Theo một chủ cửa hàng bán xe điện trên đường Lê Lợi, thời điểm đầu năm học mới hàng năm luôn là “đỉnh” cho việc tiêu thụ xe điện. Dù bán chậm hơn mọi năm, nhưng thời gian này những cửa hàng có dịch vụ tốt, dành được uy tín lâu năm trên thương trường vẫn bán được hàng chục chiếc mỗi ngày.
Nếu tính bình quân mỗi chiếc xe giá 10 triệu đồng, thì doanh thu đã hàng trăm triệu đồng, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, mức thu như vậy đối với những mô hình nhỏ có thể coi là mãn nguyện. Hiện giá một chiếc xe mới loại rẻ nhất được chào bán 9 triệu đồng, thiết kế đơn giản, nhưng bán chạy vẫn là dòng xe trong khoảng tiền từ 10 đến 15 triệu đồng/chiếc.
Khu vực từ đường Lê Lợi kéo sang đường Tô Hiệu hiện được coi là “chợ xe điện” lớn nhất thành phố. Chỉ đếm sơ sơ trên trên đường Lê Lợi đã có khoảng 70 cửa hàng bán xe đạp điện quy mô to nhỏ khác nhau, phân bố đều hai bên mặt đường, hầu như cửa hàng nào cũng có khách đến mua hàng. Chủ cửa hàng TH, một trong những cửa hàng bán xe điện đầu tiên của Hải Phòng nhận xét: “Doanh số bán hàng trong tháng Ngâu dù không tốt lắm, nhưn vì sát năm học mới nhiều người đã bỏ qua chuyện kiêng kỵ, để kịp sắm cho con cái…”.
Ông này cho biết, mấy năm gần đây đối tượng sử dụng xe điện đông nhất là nhóm học sinh cuối cấp THCS và đầu cấp THPT, đây là lứa tuổi “dở dang” chưa đủ để lấy bằng xe máy, mà xe đạp thông thường thì không đáp ứng được yêu cầu về tốc độ và tiện ích. Đồng tình với quan điểm này, chị H. ở 246 Đà Nẵng chia sẻ: “Con mình học ở mãi trường THPT Lê Hồng Phong bên Hạ Lý, trời nắng mưa thế này mà giữa trưa bắt cháu đạp xe về thì rất khổ, nên cố vay mượn mà mua cho cháu một chiếc xe điện…”.
Mấy ngày này, các tuyến đường Lê Lợi và Tô Hiệu nhộn nhịp hơn thường ngày, đơn giản vì sự xuất hiện của các “thượng đế” là học sinh đến sắm xe điện. Theo chị T. chủ cửa hàng xe điện khác trên đường Lê Lợi, sau một thời gian bị chững lại, năm nay thị trường xe điện Hải Phòng đang có sự khởi động tốt, những dòng xe kém chất lượng dần bị thải loại.
Từ khu vực nội thành, nhiều hướng tiêu thụ được mở ra các khu vực ngoại thành mô hình liên kết HTX tự phát rất hiệu quả, tiết kiệm đáng kể nguồn vốn và thời gian điều tra thị trường cho các nhà kinh doanh. Chị T. nói: “Trong cơ chế cạnh tranh, mình phải nói thật, bán thật thì mới giữ được uy tín tồn tại được”.
Bên cạnh đó, vì kiến thức tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao, nên những cửa hàng chăm sóc khách hàng chu đáo, tư vấn và bảo hành khá nghiêm túc càng tập trung đông người mua. Điều này có thể thấy rõ ở các điểm bán hàng, khách hàng được hướng dẫn cặn kẽ cách thức sử dụng.
Chẳng hạn như khi sạc đặc biệt tránh dốc ngược ắc-quy, không tự ý tháo dỡ các chi tiết trong thời gian bảo hành, không ngâm động cơ và ắc-quy vào nước… Bên cạnh việc bán hàng mới, cửa hàng nào cũng có thợ sẵn sàng bảo dưỡng, sửa chữa cũng như sẵn nguồn linh kiện thay thế.
Kết quả tham khảo ý kiến nhiều phụ huynh khác cũng cho thấy, lượng học sinh tự đi lại bằng phương tiện riêng đến trường hiện chiếm tỷ lệ rất lớn. Mấy năm gần đây, xe điện dần được thay thế bằng xe động cơ xăng dưới 50cc, đây là dòng xe thoe quy định của pháp luật là người điều khiển không cần có bằng lái.
Chính vì vậy, cùng với các dòng xe điện mới, các cửa hàng kinh doanh phương tiện cũng khia thác mạnh phân khúc thị trường xe gắn máy động cơ xăng dưới 50cc. Tuy nhiên, cũng như đối với xe điện, việc kinh doanh xe xăng có phần đang bị buông lỏng, khi nguồn gốc và thương hiệu nhập nhằng, có rất nhiều mẫu xe nhái thương hiệu nổi tiếng, nhưng thực chất là xe do Trung Quốc sản xuất.
Khảo sát cho thấy, cũng là mẫu xe Honda Club 50, nếu là hàng chính hãng của Nhật Bản thì giá tới trên 80 triệu đồng, đắt ngang giá đề xuất một chiếc Honda SH125 chính hãng lắp ráp tại Việt Nam.
Tương tự, hàng nhập khẩu chính hãng khác như Honda Metropolitan có giá khoảng 50 triệu đồng, Honda Scoopy Crea khoảng 60 triệu đồng, Honda Zoomer khoảng 70 triệu đồng, Benelli Pepe trên 30 triệu đồng… Trong khi đó cũng gắn thương hiệu trên, nhưng một số dòng xe nhái ở phân khúc thấp tại Hải Phòng có giá chỉ từ 13 triệu đồng đến trên 20 triệu đồng/chiếc.
Phân khúc xe 50cc có giá tầm trung nhưng chất lượng khá ổn định thuộc về các thương hiệu Đài Loan. Mấy năm trước, SYM đưa ra 2 dòng xe Angela và Elegant đều trên 15 triệu đồng/chiếc, nhưng mẫu thiết kế chưa đủ thuyết phục các khách hàng “choai choai”.
Gần đây, SYM giới thiệu thêm 2 dòng xe khác là Elite (nữ) giá trên 20 triệu đồng/chiếc và Galaxy (nam) trên 18 triệu đồng/chiếc. Còn một thương hiệu Đài Loan khác là Kymco, đưa ra các sản phẩm Like, Candy đều có giá trên 20 triệu đồng/chiếc, và Many có giá 30 triệu đồng/chiếc, tiếp đó hãng này tung ra dòng xe K-pipe 50 với dáng thể thao khá đẹp dành cho nam, dùng cần số, có giá mềm hơn là 21 triệu đồng/chiếc.
Mặc dù có nhiều lựa chọn nhưng các dòng xe máy 50cc “dùng được” hiện nay đều có giá được cho không tương xứng với nhu cầu vài năm học của học sinh cuối cấp phổ thông. Một phụ huynh bộc bạch có phần bức xúc: “Theo thông lệ thì xe cùng một hãng, phân khối càng thấp giá càng rẻ, vậy mà loại dành cho các cháu đắt như thế không chấp nhận được”. Vẫn biết vậy, nhưng âu đó cũng là sự vận động tất yếu của quy luật cung cầu.
Hơn nữa, như đã nói ở trên, các dòng xe dạng này đang bộc lộ nhiều bất cập về nguồn gốc, dù được quảng bá lắp ráp từ linh kiện chính hãng… Các thương hiệu chính hãng cao cấp như Honda (Nhật), Benelli (Ý) cũng chưa có cửa hàng phân phối chính thức. Trong khi các thương hiệu Đài Loan như SYM hay Kymco thì hiện cả thành phố cũng chỉ có một nhà cung cấp chính hãng của Công ty A.B trên đường Nguyễn Văn Linh.
Lê Minh Thắng
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19/12, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ…
Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More