Chiều 24-12, tại khu vực thi công xây dựng của tòa nhà Thành Đạt, thuộc phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền) xảy ra vụ tai nạn giao thông thương tâm khiến nữ sinh N.T.Q., Trường THPT Anhxtanh tử vong. Theo những người dân có mặt tại đó cho biết, khi đang lưu thông theo hướng từ đường Lê Thánh Tông vào đường Nguyễn Trãi để tới trường, do phải tránh đống cát dưới lòng đường của công trường thi công, nên em Q. trượt ngã và bị cuốn vào gầm xe tải BKS 15C01899 đi cùng chiều.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, trên địa bàn thành phố, các công trình thi công, xây dựng không chỉ ở các tuyến phố lớn, trung tâm mà cả ở các khu vực ven đô, ngoại thành. Như ở tuyến đường Lê Hồng Phong thuộc hai quận Ngô Quyền và Hải An, từ đầu năm tới nay có tới cả chục công trình thi công các tòa nhà nhiều tầng, biệt thự. Quá trình thi công kéo dài, sử dụng nhiều loại máy móc, phương tiện kích thước lớn trong khi không gian đô thị chật hẹp khiến việc thi công tiềm ẩn các yếu tố mất an toàn. Anh Nguyễn Văn Minh, ở phường Đằng Lâm (quận Hải An) cho biết: Lưu thông qua tuyến đường Lê Hồng Phong, chứng kiến những chiếc cần cẩu cao chót vót phục vụ việc thi công những tòa nhà nhiều tầng hay gặp những chiếc xe tải trọng lớn chở nguyên vật liệu ra vào công trường luôn khiến anh cảm thấy “đứng tim” vì sợ nhỡ không may cần cẩu đổ hoặc xe ô tô mất lái, đâm vào dòng người lưu thông trên đường. Nỗi lo sợ của anh Minh hoàn toàn có lý khi từng xảy ra vụ việc cần cẩu phục vụ thi công trụ sở ngân hàng BIDV trên đường Lê Hồng Phong đổ sập xuống đường vào cuối năm 2015 khiến 1 người chết, 2 người bị thương.
Năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra 6.554 công trình, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số hành vi vi phạm bị phát hiện và xử lý là 273 trường hợp.
Theo Luật sư Đào Văn Bảy, Công ty Luật TNHH MTV Thái Thành: Luật Xây dựng và các văn bản, thông tư hướng dẫn quy định rất rõ yêu cầu về việc phải bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản trong quá trình thi công, xây dựng. Cụ thể, theo Thông tư số 04/2017 ngày 30-3-2017 của Bộ Xây dựng, quy định trách nhiệm bảo đảm an toàn trong quá trình thi công công trình thuộc về nhà thầu thi công. Trong khi đó, chủ đầu tư công trình phải thực hiện chức năng giám sát đối với các nhà thầu về việc bảo đảm các yêu cầu này. Còn theo quy định tại điều 119 Luật Xây dựng, trong quá trình thi công xây dựng công trình, nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn, xảy ra sự cố ảnh hưởng tới an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng thì chủ đầu tư, nhà thầu phải dừng thi công, đồng thời có các biện pháp hạn chế, ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra.
Mặc dù pháp luật quy định rất cụ thể, chi tiết, nhưng trên thực tế, nhiều nhà thầu khi thi công xây dựng công trình chưa quan tâm tới những yêu cầu về bảo đảm an toàn. Việc các công trường thi công tập kết vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thường xuyên diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ở nhiều công trình, các xe chở nguyên vật liệu không che chắn cẩn thận khiến đất đá, gạch, cát vương vãi trên đường gây nguy hiểm cho người đi đường. Nhiều công trình sử dụng các loại cần cẩu, máy móc thiết bị cồng kềnh nhưng lại thi công vào giờ cao điểm, rất nguy hiểm khi không may xảy ra sự cố.
Theo Chánh thanh tra Sở Xây dựng Cao Đức Thắng, khó khăn lớn nhất khi cơ quan chức năng thanh tra, xử lý các vi phạm là việc đơn vị thi công cố tình không hợp tác. Khi cán bộ đoàn thanh tra có mặt, họ chấp hành nghiêm quy định về bảo đảm an toàn trong quá trình thi công nhưng khi đoàn đi khỏi thì tiếp tục tái diễn vi phạm.
Để hạn chế tình trạng thi công ẩu, gây mất an toàn, ảnh hưởng tới cuộc sống cộng đồng chung quanh, Thanh tra Xây dựng và chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm quy định về bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, Thanh tra Xây dựng và các cấp chính quyền địa phương, Thanh tra Giao thông – Vận tải và Cảnh sát giao thông trật tự đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức; có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh các chủ đầu tư, quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn khi thi công, vì lợi ích của chính mình và cả cộng đồng. Với những công trình thi công gây mất an toàn, ngoài việc xử phạt, chính quyền các địa phương cần kiên quyết đình chỉ thi công, yêu cầu nhà thầu phải thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời, điều chỉnh khung giờ thi công không vào giờ cao điểm trưa và chiều tối, có đông người tham gia giao thông tránh sử dụng các loại cần cẩu, máy móc thiết bị cồng kềnh thi công vào giờ cao điểm để hạn chế nguy cơ tai nạn, mất an toàn.
Bài và ảnh: Thành Lê/Báo Hải Phòng
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More