Bắt đầu từ ngày 7-6, các nhà thầu thi công cầu vượt Nguyễn Văn Linh thuộc dự án xây dựng tuyến đường trục Hồ Sen-Cầu Rào 2 tổ chức ngăn đường, quây tôn khu vực thi công. Vì vậy, làn đường dành cho xe cơ giới khu vực thi công bị thu hẹp, trong khi đó, lượng xe trọng tải lớn qua nút giao khá nhiều, khiến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trong giờ cao điểm.
3 giờ cho hành trình… 10 km
3 giờ là thời gian xe công-ten-nơ đủ sức chạy tuyến Hải Phòng-Hà Nội vào những ngày bình thường. Thế nhưng, đó là thời gian xe công-ten-nơ chạy 10 km từ ngã tư Hanvico- Hồng Bàng đến Đình Vũ tối 7-6. Anh Vũ Xuân Tuyến, đại diện đại lý giao nhận tại cảng 128 cho biết, khi kiểm tra định vị, thấy xe về đến ngã tư Hồng Bàng lúc 18 giờ, mọi người trong đơn vị chuẩn bị chờ xe kiểm hàng rồi về. Thế nhưng càng đợi càng không thấy xe về. Gần một giờ sau kiểm tra lại định vị, xe vẫn đang ở trạng thái dừng trên đường Nguyễn Văn Linh, gọi điện cho lái xe mới biết đường tắc dài. Đến gần 21 giờ, xe mới về đến cảng, lái xe lả đi vì đói.
Xe ô tô tắc dài trên đường Nguyễn Văn Linh qua khu vực chợ Hàng.
Theo ghi nhận của Báo Hải Phòng, tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh bị ùn tắc tại khu vực quây tôn chuẩn bị thi công cầu vượt. Tại đây được bố trí làn đường dành cho xe ô tô, tuy nhiên, lượng ô tô qua nút giao quá lớn, lại toàn xe siêu trường, siêu trọng nên làn đường chỉ đủ cho 1 thân xe to đi qua, vì thế, tốc độ giải tỏa giao thông rất chậm. Tắc là vậy, nhưng khá nhiều lái xe công-ten-nơ rất thiếu ý thức, không nhường đường cho các phương tiện khác. Cụ thể, tại nút giao Nguyễn Văn Linh-Thiên Lôi, xe công-ten-nơ nối đuôi nhau xếp hàng, chắn luôn ngã tư khiến các xe qua đường Thiên Lôi không thể nào vượt qua ngã tư, đành đứng lại, ùn tắc lại càng tệ hại hơn. Một số lái xe công-ten-nơ còn cho xe vào làn đường dành cho xe 2 bánh, khiến hàng loạt xe đạp, xe máy phải leo lên vỉa hè.
Ngày 8-6, tình trạng ùn tắc vẫn chưa được giải quyết trong các khung giờ cao điểm. Hàng đoàn xe nối dài trên đường Nguyễn Văn Linh dài tới 2 km. Hướng Hải Phòng-Hà Nội, tắc từ khu vực thi công lên đến tận cầu vượt Lạch Tray. Chiều ngược lại, cũng tắc dài đến gần cầu Niệm. Cho dù phòng CSGT đường bộ, đường sắt bố trí khá đông CSGT điều phối, hướng dẫn, nhưng do lượng phương tiện quá lớn, nên cũng chỉ giải quyết được phần nào.
Xe máy cố tình đi vào làn đường dành cho xe ô tô
Để tổ chức thi công bảo đảm an toàn, Sở Giao thông-Vận tải có thông báo phân luồng, trong đó cấm xe máy, xe thô sơ đi qua khu vực thi công. Sở cũng triển khai cắm biển cấm xe máy, xe thô sơ và huy động lực lượng điều khiển phối kết hợp với nhà thầu, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều người điều khiển xe máy bất chấp nguy hiểm, cố tình đi vào làn đường dành cho xe ô tô. Xe công-ten-nơ, xe máy cùng chen chúc nhau trên làn đường nhỏ hẹp, rất nguy hiểm và càng nguy hiểm hơn nữa khi trời tối, tầm quan sát của lái xe kém đi.
Thanh tra giao thông làm nhiệm vụ tại nút giao, song nhiều người điều khiển xe máy vẫn không chấp hành theo thông báo phân luồng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: Đỗ Oanh
Trên trục đường Hồ Sen-Cầu Rào 2, đoạn gần khu vực thi công, việc điều phối không cho xe máy đi qua rất vất vả. Người điều khiển xe máy thường xuyên không chấp hành. Một số người còn lăng mạ lực lượng điều phối giao thông. Tuy nhiên, việc điều phối còn chưa hợp lý, bởi rất nhiều xe theo đường mương An Kim Hải rẽ vào đường Trại Lẻ ra đường Nguyễn Văn Linh, song ngã ba Trại Lẻ-Nguyễn Văn Linh vẫn trong khu vực thi công, nên xe máy rẽ ra cũng rất nguy hiểm nếu không quan sát.
Khẩn trương thực hiện các giải pháp đồng bộ
Trước tình trạng ùn tắc trên đường Nguyễn Văn Linh, trong sáng 8-6, rất nhiều xe tải, xe khách đến ngã tư Nguyễn Văn Linh-Thiên Lôi phải rẽ vào đường Thiên Lôi để tìm đường thoát, nhưng tại ngã tư này, hệ thống đèn tín hiệu lại chưa được chỉnh lại, thời gian đèn xanh qua đường Thiên Lôi rất ngắn, vừa 1 thân xe ô tô qua và vài xe máy đã hết đèn xanh.Vì vậy, để giảm ùn tắc, cần điều chỉnh lại thời gian đèn tín hiệu xanh dài hơn.
Trên đường Nguyễn Văn Linh đối diện phố Hoàng Minh Thảo có tuyến đường mương An Kim Hải nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường Hồ Sen-Cầu Rào 2, cần đặt biển chỉ dẫn cho các xe khách, xe ô tô nhỏ và xe máy đi vào để giảm áp lực cho đường Nguyễn Văn Linh. Nhiều xe đi qua nhưng cũng không biết tuyến đường đó do không có biển chỉ dẫn. Trên đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ ngã tư Thiên Lôi đến ngã ba đường Hồ Sen-Cầu Rào 2, cần đặt biển cấm, cấm các xe tải trên 7,5 tấn, xe công-ten-nơ đi vào làn đường dành cho xe 2 bánh, chỉ dùng để ưu tiên điều phối xe khách, xe nhỏ rẽ vào đường mương An Kim Hải để tránh ùn tắc giao thông.
Để bảo đảm an toàn thi công cầu vượt và an toàn cho người tham gia giao thông, lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý tình trạng xe 2 bánh đi qua khu vực thi công. Để làm được điều này, cần đặt biển cấm đạt chuẩn, đồng thời bố, trí thêm biển chỉ dẫn lối đi, vừa để hướng dẫn phương tiện, vừa đủ hiệu lực xử phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Về lâu dài, Sở Giao thông-Vận tải cần nghiên cứu phương án cấm xe trọng tải lớn qua nút giao theo giờ để giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Theo Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng, công trình cầu vượt Nguyễn Văn Linh phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2019, như vậy, thời gian cấm, hạn chế phương tiện qua nút giao Nguyễn Văn Linh còn khoảng 8 tháng nữa. Đây là khó khăn cho người tham gia giao thông, nhưng không thể làm khác. Vì vậy, người tham gia giao thông chia sẻ và ủng hộ thành phố trong giai đoạn thi công. Phía Ban quản lý sẽ nỗ lực hết sức để công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Báo Hải Phòng 10/06/2018
/
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More