Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:50

Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố tháng 6 vừa qua ước đạt 10.140,29 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 7.506,15 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nếu không tính thời điểm liên quan đến tết nguyên đán truyền thống, thì thị trường hàng hóa đầu vụ hè năm nay đã có sự cải thiện đáng kể.

Dấu ấn mùa du lịch

Theo đánh giá, trong hai tháng 5 và 6 thành phố có nhiều sự kiện quan trọng tác động đến thị trường, cụ thể là những hoạt động kỷ niệm 63 năm giải phóng Hải Phòng và lễ hội Hoa Phượng Đỏ, khai trương mùa du lịch  2018. Nhu cầu tiêu dùng tại chỗ kết hợp với khách du lịch đến Hải Phòng gia tăng, đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng trên địa bàn.

Về tác động của thời tiết, đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài trong cả tháng 5 vắt sang tháng 6, cùng với nhu cầu nghỉ mát, du lịch đã khiến tiêu thụ đồ uống giải khát tăng mạnh. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng giúp những sản phẩm liên quan có cơ hội cải thiện tình trạng ảm đạm kéo dài. Kết quả trên đã góp phần vào sự phát triển tốt của hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Cụ thể cộng dồn 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 56.875,87 tỷ đồng, tăng 14,78% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên trong đó khu vực kinh tế nhà nước vẫn khiêm tốn với mức doanh thu 1.586,38 tỷ đồng, tăng 11,67%;  trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo với 52.492,96 tỷ đồng, tăng 15,13% so với cùng kỳ năm trước. Phần còn lại thuộc về khu vực vốn đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý là, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trưởng khá mạnh, trong 6 tháng đạt khoảng 43.709,72 tỷ đồng.  Mặt khác, kết quả khảo sát cho thấy, do  thời tiết nắng nóng nên nhu cầu về các sản phẩm thiết yếu như điều hoà, các sản phẩm làm mát đều tiêu thụ tốt.

Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,82% so với cùng kỳ năm 2017, tập trung vào các nhóm ngành: lương thực thực phẩm tăng 15,11%; may mặc tăng 19,65%, đồ đùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 13,59%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 17,86%; xăng dầu tăng 17,66%; nhiên liệu khác tăng 10,65%…

Lạm phát đã hiện hữu?

Cũng theo số liệu thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố tháng 6 tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 5,53% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,14% so với tháng 12-2017. Nguyên nhân chính làm CPI tháng 6 tăng là chỉ số giá thực phẩm tăng 1,46% làm cho CPI chung tăng 0,33%; chỉ số giá gas tăng 5,06% làm cho CPI chung tăng 0,05%; chỉ số giá xăng, dầu diesel tăng 2,35% làm CPI chung tăng 0,08%; chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 2,05% làm cho CPI chung tăng 0,13%…

Trong đó giá thực phẩm tăng do giá thịt gia súc tươi sống tăng, cụ thể là giá lợn thịt tăng rất mạnh. Còn tính trong 6 tháng, CPI bình quân tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn từ góc độ tích cực, sự gia tăng giao chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 cũng như 6 tháng đã thể hiện sự sôi động của thị trường hàng hóa, sau một thời gian có thể nói là rất ảm đạm, bởi lẽ chỉ số CPI là một trong những kênh đánh giá hữu hiệu tình hình thị trường.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, góp phần đáng kể vào việc tăng chỉ số CPI trong hai tháng 5 và 6 phải kể đến việc tăng của hai mặt hàng nhạy cảm là giá xăng dầu và điện. Trong đó do nắng nóng nên nhu cầu và chi phí cho tiêu thụ điện tăng ngất ngưởng, cũng như việc giá xăng tăng tới gần 2.000 đồng tính từ đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp vào cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng.

Vấn đề đặt ra là, mức tăng chỉ số CPI bình quân 6 tháng của Hải Phòng  lên tới 4,34%, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước là 3,29%. Đây là mức tăng cao nhất so với khoảng 5 năm trở lại đây, đang đặt ra những nỗi lo của thị trường.

Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra, với việc chính thức áp đặt mức thuế rất cao lên lượng hàng hóa trị giá hàng chục tỷ đô của nhau từ 6-7-2018. Sự ảnh hưởng do cơ chế áp đặt của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến thị trường Việt Nam, nơi đang tiêu thụ dung lượng lớn các sản phẩm kể cả bán thành phẩm và thành phẩm của Mỹ và Trung Quốc.

Thị trường tiếp tục sôi động

Bước sang tháng 7, dù không có những sự kiện quan trọng mang tính xã hội cao, nhưng chính là tháng bản lề giữa hai năm học 2017-2018 và 2018-2019. Bởi dù tháng 8 mới là mùa tựu trường, nhưng dịp này ngoài nhiều nhóm hàng phục vụ nhu cầu vui chơi, nghỉ hè của “khách hàng nhí” có dịp phát triển, thì nhiều hàng hóa khác phục vụ nhu cầu học tập như các loại sách tham khảo, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, trang phục học sinh… đã được khởi động.

Có thể nói, năm học mới là tiền đề rất quan trọng cho tháng 7, không chỉ góp phần làm thị trường thêm sôi động mà còn thúc đẩy sản xuất, dịch vụ với các sản phẩm liên quan. Đặc biệt các đợt thi tuyển vào các trường đại học được tổ chức trên địa bàn tới đây, sẽ thúc đẩy nhiều loại dịch vụ như vận tải khách, ăn uống, nhà trọ…

Cũng liên quan đến năm học mới, thời điểm này tại khu vực nông thôn vụ lúa chiêm xuân đã cơ bản được thu hoạch hoàn tất, cũng là lúc một lượng lớn thóc gạo, gia súc, gia cầm sẽ được bà con nông dân bán ra để lấy tiền đóng học phí và chuẩn bị đầu tư cho vụ mùa mới. Dự báo, nguồn cung mặt hàng nông sản sẽ tăng đáng kể.

Đợt nắng nóng tiếp tục kéo dài, mặc dù đã có một số đợt mưa nhưng chưa đủ để làm giảm nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm chế biến sẵn. Mặt khác, mưa nắng kết hợp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc canh tác, thu hoạch các loại rau màu, cây ăn quả của Hải Phòng, sẽ làm cho thị trường hàng hóa thêm phong phú.

Đơn cử, chỉ hai loại quả là vải thiều và dưa hấu và sắp tới là nhãn quả mà Hải Phòng chiếm sản lượng khá lớn trong dịp này, đã làm giảm đáng kể nguồn nhập hoa quả từ bên ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Hơn nữa, do mùa du lịch vẫn tiếp tục, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống và các dịch vụ lưu trú, giải trí vẫn tăng cao, nên dù nguồn cung gia tăng, cũng khó gây ra tình trang ứ đọng hàng hóa.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất trong tình hình thời tiết nóng vẫn là quá trình bảo quản hàng hóa, khi mà phần lớn nông sản lưu thông trên thị trường vẫn theo diễn biến tự nhiên. Nếu không giữ được chất lượng ổn định, thì không những các nhà sản xuất, nhà phân phối bị thiệt hại, mà người tiêu dùng cũng  đứng trước nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây là bài toán nan giải, nếu không khắc phục được thì thị trường thành phố khó cải thiện được khả năng cạnh tranh và tình trạng bất ổn, dẫn đến việc kiểm soát lạm phát sẽ gặp khó, dồn nỗi lo vào những tháng cuối năm.

 LMT – Báo an ninh Hải Phòng 07/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thị trường sôi động, không chủ quan với hiệu ứng lạm phát
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác