Thiếu lao động mùa “ra khơi” Kỳ cuối: Còn ai vươn khơi bám biển, giữ nghề?

Những năm trước đây, nghề biển thu hút đông thanh niên, nhưng nay trở thành nghề mưu sinh “cực chẳng đã” của người lao động trung tuổi, lớn tuổi. Thực tế này đang trở thành rào cản trong duy trì,  phát triển nghề khai thác hải sản truyền thống.

 

Thanh niên “ngại” đi biển

 

Tại nhiều làng cá trên địa bàn thành phố, phần đông lao động trên biển có độ tuổi từ 40 trở lên. Thanh niên quay lưng lại với nghề biển, chọn nghề khác để mưu sinh. Ông Nguyễn Văn Tuần (65 tuổi, ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn) cho biết, hơn 40 năm gắn bó với biển, ông không còn đủ sức khỏe để bám nghề, nhưng nhiều chủ tàu “nhờ vả”, nể quá nên ông lại đi biển. Theo ông Tuần, rất ít thanh niên trong phường theo nghề này, chỉ một số chủ tàu bám biển vì nghề cha truyền con nối. Nghề biển không chỉ đòi hỏi sức khỏe, mà còn cần cả kinh nghiệm. Yêu cầu cao là thế nhưng thu nhập chẳng hơn là bao so với những nghề khác trên bờ nên thanh niên trong làng không mặn mà với nghề đi biển. Phần lớn lao động trung niên không có nghề ổn định, bám biển kiếm kế sinh nhai.

Nghề khai thác hải sản hiện thiếu lao động trẻ, trình độ cao.

Nối nghiệp gia đình, gần nửa đời người gắn bó với nghề đi biển, nhưng ông Lưu Đình Dũng, chủ tàu HP 90569TS (phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn) không hướng con theo nghề. “Gia đình tôi cố gắng tạo điều kiện để 3 đứa con học hành, hy vọng kiếm được công việc ổn định trên bờ thay vì lênh đênh trên biển, thu nhập bấp bênh. Nghề đi biển vừa vất vả, vừa nguy hiểm, có khi phải trả giá bằng cả tính mạng” – ông Dũng bộc bạch.

 

Thiếu lao động trẻ, lao động qua đào tạo khiến nhiều chủ tàu không yên tâm khi vươn khơi. Kiếm đủ lao động nhưng anh Đinh Khắc Hoàn (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) chưa hết lo. Anh Hoàn cho biết: “Chuẩn bị vụ biển năm nay, tôi đầu tư gần 50 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ. Tuy nhiên, phần lớn lao động trên tàu chưa qua đào tạo, chưa thành thạo việc. Chi phí mỗi chuyến biển ngày càng cao. Nếu ra khơi trong điều kiện lao động bấp bênh, sản lượng đánh bắt đạt thấp, chủ tàu sẽ lỗ vốn”.

Theo anh Đinh Văn Sỹ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lập Lễ, chưa đến 40% trong tổng số 2.800 thanh niên địa phương theo nghề đi biển. Vất vả, nhiều nguy hiểm và thu nhập không ổn định là những nguyên nhân khiến các bạn trẻ không mấy mặn mà với nghề truyền thống này. Thực tế, thiếu lực lượng lao động trẻ có tay nghề đang trở thành rào cản trong phát triển nghề đánh bắt xa bờ.

 

Tập trung phát triển, hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ

 

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế quận Đồ Sơn, trong số gần 1000 lao động trực tiếp tham gia khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn quận có đến 90% theo kiểu cha truyền con nối. Trong đó, 80% số lao động tham gia khai thác biển từ 15 năm trở lên, 15% hoạt động khai thác từ 10-15 năm. Phần lớn lao động nghề biển có trình độ học vấn cấp 1, cấp 2. Đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng ở tuổi trung niên không được đào tạo qua trường lớp chính quy, thiếu các kiến thức cơ bản về sử dụng các trang thiết bị hàng hải,  thiếu hiểu biết về luật hàng hải khi hoạt động, khai thác ở những vùng biển quốc tế. 

Thời gian qua, quận Đồ Sơn tích cực xây dựng những tổ, đội tàu hợp tác cùng chia sẻ ngư trường, nhân công, trao đổi kỹ thuật khai thác nhằm thực hiện hiệu quả cao Quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đây là giải pháp tạm thời, góp phần giải quyết vấn đề thiếu lao động đi biển. “Thời gian tới quận Đồ Sơn tích cực phối hợp Trường cao đẳng nghề Thủy sản miền Bắc tổ chức đào tạo cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho ngư dân, nhất là trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản về biển, đảo”- ông Hoàng Đình Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế, quận thông tin.

 

Còn về lâu dài, ông Nguyễn Văn Toán, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, huyện Cát Hải cho rằng: “Muốn thu hút được lao động nghề biển cần giải quyết được vấn đề cốt lõi là nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của các chuyến khai thác, tăng thu nhập cho người lao động trực tiếp làm nghề này. Thực tế, trình độ ngư dân hiện nay còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng của biển, dẫn đến năng suất lao động thấp, thu nhập không cao. Vì vậy, ít người muốn gắn bó lâu dài với nghề. Để giải quyết vấn đề này, huyện đề xuất trung ương, thành phố nên giảm dần số lượng tàu đánh bắt gần bờ, tập trung phát triển, hiện đại đội tàu khai thác xa bờ, nhằm giúp ngư dân làm chủ những con tàu hiện đại sử dụng công nghệ đánh bắt tiên tiến, cho phép tăng sản lượng, giá trị khai thác”.

 

Ngoài yếu tố thu nhập, chủ tàu cần quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt trên tàu nhằm giữ chân và thu hút được lao động. “Những tàu đóng mới, máy móc, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, giúp thuyền viên nghỉ ngơi thoải mái dễ thu hút lao động hơn”, anh Trần Văn Mạnh, lao động nghề cá tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên cho biết.

Không chỉ phải giải bài toán lao động biển, việc tập trung phát triển, hiện đại đội tàu khai thác xa bờ, nâng cao thu nhập người lao động, điều kiện sinh hoạt là hướng đi lâu dài, bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là nghề khai thác hải sản – một tiềm năng, lợi thế của thành phố, là vấn đề cần được các cấp, ngành quan tâm.

Hiện, toàn thành phố có hơn 2.900 tàu thuyền hoạt động khai thác và dịch vụ hậu cần thủy sản. Các tàu chủ yếu làm nghề chụp mực, lưới rê, lưới kéo…., giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

 

Tuyết Mai – Báo Hải Phòng 22/10/2018

Tin khác

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII

Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…

25/11/2024

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…

25/11/2024

Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh

Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

25/11/2024

Hải Phòng có tân Cục trưởng Cục Hải quan thành phố

Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…

25/11/2024

Thí sinh Hải Phòng trở thành Á vương 1 của Nam vương Thế giới – Mr World 2024

Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…

24/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More