Áp lực của việc chấm thanh tra 5% bài thi, chấm thanh tra các bài điểm cao đã khiến các cán bộ chấm thi chấm cẩn trọng, bám sát biểu điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Hải Phòng: 17 điểm 0
So với các môn thi trắc nghiệm, việc chấm thi môn tự luận duy nhất là ngữ văn chậm hơn một chút. Không ít địa phương mới chấm xong vòng 1 và vòng 2 đang thống nhất điểm, một số địa phương chuyển sang chấm kiểm tra.
Theo thống kê ban đầu từ các hội đồng chấm thi, môn ngữ văn năm nay ít bài được điểm cao. Mức điểm phổ biến từ 4-7 điểm, rất ít bài được từ 8 điểm trở lên. Thống kê ban đầu cho thấy trong số 15.747 bài thi ngữ văn đã nhập điểm của Hải Phòng, chỉ có một bài điểm 9, số bài điểm 0 là 17. Số bài đạt điểm 7 trở lên chiếm 12,53%, từ 5-7 điểm chiếm 62,9% bài số thi, dưới 5 điểm chiếm 24,56% số bài thi.
Hội đồng chấm thi Hà Nội họp phổ biến công tác chấm thi môn ngữ văn Ảnh: THANH HÙNG
Theo ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng, tỉnh này đã có bài được 9 điểm môn ngữ văn nhưng cũng có nhiều bài 1,25 điểm hoặc 2, 3, 4 điểm. Đa số bài thi nằm trong khoảng từ 5-7 điểm. “Năm nay, các thầy cô chấm có thể khó hơn năm ngoái một chút” – ông Dương nói.
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, cho hay dự kiến ngày 9-7 sẽ chấm xong các bài thi tự luận. Thống kê ban đầu cho thấy bài thi ngữ văn của tỉnh này cũng phổ biến ở mức 5-6 điểm, nhiều bài thi dưới mức trung bình.
Tại Bắc Giang, phần lớn số bài ngữ văn của thí sinh trong tỉnh đạt từ 5-6 điểm. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều bài có điểm thi thấp, có bài chỉ đạt 0,75 điểm – mức điểm liệt. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, nhận định ban đầu môn ngữ văn có nhiều bài thi điểm dưới trung bình. Một cán bộ trong ban chấm thi của Sơn La cho biết điểm cao nhất môn ngữ văn tại tỉnh này sau khi chấm vòng 1 là 8, thấp nhất là 1 điểm.
Không dám chấm “phóng tay”
Ghi nhận tại các hội đồng chấm thi THPT quốc gia 2019, đến thời điểm hiện tại, phổ điểm môn ngữ văn không cao, chỉ ở mức 5-6 điểm.
Qua kiểm tra cho thấy các hội đồng chấm thi đều tuân thủ quy trình chấm kiểm tra 5% tổng số bài thi sau khi giám khảo chấm vòng 1, vòng 2 đã thống nhất điểm, trong đó tập trung vào những bài thi đạt điểm cao. Các hội đồng thi đều tuân thủ nguyên tắc chấm kỹ, không áp lực về thời gian, không để sót điểm bài thi. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng chính vì quy định chấm thanh tra 5% bài thi, chấm thanh tra các bài điểm cao đã khiến đa số giám khảo bị sức ép nên chấm chặt, không dám “phóng tay” cho thí sinh điểm cao như các năm trước.
Theo bà Hà Thị Lan Hương, Phó trưởng Ban Chấm thi tự luận của Hội đồng chấm thi tỉnh Ninh Bình, đáp án chấm chi tiết (đến 0,25 điểm) của Bộ GD-ĐT tuy dễ nhưng cũng có những khó khăn nhất định đối với cán bộ chấm thi. Bà Hương cho hay chấm ngữ văn không như chấm toán, nếu chia ý quá nhỏ để chấm theo đáp án thì rất khó chấm những ý sáng tạo trong bài của thí sinh. Tuy nhiên, giám khảo được quán triệt phải chấm thật kỹ, trân trọng từng câu chữ trong bài làm của thí sinh.
“Chúng tôi trân trọng bài làm của thí sinh và cũng phải bám sát biểu điểm để không bị sót phần bài làm của thí sinh. Năm nay, các thầy cô phải tỉ mỉ hơn nên tốc độ chấm chậm. Vì nhiều quy trình yêu cầu cao và chặt chẽ hơn nên sẽ ảnh hưởng đến tốc độ chấm” – bà Hương khẳng định.
Nhiều bài thi trắc nghiệm mắc lỗi
Năm nay, các trường ĐH được giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm đều tổ chức chấm thi ngay sau khi kết thúc thi THPT quốc gia nên nhiều trường đã hoàn thành chấm thi trắc nghiệm.
Trường ĐH Hà Nội đã chấm xong hơn 26.000 bài thi trắc nghiệm và bàn giao kết quả chấm thi cho Sở GD-ĐT Hòa Bình cùng Bộ GD-ĐT. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chấm xong hơn 102.000 bài thi trắc nghiệm tại tỉnh Thanh Hóa… PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết trong quá trình chấm thi, đơn vị này gặp một số trục trặc do có khoảng 0,63% trong tổng số 102.000 bài thi của thí sinh Thanh Hóa mắc lỗi về tô số báo danh, mã đề, tương đương 650 bài thi phải sửa lỗi. Theo ông Tớp, những lỗi này bắt buộc phải sửa; nếu không, phần mềm sẽ không chấm được. Đặc biệt có 1 bài thi không ghi gì và đã được ban chấm thi lập biên bản coi như trường hợp bất thường.
Tương tự, Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội cũng phát hiện 499 bài thi có lỗi về tô số báo danh, mã đề. Toàn bộ số bài mắc lỗi này đã được kiểm sửa trước khi đưa vào máy quét.
Yến Anh
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More