Print Thứ Hai, 01/08/2022 10:30 Gốc

Với đặc thù là địa phương ven biển, mùa du lịch Hải Phòng thường sôi động từ tháng 4 tới tháng 9 hàng năm. Thời điểm này, du khách đổ dồn về Hải Phòng, vừa để tham quan vừa thỏa mãn nhu cầu nghỉ mát, thưởng thức món ăn dân dã. Chính vì vậy, việc tiêu thụ thực phẩm tươi sống cũng tăng đột biến, trong đó có các loại rau màu…

Cung giảm, giá cao so với mọi năm

Nhìn lại những năm qua, mỗi đợt vào mùa thu hoạch là giá rau màu giảm mạnh, có lúc đến thê thảm, phần lớn do lượng cung vượt cầu, trong khi nhóm hàng này thuộc diện khó bảo quản. Nhưng theo một nông dân ở xã An Thọ (An Lão), giá rau xanh vụ đông xuân năm nay ổn nhất so với 5 năm trở lại đây, không có tình trạng thương lái ép giá như những vụ trước. Hơn nữa thời gian rau ngự ở giá cao kéo dài đã hơn nửa năm, điều ít khi xảy ra trong tiền lệ.

Ông Thắng, một thương lái ở huyện An Dương chuyên cung cấp rau cho các đầu mối tiêu thụ lớn trong nội thành, thì rau tại thị trường thành phố được hình thành 3 nguồn chính: nguồn tại chỗ từ các vùng trồng của thành phố; nguồn lân cận từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình; phần còn lại cơ bản được nhập từ Trung Quốc và một số tỉnh phía Nam. Trong đó nguồn tại chỗ chủ yếu là rau có lá, nguồn các tỉnh lân cận tương đối đa dạng, còn nguồn từ phía Nam và Trung Quốc lại nghiêng về các loại củ quả có thể bảo quản ở môi trường tự nhiên lâu hơn.

Giá rau các loại cao hơn nhiều so với mức bình quân mọi năm.

Diễn biến thị trường mấy năm gần đây cho thấy, giá rau xanh thường tăng giảm phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ. Tuy nhiên năm nay tình hình có vẻ đổi khác, Tại thị trường Hải Phòng, tính từ đầu năm đến nay giá rau ở mức khá cao, đặc biệt loại nhập ngoài tăng gấp nhiều lần. Chẳng hạn như bí đao có lúc lên tới 35.000 đồng/kg so với đỉnh mọi năm chỉ khoảng 25.000 đồng/kg; đậu bắp có lúc lên tới 90.000 đồng/kg, cũng so với đỉnh mọi năm là 70.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá rau có lá như cải xanh, muống, mùng tơi, rau đay, ngót… vốn dĩ là thế mạnh của Hải Phòng, cũng giữ giá trên 10.000 đồng/bó trong suốt mấy tháng liền.

Kể từ đầu tháng 4, khi du lịch tái khởi sắc sau hai năm ngưng trệ bởi dịch bệnh Covid-19, rau xanh các loại bắt đầu được tăng cường tiêu thụ. Cũng theo ông Thắng, nếu không kể những năm dịch bệnh thì năm nào cũng vậy, bắt đầu từ tháng 4 là điều kiện lý tưởng cho việc tiêu thụ rau xanh, bởi lẽ đây là thời điểm mùa du lịch ở Hải Phòng trùng với mùa nắng nóng, các loại rau đều được ưa chuộng. Thị trường được mở rộng từ chợ truyền thống, siêu thị cho đến nhà hàng và các tụ điểm du lịch lớn.

Kết quả khảo sát thị trường hiện cho thấy, rau đang được tiêu thụ tốt trên mọi kênh bán lẻ, gồm cả các loại có lá, củ, quả. Dù so với cùng thời điểm tháng trước, do tác động mùa vụ, nguồn cung nhiều loại rau chính vụ đang dồi dào, vì vậy giá cũng đã có xu hướng giảm, nhưng bình quân vẫn ở mức cao. Thậm chí những loại được nhà hàng thu mua phục vụ du lịch giá vẫn đắt.

