Thờ ơ với… lợi ích?
Theo báo cáo đánh giá, kể từ khi Nghị quyết 32/2007/NQ-CP được thực hiện, đa số người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành, góp phần kéo giảm số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông hàng năm, đồng thời cũng đã hạn chế được nhiều thương tích nặng, nhất là chấn thương sọ não.
Còn theo báo cáo nghiên cứu độc lập của Quỹ phòng chống thương vong châu Á, cho thấy 500.000 ca chấn thương đầu và 15.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trong hơn 10 năm qua. Nhưng vấn đề được nhiều người quan tâm, chính là những vướng mắc tồn đọng trong việc sản xuất và sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Thực ra, những quy định về tiêu chuẩn, sản xuất, sử dụng mũ bảo hiểm không có gì là mới. Bởi từ năm 2008, Bộ KH&CN đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN về mặt hàng này.
Theo đó, mũ bảo hiểm hợp chuẩn phải đảm bảo các đặc điểm: có đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo; kiểu dáng mũ phải đáp ứng yêu cầu quy định. Đồng thời mũ phải có nhãn hàng hóa ghi các thông tin cơ bản sau: về tên sản phẩm, xuất xứ hàng hóa, cỡ mũ, thời gian sản xuất và được gắn tem hợp quy CR…
Mặc dù có quy định như vậy, nhưng trên thực tế một lượng không nhỏ mũ bảo hiểm được lưu hành cơ bản không đáp ứng đúng quy chuẩn. Khảo sát tại thị trường Hải Phòng cho thấy, mũ bảo hiểm dạng này được sản xuất từ nhựa tái chế, màu sắc bắt mắt, kiểu dáng thời trang nhưng chất lượng kém.
Thậm chí có nhiều loại mũ chỉ có phần vỏ nhựa, bên trong không có lớp xốp hấp thụ xung động, không có khả năng bảo vệ. Nghịch lý là, mục đích của quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, chính là bảo vệ cho tính mạng, đảm bảo lợi ích chính đáng của người tham gia giao thông. Nhưng chính những người có “lợi ích” lại không quan tâm, nên tìm mọi cách đối phó, né tránh quy định.
Đáng tiếc lâu nay thực trạng này vẫn tồn tại, có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó sự thiếu thống nhất của các văn bản pháp quy, sự buông lỏng trong quản lý là một lẽ, nhưng ý thức sử dụng của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn là cơ bản nhất.
Hàng đạt chuẩn khó bán?
Nhìn lại hơn 10 năm qua, đã có khá nhiều văn bản nhằm thắt chặt sản xuất, nhập khẩu, phân phối và lưu hành mũ bảo hiểm. Có thể nói, các văn bản quy định khá chi tiết, ngoài quy định về chất lượng và hướng dẫn sử dụng, còn có những chi tiết cụ thể được điều chỉnh, như việc phân định rõ trách nhiệm của các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm, của hệ thống các cửa hàng hoặc đại lý phân phối…
Đồng thời thống nhất kiểu dáng đặc thù cho mũ bảo hiểm, những loại mũ không đảm bảo tiêu chuẩn riêng sẽ bị coi là mũ bảo hiểm giả.
Đáng chú ý, sau mỗi lần quy định mới được ban hành, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường mũ bảo hiểm lại được phen nhộn nhịp. Nhưng thực tế cho thấy, ngoài quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm được lực lượng Công an kiểm tra, giám sát khá nghiêm túc, các quy định khác dường như đang đi vào quên lãng. Và thời gian qua, thị trường mũ bảo hiểm Hải Phòng trở về cảnh nhộn nhạo, thật giả lẫn lộn.
Tại thời điểm này, loại mũ đạt chuẩn có giá niêm yết trong các siêu thị phổ biến từ 120.000 đồng đến 250.000 đồng/chiếc đối với mũ không kính; từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/chiếc đối với loại “ôm nửa đầu” có kính; một số loại nhập khẩu có giá từ 500.000 nghìn đồng trở lên/chiếc. Bên cạnh đó, do có sự kết hợp giữa nhà sản xuất mũ và các nhà sản xuất khác, có loại mũ bảo hiểm đạt chuẩn được khuyến mại chỉ có giá từ 75.000 đồng/chiếc.
Như vậy, chi phí cho một chiếc mũ bảo hiểm hoàn toàn không lớn so với mặt bằng thu nhập chung, hơn thế nếu so với mức độ an toàn cho bản thân người tham gia giao thông thì không thể tính hết ý nghĩa. Nhưng theo một chủ cửa hàng bán mũ trên đường Lạch Tray, thì mũ bảo hiểm đạt chuẩn rất khó bán, vì chi phí chênh lệch lớn với các loại mũ chỉ có tác dụng… đối phó với quy định khi tham gia giao thông.
Đơn cử, loại mũ thời trang không đạt chuẩn, có màu sắc bắt mắt, giá chỉ từ 25.000 đồng/chiếc lại được tiêu thụ tốt, khách hàng chủ yếu là phụ nữ. Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền cho người dân, thì các nhà sản xuất chính thống cũng nên chú trọng nhiều hơn nữa đến phân khúc “thời trang” của sản phẩm, để có thể đáp ứng đại đa số nhu cầu người tiêu dùng
Nhưng vấn đề đáng lưu tâm nữa, đó là trách nhiệm của các nhà quản lý đối với mũ bảo hiểm đang trôi nổi trên thị trường hiện nay. Mũ giá rẻ kém chất lượng khỏi phải bàn, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn băn khoăn vì những tem nhãn dán trên mũ liệu đã đảm bảo là thật?
Thiết nghĩ, cùng với việc kiểm tra xử lý, các cơ quan chức năng cần phối hợp tốt hơn nữa, tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường mũ bảo hiểm. Nhất là cần chấm dứt cảnh “đánh trống, bỏ dùi”, văn bản ban hành xong chỉ hết chiến dịch lại đâu vào đấy, như đã xảy ra trong tiền lệ.
Lê Minh Thắng
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More