Các doanh nghiệp lớn tuyển dụng trở lại
Trao đổi với Lao Động, bà Đinh Thị Thúy Hà, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, tình hình việc làm của người lao động trong các khu công nghiệp đã khởi sắc hơn so với 6 tháng đầu năm. Tình trạng thiếu đơn hàng vẫn có, nhưng không nhiều. Một số doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Regina Miracle International (KCN VSIP), Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam (KCN Nhật Bản-Hải Phòng)… có nhu cầu tuyển dụng lao động, thay vì phải giảm lao động như thời điểm đầu năm 2023.
Ông Vũ Ngọc Thức, Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ Lao động, LĐLĐ thành phố cho biết, thị trường lao động hiện nay tương đối ổn định, tuy không tăng trưởng nhưng không giảm nhiều. Nhiều doanh nghiệp ở KCN An Dương, Đình Vũ đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong những tháng tới.
Ngày 30.7, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng thông tin: Các doanh nghiệp trong 6 khu công nghiệp ở Hải Phòng có nhu cầu tuyển 275 lao động, tăng nhẹ so với thời điểm đầu tháng 7 (252 lao động).
Trong 11 doanh nghiệp có thông báo tuyển dụng, hầu hết là các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử, cơ khí, công nghệ cao… Điển hình, Công ty TNHH G.Tech Technology Việt Nam chuyên sản xuất chuột và bàn phím máy tính (KCN Đồ Sơn) có nhu cầu bổ sung thêm 90 lao động, Công ty TNHH Chế tạo Hudson chuyên sản xuất linh kiện nhựa, chế tạo khuôn mẫu (KCN An Dương) tuyển 67 lao động…
Tiếp tục nắm bắt, hỗ trợ kịp thời người lao động
Mặc dù các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trở lại, song lại gặp khó khăn về tuyển dụng. Nguyên nhân là do mức lương không hấp dẫn như trước, người lao động không đủ sống nên đi tìm công việc khác hoặc về gần nhà để tìm việc làm…
Còn ở khu vực ngoại thành, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo LĐLĐ huyện Thủy Nguyên cho biết, một số doanh nghiệp hiện nay vẫn rất khó khăn, chỉ bố trí cho người lao động làm 13-15 ngày công/tháng. Còn tại huyện Kiến Thụy, nhiều doanh nghiệp không có tăng ca, làm thêm giờ, thu nhập của người lao động do vậy cũng ảnh hưởng. Số này tập trung ở lĩnh vực da giày, may mặc, có đơn vị cắt giảm khoảng 50 lao động…
“Số lao động mất việc ở lĩnh vực da giày, may mặc có xu hướng chuyển sang lao động lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Một số khác lựa chọn nghỉ việc, về quê tìm công việc mới…”, ông Vũ Ngọc Thức lý giải.
LĐLĐ TP Hải Phòng cho biết, các cấp công đoàn thành phố sẽ tiếp tục chủ động nắm bắt và làm tốt công tác dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị, vướng mắc, bức xúc của người lao động, nhất là ở những doanh nghiệp gặp khó khăn; có hình thức chăm lo cụ thể, hỗ trợ kịp thời người lao động bị mất việc.
Mai Dung
Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một…
Để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (8/1),…
Từ năm 2025 sẽ có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm:…
Tại tòa, bị cáo Lê Thanh Vân nói thấy doanh nghiệp khó khăn là giúp,…
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hải Phòng đang thụ lý điều…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More