy, hải sản của địa phương.

Tuyết Mai


Tin khác

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII

Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…

25/11/2024

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…

25/11/2024

Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh

Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

25/11/2024

Hải Phòng có tân Cục trưởng Cục Hải quan thành phố

Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…

25/11/2024

Thí sinh Hải Phòng trở thành Á vương 1 của Nam vương Thế giới – Mr World 2024

Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…

24/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More