Print Thứ sáu, 26/04/2019 09:34

Theo chế độ đã được thông báo, dịp nghỉ Ngày thống nhất 30-4 và Quốc tế lao động 1-5 năm nay có 5 ngày liên tiếp (từ 27-4 đến 1-5), cùng với những hoạt động khởi mùa du lịch biển được coi là chất xúc tác quan trọng để kích cầu thị trường thành phố.

Cua, cáy cũng trở thành đặc sản dịp nghỉ lễ

Chợ truyền thống rạo rực

Khoảng một tuần nay, biến động giá tại khu vực chợ truyền thống đã bắt đầu rõ nét, dù mức độ nhộn nhịp chưa thực sự diễn ra, nhưng hầu hết các loại thực phẩm đã có dấu hiệu tăng.

Tạo dấu ấn mạnh nhất có lẽ là các mặt hàng thủy sản, vì nhóm thực phẩm này rất phù hợp với mùa hè, đồng thời mang nặng yếu tố tâm lý khi mùa nghỉ mát bắt đầu. Không chỉ các nhà hàng, mà nhiều người cũng tự mua sắm tích trữ thực phẩm, khiến sản phẩm thuộc diện đặc sản tiêu thụ khá tốt. Nhiều  đặc sản nước lợ và mặn tăng giá bình quân tới 20%, trong các chợ nội thành cũng rất hiếm đồ tươi ngon.

Cùng với đó, hầu hết các nhóm hàng khác cũng tăng giá. Nhóm rau tăng từ 20% đến 35%, cụ thể các loại rau làm lẩu như cải xanh tăng từ 5 nghìn đồng lên 7 nghìn đồng/bó, ngải từ 4 nghìn đồng lên 6 nghìn đồng/bó, ngọn su su từ 15 nghìn đồng lên 18 nghìn đồng/kg, dưa chuột đang rộ vụ cũng tăng từ 9 nghìn đồng lên 12 đồng/kg…

Nhóm hoa quả tăng mạnh gồm những loại chứa nhiều nước mát như dứa từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/quả, dưa hấu 12 nghìn đồng lên 15 nghìn đồng/kg, xoài cát Bồ từ 25 nghìn đồng lên 30 nghìn đồng/kg… Tuy nhiên nguồn rau quả cơ bản vẫn dồi dào, không bị khan hiếm cục bộ như thủy sản.

Đáng chú ý là, nhóm thịt đang chứng kiến mức tăng đáng kể của thịt lợn, bởi lẽ theo thông lệ mọi năm thì loại thịt này cơ bản không tăng, thậm chí giảm giá vì khó bảo quản, nhất là thời gian gần đây bị ảnh hưởng nặng bởi dịch tả lợn châu Phi. Hiện ở một số chợ thịt lợn tăng trong khoảng từ 5% đến 10%, giá thịt ngon đang ở mức 100 nghìn đồng/kg, thịt tạp cũng ở mức 85 đồng/kg, còn cao hơn cả thời điểm trước tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Bên cạnh đó, giá thịt gà cũng tăng khoảng 10% như gà lẩu từ 80 nghìn đồng lên 90 nghìn đồng/kg, gà ta từ 110 nghìn đồng lên 125 nghìn đồng/kg, thịt bò bình quân 180 nghìn đồng lên 190 nghìn đồng/kg…

Một số thực phẩm chế biến, đồ giải khát và thực phẩm liên quan khác cũng tăng giá, đơn cử như đường kính tăng bình quân 5% vì là nguồn cung nguyên liệu giải khát cho mùa hè, bia và nước ngọt tăng bình quân 10%, thủy sản sơ chế đông lạnh tăng từ 5% đến 10%…

Dẫu vậy, vẫn có một vài phân khúc lại lo bị ảnh hưởng, dự báo cho thấy nhóm dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ và vỉa hè sẽ giảm đáng kể. Giải thích về lý do này, một chủ quán cơm ở đường Lạch Tray chia sẻ:  “Dịp nghỉ 30-4 năm này dài tới 5 ngày chắc chắn khách vắng hơn vì sinh viên, công nhân nghỉ về quê, mà giá thực phẩm cao bán cũng chẳng có lãi…”.

Một số hình ảnh quảng bá khuyến mại của các siêu thị

          Siêu thị lại tưng bừng… khuyến mại

Cũng như những năm trước, khi dịp nghỉ lễ bắt đầu là các siêu thị đồng loạt đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Năm nay cũng vậy, siêu thị BigC có chương trình “Tưng bừng lễ” kéo dài từ 22-4 đến1-5 với hàng trăm mặt hàng nhóm thực phẩm công nghệ, thời trang và đồ gia dụng giảm giá.

Còn điểm nhấn của siêu thị Co-opMart gồm hai chương trình kế tiếp: thứ nhất là chương trình “Dấu son 30 năm” khởi động từ 18-4 kéo dài đến 1-5, gắn với dịp kỷ niệm 30 năm thành lập; chương trình thứ hai mang tên “7 ngày vàng, giảm cực sâu” kéo dài từ 25-4 đến 1-5.

Trong cả hai chương trình đều có những ưu đãi lớn cho khách hàng, trong đó có nhóm thực phẩm. trong khi đó siêu thị MM Mega Market vẫn thể hiện thế mạnh nhờ những thực phẩm tươi sống truyền thống cũng như thực phẩm đông lạnh, vốn đã được khách hàng quan tâm từ lâu.

Nhưng vấn đề quan tâm ở chỗ, thực phẩm tại các siêu thị có chế độ bảo ôn cơ bản chuẩn mực, nguồn gốc xuất xứ tương đối rõ ràng, trong khi thị trường truyền thống thì ngược lại, ít có niêm yết giá, nguồn gốc hàng hóa và nhiều cái “không” khác đều thiếu thống nhất và cơ bản ngoài tầm kiểm soát.

Mặc dù vậy, so với khu vực chợ truyền thống thì nhóm hàng thực phẩm tươi sống (vốn dĩ được tiêu thụ nhiều trong dịp nghỉ lễ và mùa du lịch) tại các siêu thị có phần yếu thế hơn. Do nguồn hàng liên quan không phải là chủ lực, một phần là giá niêm yết hàng tương ứng ở siêu thị luôn cao hơn bên ngoài, một phần vì thời gian trên chuỗi lưu thông thường kéo dài hơn nên cũng kém độ tươi ngon.

Mặt khác, hạn chế lớn của siêu thị là phương thức phục vụ không linh hoạt đối với yêu cầu dịp lễ, bởi lẽ lượng tiêu thụ trong đợt này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của khách hàng đi nghỉ mát, về quê hoặc hội ngộ, có tính chất tập thể nên việc mua sắm diễn ra nhanh chóng, khác hẳn với nhu cầu của các gia đình đơn lẻ.

Cũng chính từ nguyên nhân này, nên trong nhiều dịp nghỉ kéo dài trước đây, lượng khách đến các siêu thị không tăng nhiều, thậm chí có lúc còn vắng so với những ngày nghỉ cuối tuần.

Nhìn chung, về mặt vĩ mô thị trường đang được thúc đẩy đáng kể việc lưu chuyển hàng tiêu dùng nhờ dịp nghỉ lễ và khai mùa du lịch, góp phần thúc đẩy sản xuất để cải thiện tình hình kinh tế. Tuy nhiên, diễn biến này cũng chỉ mang tính cục bộ, một số nhu cầu sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường, với cả nguồn cung, nguồn cầu và giá. Đây cũng là lẽ đương nhiên, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của đa số người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Lê Minh Thắng

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thị trường thực phẩm đợi giờ “phát nhiệt”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác