Tại đầu cầu Hải Phòng, các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; lãnh đạo các ngành cùng dự.
Theo thông tin mới nhất, các ca bệnh mới tại Đà Nẵng tiếp tục gia tăng và xuất hiện nhiều hơn tại các địa phương. Tại Hà Nội xuất hiện ca bệnh mới; thành phố Hồ Chí Minh có 2 ca…
Tại cuộc họp, Thủ tướng, các Phó thủ tướng; lãnh đạo các bộ, ngành đều khẳng định tình hình lần này phức tạp hơn bởi sau gần 100 ngày không có ca nhiễm mới, trong cộng đồng xuất hiện tâm lý chủ quan. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các địa phương nhanh chóng thiết lập lại các cơ chế phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là chủ quan. Trong đó, cần tuyên truyền mạnh mẽ trong toàn cộng đồng về các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang; rửa tay sát khuẩn; không tới các vùng dịch… Đồng thời, tìm mọi biện pháp cắt nguồn lây nhiễm…
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố báo cáo nhanh với Thủ tướng một số tình hình phòng, chống dịch bệnh tại Hải Phòng. Theo đó đến ngày 29-7, Hải Phòng đã rà soát được khoảng 5.000 người đi về từ Đà Nẵng. Thành phố sẽ xét nghiệm các trường hợp này để xác định các nguy cơ. Trước mắt, có 16 người có biểu hiện sốt, được xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Thành phố đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến và có ứng phó phù hợp. Hải Phòng cũng chủ động chuẩn bị các phương án cần thiết để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, chủ động chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất; nâng cao mức độ sẵn sàng của các cơ sở y tế đồng thời tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tất cả các tầng lớp nhân dân.
Tinh thần chung được Chính phủ chuyển tải tới các địa phương là không hoang mang, bình tĩnh xử lý mọi việc nhưng tuyệt đối không chủ quan; siết chặt các biện pháp quản lý địa bàn để ngăn chặn dịch; bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết cho phòng, chống dịch…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch bệnh lần này bùng phát khác lần trước, phức tạp hơn do chưa tìm được ca F0; nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn, nhất là tại các thành phố lớn; các địa phương gần Đà Nẵng. Vì vậy, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trước nhân dân, không được để xảy ra “vỡ trận” vì chủ quan.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Ban Bí thư tối 28-7; lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và nhấn mạnh: Các địa phương đều có nguy cơ cao, do đó Bí thư, Chủ tịch và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và có ngay các biện pháp.
Thủ tướng hoan nghênh ngành Y tế; thành phố Đà Nẵng thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; có nhiều biện pháp ngăn chặn để giảm độ lây lan của dịch. Tuy nhiên cần tiếp tục tập trung cao, bảo đảm đủ năng lực hệ thống y tế; tìm mọi biện pháp truy tìm F1 và cách ly tập trung nhanh. Thủ tướng chỉ đạo Quân đội, Quân khu 5 vào cuộc tổ chức việc cách ly tại Đà Nẵng một cách tốt nhất. Đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực xét nghiệm, tăng cường thêm trang thiết bị cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng. Thủ tướng đồng ý phương án tăng cường vị trí điều trị ở các bệnh viện trung ương, bệnh viện quân đội, các cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam để xử lý tình hình nếu có người bệnh mắc bệnh nền nặng.
Thủ tướng chỉ đạo, tùy hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương áp dụng Chỉ thị 19 hoặc Chỉ thị 16 một cách phù hợp; chưa tới mức phải “ngăn sông cấm chợ” nhưng phải có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, từng địa phương đề xuất kịch bản ứng phó với dịch bệnh như giai đoạn đầu đã triển khai, trong đó biện pháp cần thiết nhất là hạn chế đi lại; quản lý thật tốt biên giới; khởi tố, xử lý nghiêm các trường hợp đưa người nhập cảnh trái phép; chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các cơ sở cách ly; nâng cao ý thức người dân phòng, chống dịch, tự giác đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, nhất là tại các nơi công cộng… Thủ tướng nêu rõ: Những nơi đã có dịch bệnh không được tổ chức các lễ hội lớn, kể cả đám cưới, hội họp đông người. Các địa phương nâng cao hơn nữa trách nhiệm khống chế tốc độ lây nhiễm. Với những người có triệu chứng và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh phải theo dõi chặt chẽ, xét nghiệm kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quản lý tốt hơn các khu dân cư; chú ý bảo đảm đủ nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm; giữ bình ổn giá cả, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Thủ tướng đặc biệt lưu ý, ngoài các địa phương có dịch như Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, các thành phố lớn, các trung tâm du lịch ven biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng tới Bình Thuận phải có các biện pháp chủ động hơn nữa trong phòng chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 2 ngày họp một lần, có sự chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời trước tất cả mọi diễn biến của dịch bệnh.
Về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng yêu cầu có phương án bảo đảm an toàn về mọi mặt. Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải tính toán lại khả năng trong nước để có lộ trình phù hợp tiếp nhận người Việt Nam về nước./.
Tin: Hồng Thanh – Ảnh: Duy Thính
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More