Sở Tài nguyên-Môi trường đang trình UBND thành phố phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Hành lang bảo vệ bờ biển là vùng đệm quan trọng bảo vệ bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
14 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ
Từ năm 2015, để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Bộ Tài nguyên-Môi trường (TNMT) ban hành thông tư quy định, hướng dẫn kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
UBND thành phố giao Sở TNMT khảo sát, lập danh mục các khu vực cần thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Theo khảo sát của Sở TNMT trên địa bàn thành phố có 14 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Riêng tại huyện Cát Hải có 6 khu vực, thuộc địa bàn các xã Gia Luận, Phù Long, Hiền Hào, Xuân Đám, Trân Châu, Việt Hải và thị trấn Cát Bà. Quận Đồ Sơn có 3 khu vực nằm trên địa bàn các phường Ngọc Hải, Ngọc Xuyên, Vạn Hương, Vạn Sơn và phường Bàng La. Huyện Tiên Lãng có 3 vị trí thuộc địa bàn các xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Đông Hưng và Tây Hưng. Huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh mỗi địa phương đều có 1 khu vực. Trong hành lang bảo vệ bờ biển sẽ có nhiều hoạt động bị nghiêm cấm, như: khai thác khoáng sản, xây dựng mới nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, xây mới công trình xây dựng (trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu), hoạt động làm sạt lở bờ biển. Những hoạt động bị hạn chế như cải tạo công trình đã xây dựng, thăm dò khoáng sản, dầu khí, khai thác nước dưới đất, khai hoang lấn biển, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy giảm hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên,…
Các khu vực được đề xuất thiết lập hành lang bảo vệ đều nằm trong địa bàn đang có tình trạng sạt lở, hệ sinh thái như rừng ngập mặn, thảm thực vật đá vôi bị suy giảm,…cần được bảo vệ, gìn giữ. Khu hành lang của xã Phù Long có chiều dài hơn 27.000 m, có rừng ngập mặn, khu nuôi trồng thuỷ sản, là khu vực bị xâm thực nhiều. Khu hành lang Gia Luận có chiều dài hơn 33.000 m có hệ sinh thái thảm thực vật núi đá vôi, có vườn quốc gia Cát Bà, có diện tích rừng ngập mặn tại các áng. Việc thiết lập hành lang cũng để bảo vệ hệ sinh thái các vụng, cảnh quan khu vực Vịnh Hạ Long và vùng lõi của vườn quốc gia Cát Bà. Khu vực Bàng La (quận Đồ Sơn) có chiều dài hơn 4050 m; có hệ sinh thái rừng ngập mặn, có đê biển, đường giao thông sát bờ biển, có hoạt động sinh kế của người dân ven biển.
Với việc ngăn chặn các công trình ngay trên bờ biển, hành lang bảo vệ bờ biển bảo đảm hệ sinh thái biển phát triển bền vững, cung cấp quyền tiếp cận của người dân với biển. Tuy nhiên, việc xác lập danh mục hành lang bảo vệ biển mới chỉ là bước đầu. Để hành lang bảo vệ bờ biển thực hiện đúng chức năng cần có những giải pháp cụ thể, sát thực tế.
Quy hoạch hành lang gắn với sử dụng đất ven biển
Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN-MT) Nguyễn Văn Cấn, cho biết: Đây là lần đầu thành phố thực hiện việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Trong số 14 khu vực được đề xuất thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển bao gồm những khu vực có đê biển và khu vực chưa có đê biển. Không giống như đê biển, hành lang bảo vệ bờ biển giúp duy trì chu trình tự nhiên của bờ biển và bảo tồn tính tự nhiên của bờ biển, với các chu trình xói mòn, bồi tụ tự nhiên xảy ra và giúp duy trì lượng trầm tích ở bờ biển. Hành lang bảo vệ bờ biển cung cấp một khoảng không gian cần thiết để giảm thiểu thiệt hại tài sản do lũ lụt và xói mòn ven biển và bảo vệ các công trình như kè bờ, đê điều. Việc hạn chế công trình xây dựng trong hành lang tăng khả năng tiếp cận biển cho cộng đồng dân cư.
Do đó, theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, những khu vực có đê biển vẫn bảo đảm quản lý theo đúng các quy định Luật Đê điều; đồng thời tuân thủ các quy định bảo vệ hành lang biển. Đối với khu vực chưa có đê, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn, bảo vệ hành lang bờ biển. Theo quy định, sau khi danh mục hành lang bảo vệ bờ biển được phê duyệt, Sở TNMT xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, công bố, cắm mốc giới hành lang. Trong khi chờ quyết định phê duyệt, các quận, huyện cần quản lý, không cho phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao về phía đất liền hoặc về phía trong đảo theo hướng dẫn của Bộ TNMT. Đồng thời, rà soát quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020), kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã phê duyệt. Ngay sau khi hành lang bảo vệ bờ biển được phê duyệt, Sở TNMT công khai và cung cấp thông tin về hành lang để người dân địa phương cùng tham gia kiểm tra, giám sát.
(Nguyên Mai – Báo Hải Phòng 30/03/2018)
Chiều 8/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
Từ ngày 6-8/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ…
Virus (hMPV) lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, hắt hơi, sổ mũi hoặc…
Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một…
Để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (8/1),…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More