Nhiều diện tích rau bị hư hại sau những trận mưa lớn kéo dài.

Cần giải pháp chủ động

Hải Phòng là thành phố công nghiệp, dịch vụ, nên tỷ lệ diện tích đất dành cho trồng rau màu không lớn so với các địa phương lân cận. Cụ thể, theo báo cáo thống kê, tháng Bảy vừa qua diện tích rau các loại trên địa bàn thành phố chỉ đạt khoảng 1.785,6ha. Nhưng theo đánh giá thì rau màu vẫn đem lại nguồn thu không nhỏ, xứng đáng là một tiểu ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu chung.

Hiện hầu hết các huyện ngoại thành Hải Phòng đều có vùng trồng màu, nhưng do tính chất xen canh nên diện tích mỗi thời điểm đều có sự thay đổi. Cũng theo số liệu thống kê, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa đã thực hiện trên toàn thành phố ước đạt 10.827,8ha, trong đó diện tích cây lúa vẫn chiếm tỷ lệ cao với khoảng 7.867,0ha, diện tích cây ngô khoảng 145,0ha, một diện tích khá lớn ở các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo được dành trồng ớt xuất khẩu, thuốc lào… còn lại là rau màu khác.

Ở một diễn biến khác, theo phản ánh của những người trồng rau, do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài và mưa cũng nhiều nên không thuận tiện cho các loại rau sinh trưởng. Nắng nóng gây hạn hán, nói theo cách của nông dân là rau bị “chột” khó phát triển, trong khi mưa gây úng nước làm thối rễ, có nhiều diện tích đã đến lúc thu hoạch có khi bị hủy diệt hoàn toàn. Những năm gần đây, các vùng trồng tại Hải Phòng có thêm nhiều giống rau mới, như các giống bắp cải TN059, TN066, KKCross, đậu Co-ve leo, bí ngô xanh… dẫn đến kết vùng rau thay đổi. Vấn đề đặt ra là, hiện tiểu ngành trồng rau màu vẫn gặp lúng túng vì quy hoạch chưa thực sự mang tính định hướng. Bên cạnh một số vùng canh tác được chuyên canh, nhiều bà con nông dân vẫn sản xuất thụ động theo dự báo thị trường, nên dễ bị mất cân đối trong cơ cấu, giá trị giảm. Hơn nữa, do nông dân bỏ ruộng nhiều, diện tích rau màu tại chỗ thu hẹp, sẽ gây khó cho thị trường nếu lưu thông không thuận lợi bởi những tác động thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt là biến động giá xăng dầu gần đây. Thống kê cũng cho thấy, so với cùng kỳ năm trước hiện diện tích đát canh tác giảm tới 31,21%, riêng diện tích rau giảm tới 44,5% là điều hết sức đáng lo. Cho thấy, giá rau trên thị trường tăng cao một phần cũng từ những nguyên nhân này.

Mặt khác, tính kết nối giữa nhà sản xuất với thị trường chưa đủ mạnh để tạo sự chủ động cho người dân. Việc tiêu thụ năm nay cũng vậy, rau được phân phối chủ yếu vẫn thông qua các thương lái nhỏ lẻ, còn kênh phân phối lớn như các siêu thị hầu như không trực tiếp nhập rau tại Hải Phòng. Điều này rất cần sự điều chỉnh mang tính vĩ mô, mà chỉ có các nhà quản lý mới có thể định hướng, ví dụ việc đánh giá thị trường tiêu thụ mùa du lịch để phân loại và quy hoạch giúp bà con nông dân, thiết nghĩ cũng là một ví dụ.

Lê Minh Thắng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thị trường rau xanh, cần giải pháp ổn định nguồn cung
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác