Những ngày gần đây, một số mặt hàng thực phẩm trên thị trường thành phố có dấu hiệu khan hàng và tăng giá. Có nhiều nguyên nhân tác động, trong đó có ảnh hưởng không nhỏ từ đợt lũ đang hoành hành ở miền Trung.
Giá tăng, có dấu hiệu khan hàng cục bộ
Khảo sát tại một số chợ đầu mối, giá thịt lợn những ngày này tăng gần 10% so với tháng 8. Cụ thể, thịt nách – chân giò lọc hiện từ 85 nghìn đến 90 nghìn đồng/kg; thịt mông – vai cắt sấn, ba chỉ ngon và sườn thăn từ 100 nghìn đồng đến 110 nghìn đồng/kg; thịt nạc thăn tăng với mức nhẹ hơn, chỉ từ 110 nghìn đồng đến 115 nghìn đồng/kg… tùy từng khu vực.
Theo các tiểu thương ở chợ An Đà, ngay các loại thịt tạp như sườn cục, “bèo nhèo” bụng, má, sỏ… trước kia bán theo mớ, giờ cũng được phân loại bán sạch sẽ với mức tăng từ 5 đến 10%.
Ở đầu cung, các loại lợn hơi cũng đồng loạt tăng với mức tương tự, cụ thể loại lợn hơi rẻ nhất hiện là 42 nghìn đồng/kg, loại đắt nhất 50 nghìn đồng/kg… Đối với các loại gia cầm, diễn biến tăng giá xảy ra sớm hơn thịt lợn, tổng cộng với mức tăng hơn 10% trong vòng chưa đầy một tháng.
Đáng chú ý, thời điểm này các loại vịt đang vào chính vụ, nhưng giá vịt hơi cũng leo lên tới 50 nghìn đồng/kg, còn vịt thịt 80 nghìn đồng/kg, đắt hơn từ 15 đến 20% so với tháng trước. Các loại trứng gia cầm cũng tăng bình quân 20%, cả trong siêu thị lẫn chợ truyền thống, góp phần đáng kể vào sức nóng của thị trường thực phẩm.
So với các loại thịt, cường độ tăng của thủy sản còn mạnh mẽ hơn nhiều, chủ yếu tập trung vào các loại có thể chế biến thức ăn bình dân. Chẳng hạn như tôm thẻ sống loại ngon 200 nghìn đồng/kg; cá trắm sống 70 nghìn đồng/kg, cá rô phi 40 nghìn đồng/kg, cua đồng 170 nghìn đồng/kg (tăng 1,3 lần so với tháng trước)…
Nhưng đứng đầu về tỷ lệ tăng trong danh mục thực phẩm tươi sống vẫn là rau xanh. Trong đó nhóm rau sản xuất trong vùng như muống, cải, dền… đều tăng gấp 1,5 lần, cụ thể rau muống đang được bán từ 8 nghìn đồng đến 10 nghìn đồng/bó, dền, cải, ngót 7 nghìn đồng/bó. Các loại rau dạng củ có thể bảo quản lâu hơn, có nguồn gốc từ miền Nam và TQ cũng tăng khá mạnh.
Mức tăng này đã diễn ra từ đầu tháng 9, và giữ nguyên đến thời điểm này chưa có hướng giảm. Không những thế, giá tăng thường tỷ lệ thuận với khan nguồn cung và giảm chất lượng, gây khó cho thị trường. Tuy nhiên, trong những ngày qua, một lượng lớn nguồn thực phẩm đông lạnh tại các siêu thị được bán ra, đã góp sức bình ổn thị trường.
Vùng lụt hút hàng?
Theo một số tiểu thương chuyên cung cấp thực phẩm ở các chợ đầu mối, thì dẫn đến tình trạng trên có mấy nguyên nhân chính: thứ nhất do đợt mưa lớn đầu tháng đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung tại chỗ của Hải Phòng; thứ hai là mưa lụt gây thiệt hại cho nguồn cung từ miền Trung, đồng thời gây khó khăn cho hàng hóa lưu thông từ miền Nam; thứ ba là một lượng không nhỏ lợn thịt đang được thu gom xuất khẩu tiểu ngạch.
Chỉ tính riêng mặt hàng thịt lợn, đợt dịch tả châu Phi đã gây ra thiệt hại rất nặng nề, không những tạo bất ổn thị trường mà còn khiến nguồn đầu tư tái tạo gặp khó.
Ông Nguyễn Văn C.- một chủ trang trại ở An Lão chia sẻ, trong đợt dịch vừa qua một số lượng lớn lợn của thành phố nói riêng và cả vùng nói chung đã bị tiêu hủy, trong khi để tái tạo đòi hỏi thời gian vài tháng cộng với nguồn đầu tư không hề nhỏ. Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng thu gom lợn thịt xuất sang TQ theo đường tiểu ngạch, càng khiến nguồn cung trong nước khan hơn.
Riêng đối với rau xanh, hiện cũng đang ở thời điểm giao vụ, nên một số loại rau đã không còn dồi dào như tháng trước. Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng đợt mưa lớn đầu tháng 9 cũng khiến phần lớn diện tích rau màu của thành phố khó có khả năng phục hồi, vì đây là thời điểm các diện tích trồng trọt, chăn nuôi phần lớn là xen canh. Chẳng hạn, nếu trồng lại rau sẽ rất khó chọn giống thích hợp vì nhỡ vụ, hơn nữa rất dễ bị sâu bệnh mà rau cũng chậm lớn, kém chất lượng.
Giữa bối cảnh đó, đợt lũ lụt đang xảy ra ở miền Trung vô hình dung đã trở thành tác động kép theo hướng tiêu cực tới thị trường. Bà Đỗ Thị Y.- một tiểu thương ở chợ Tam Bạc cho biết, những ngày gần đây nguồn thực phẩm tươi sống ở các tỉnh gần Hải Phòng được chuyển vào miền Trung.
Để bù vào nguồn hàng thiếu, nhiều chủ hàng trên địa bàn thành phố phải mua từ siêu thị các loại rau nhập khẩu bán ra bên ngoài. Nhưng giải pháp này chỉ là cục bộ, vì giá mua đã cao, nguồn hàng cũng kém ổn định.
Tuy nhiên theo bà Y., với vị thế là đầu mối giao thông của khu vực, khó khăn về nguồn cung thực phẩm của Hải Phòng sẽ nhanh chóng được khắc phục. Nhưng vấn đề đặt ra là, nếu việc nhập ồ ạt, sẽ tạo áp lực ngược vào sức cạnh tranh của kinh tế thành phố.
Vì vậy, diễn biến thị trường thực phẩm trước mắt vẫn đang là thách thức không nhỏ, cho cả nhà đầu tư sản xuất là nông dân, đến các tiểu thương phân phối và người tiêu dùng.
Lê Minh Thắng