Sôi động nhờ tập quán
Theo thuyết Vu Lan, ở Ấn Độ xưa có người tên Mục Kiền Liên tu luyện được nhiều phép thần thông. Khi mẹ ông qua đời, ông dùng phép tìm khắp trời đất, thấy bà mẹ phải đày là ngạ quỷ, bị hành hạ đói khát khổ sở. Mục Kiền Liên thương mẹ đã gửi cơm xuống tận cõi quỷ, nhưng cơm tới nơi không ăn được vì hóa thành lửa đỏ.
Ông tìm đến thỉnh Phật, Phật nói: “Lúc sinh thời mẹ người không sợ luật nhân quả, tham-sân-si đều có đủ, dối gạt nhiều người, tội ấy không thể dùng sức của một người mà cứu được. Người hãy nương oai nhiều vị chư tăng, rằm tháng Bảy tổ chức chú nguyện, hộ niệm cho cửu huyền thất tổ và mẹ người”. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, quả nhiên mẹ ông thoát nạn, từ ấy ngày rằm tháng Bảy âm lịch (tháng Bảy) được coi là ngày báo hiếu tổ tiên.
Còn theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy cõi âm mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn (hồn cô đơn không nơi nương tựa). Lễ phải làm vào ban ngày, gửi vật hỗ tương cho người chết mà không có ngày giỗ, hoặc không có thân nhân cúng tế ở dương gian.
Trải qua thời gian, sự trao đổi giữa các nền văn hóa khác nhau đã khiến lễ rằm tháng Bảy tại Việt Nam trở thành hỗn dung tín ngưỡng, giữa báo hiếu tổ tiên và xá tội vong nhân. Phong tục cũ ngày càng được phát triển tưởng tượng phong phú theo quan niệm “dương sao âm vậy”, nhưng phần lớn người ta đều cầu mong cho những lợi ích thực dụng hiện tại.
Rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cầu là được, ước là thấy, đốt tiền giả được trả bằng tiền thật, lấy lòng người âm để được phù hộ khỏe mạnh, làm ăn suôn sẻ, thăng quan tiến chức… Thậm chí ngay cả việc vi phạm pháp luật bị truy cứu, người ta cũng đổ tại thất lễ với người âm, tại quỷ quấy ma rầy, tại động mồ đổ mả…
Đặc biệt mấy năm gần đây, cùng với những nỗ lực bươn chải kiếm tiền, không ít người vẫn hy vọng vào những điều vi diệu từ tín ngưỡng dân gian. Lẽ đời, khi ăn lên làm ra hay gặp khó khăn, việc sắm lễ cầu cúng càng được chú trọng, mà hiển hiện rõ nhất chính là dịp lễ Vu Lan cũng như cúng “cô hồn” tháng 7.
Bởi sự hỗn dung tín ngưỡng nên khi cúng rằm tháng Bảy người ta làm hai mâm lễ, cúng tổ tiên tại bàn thờ và cúng chúng sinh ở trước sân nhà. Trên mâm cúng tổ tiên, đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và hàng mã. Mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có quần áo nhiều màu sắc, bỏng ngô nẻ gạo, bánh kẹo, tiền vàng, gạo muối… Khi cúng xong, hàng mã được đốt, gạo muối rắc khắp 8 phương, còn bánh kẹo chia cho hàng xóm hoặc gọi trẻ em đến tranh cướp, nên có tục “cướp chúng sinh” là thế.
Cứ thời điểm này thị trường những mặt hàng như thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo, đồ lễ cúng được tiêu thụ rất mạnh, không kém gì dịp tết Nguyên đán. Tuy nhiên nhóm hàng nổi trội nhất lại thuộc về những vật dụng khi cúng xong người ta phải phát hỏa, không có giá trị trong cõi dương gian, được gọi chung là hàng mã.
Hệ lụy “sản phẩm thị trường đặc biệt”
Năm nay cũng vậy, giữa những âu lo và thách thức hiện hữu của dịch bệnh Covid-19, thị trường hàng mã vẫn khởi động mạnh mẽ. Vì đặc thù thể khối cồng kềnh, giá trị không lớn nên trên các ngả đường dẫn vào thành phố, rất dễ gặp những chiếc xe máy chở theo lượng hàng mã bằng cả chiếc ô tô lớn giao cho các hộ kinh doanh trong nội thành.
Hàng mã được bày bán khắp các chợ chính lẫn chợ cóc, ngay nhiều cửa hàng kinh doanh tạp hóa, gạo mắm cũng tranh thủ xoay sang buôn mặt hàng này. Không kể những loại truyền thống như ngựa, gươm, mũ áo, người ta còn chế tác ra nhiều mặt hàng theo xu thế hiện đại như nhà lầu, xe hơi, xe máy hiệu, máy tính, Smartphone, SmartTV…
Khác biệt với các lễ cúng rằm khác, lễ Vu Lan trước kia thường bắt đầu từ mùng 10, nhưng giờ đây được thực hiện cả nửa đầu tháng Bảy âm lịch. Nhưng có lẽ năm nay tình hình dịch bệnh cũng tác động đáng kể, nên quy mô của các lễ cúng cũng không được hoành tráng như mọi năm. Khảo sát thị trường cho thấy, người tiêu dùng đang trở lại với những mặt hàng làm sẵn, mẫu mã được sản xuất công nghiệp, đẹp và rẻ hơn nhiều so với chế tác thủ công.
Chẳng hạn những chiếc ô tô du lịch đủ “thương hiệu” nổi tiếng chỉ từ 150 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/chiếc; xe máy từ 50 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/chiếc; Iphone hay Laptop từ 30 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/chiếc; ngựa kèm theo mũ áo dành cho quan âm từ 70 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng/bộ…
Lẽ tất nhiên, có cung ắt có cầu, sản xuất hàng mã đã thực sự trở thành một phân ngành kinh tế trong xã hội. Ở Hải Phòng, tồn tại hẳn một làng nghề mang tên Tiên Cầm thuộc xã An Thái (An Lão), với hàng chục hộ dân chuyên kiếm sống bằng làm hàng mã.
Nhưng như đã nói ở trên, đặc thù hình dáng cồng kềnh khó vận chuyển, nên việc sản xuất hàng mã được dịch chuyển lan ra nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Dù đã có quy định chặt chẽ về sản xuất, thậm chí được liệt vào danh mục “tiêu thụ đặc biệt” trong khung thuế, nhưng công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và sử dụng hàng mã đang rất nhạy cảm.
Đốt mã là một nhu cầu tín ngưỡng, nhưng sự biến thái trong xu thế sử dụng của một bộ phận người tiêu dùng cũng đem lại không ít phiền toái cho xã hội. Đơn cử, để đốt một bộ ngựa 3 con to như ngựa thật, nhiều gia đình phải đem ra vỉa hè, thậm chí chất luôn xuống lòng đường để phát hỏa, bất chấp cảm giác của những người xung quanh.
Điều này không những phản cảm về hình ảnh văn hóa, mà còn gây nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn về cháy nổ. Hơn nữa vì để đốt nên tất cả hàng mã đều làm từ nguyên liệu dễ cháy, nên đối với các hộ sản xuất kinh doanh, nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” càng cao.
Vẫn biết tín ngưỡng là một phạm trù đáng tôn trọng, ngành nghề liên quan cũng góp phần tạo việc làm cho xã hội là cần thiết. Nhưng rõ ràng khi đã xác định hàng mã là một sản phẩm thị trường, thì dù khó hay không vẫn phải quản lý, vấn đề là trách nhiệm cũng như sự linh hoạt của các cơ quan chức năng cần phải được đặt ra dưới một góc độ chuyên sâu hơn, để việc thực thi chính sách điều chỉnh cho mặt hàng này đạt được hiệu quả.
Lê Minh Thắng
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More