Print Thứ Tư, 24/02/2021 10:08 Gốc

Tính đến ngày 23-2, Hải Phòng có 4 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 1 trường hợp ở thành phố Chí Linh, được phát hiện khi đến chăm sóc con gái ở Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng; 3 trường hợp là chùm ca bệnh được phát hiện ngày 22-2, đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Việt-Tiệp cơ sở 2). Hiện, ngành Y tế chỉ đạo kích hoạt toàn bộ hệ thống, sẵn sàng ứng phó tình huống số ca mắc COVID-19 tăng lên.

Theo dõi chặt chẽ sức khỏe người bệnh

Tiến sĩ Ngô Anh Thế, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Việt-Tiệp) – nơi đang tiếp nhận điều trị 3 người mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố, được phát hiện ngày 22-2, cho biết: hiện tình hình sức khỏe của 3 người bệnh ổn định, không có triệu chứng ho, sốt, khó thở; được điều trị cách ly hoàn toàn trong các phòng áp lực âm nhằm giảm lây truyền bệnh qua không khí. Về phương hướng điều trị thời gian tới, các bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến sức khỏe của người bệnh, tuân thủ đúng phác đồ của Bộ Y tế. Nếu có diễn biến bất thường, lãnh đạo khoa sẽ báo cáo lãnh đạo bệnh viện, ngành Y tế để hội chẩn, điều trị tích cực.

Về bố trí lực lượng tham gia điều trị các ca bệnh, hiện Khoa Bệnh Nhiệt đới phân công 4 kíp, ứng trực 3 ca, với đủ các lực lượng: bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý. Họ đều được tập huấn nhiều lần về quy trình khám, điều trị người bệnh mắc COVID-19, từng có kinh nghiệm tham gia điều trị trực tiếp hoặc tình huống giả định điều trị người mắc bệnh. Đồng thời, lãnh đạo khoa cũng chủ động liên hệ bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; nghiên cứu các thông tin, tài liệu, kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước trong chẩn đoán và điều trị ca bệnh. Hằng ngày, các kíp trực đến khám, đo thân nhiệt, nắm bắt tình hình người bệnh. Để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, Khoa Bệnh nhiệt đới trang bị đầy đủ các phương tiện phòng dịch, như: quần áo bảo hộ, khẩu trang chuyên dụng, mũ chống giọt bắn, găng tay…, bảo đảm đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. “Ngoài sự chuẩn bị chu đáo của khoa và bệnh viện hơn một năm nay, có thuận lợi nữa là trong đợt chi viện thành phố Đà Nẵng chống dịch COVID-19 vào tháng 8-2020, khoa chúng tôi có bác sĩ tham gia; chưa kể sự hỗ trợ của các bác sĩ, điều dưỡng của khoa khác cũng tham gia chuyến công tác đặc biệt đó. Vì thế, những kinh nghiệm điều trị người bệnh của các bệnh viện ở Đà Nẵng được phổ biến trong toàn khoa và được các bác sĩ, nhân viên y tế của khoa triệt để thực hiện, nhất là trong kiểm soát nhiễm khuẩn trước, trong và sau mỗi ca trực”, tiến sĩ Ngô Anh Thế thông tin.

Nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới (cơ sở 2 Bệnh viện Việt-Tiệp) chuẩn bị vào phòng áp lực âm để kiểm tra sức khỏe người bệnh.

Sẵn sàng kịch bản ứng phó

Tin tưởng vào kinh nghiệm của tập thể cán bộ, bác sĩ, nhân viên của khoa qua quá trình xử lý, ứng phó các dịch bệnh nguy hiểm từng xảy ra, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Bệnh viện Việt-Tiệp khẳng định: “Đến nay, Khoa Bệnh nhiệt đới không còn là nơi thu dung, điều trị cách ly cho những người vào cách ly y tế mà trở thành nơi tiếp nhận, khám và điều trị các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 của thành phố. Vì thế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của bệnh viện tiếp tục sát sao đôn đốc, lên các phương án, sẵn sàng kích hoạt các kịch bản ứng phó với trường hợp 10 người, 50 người, 100 người mắc COVID-19, trong tình huống dịch bùng phát, có thể sử dụng toàn bộ cơ sở 2 của bệnh viện làm bệnh viện dã chiến của thành phố với công suất 500 giường bệnh”.

Theo tiến sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế, về điều trị ca bệnh, Sở chỉ đạo Bệnh viện Việt-Tiệp và Khoa Bệnh nhiệt đới tuân thủ đúng phác đồ của Bộ Y tế. Điều thuận lợi là tình hình sức khỏe của 3 người bệnh ổn định, không có triệu chứng nào, cũng không mắc bệnh lý nền. Trường hợp tình trạng người bệnh trở nặng, phải yêu cầu hội chẩn liên khoa, toàn bệnh viện, thậm chí hội chẩn với chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để đưa ra phương hướng điều trị tích cực. Để ứng phó trường hợp số ca bệnh có thể tăng lên trong thời gian tới, ngành Y tế xây dựng các kịch bản 100 ca, 300 ca, 500 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men, vật tư tiêu hao cũng như xây dựng bộ khung, nhân lực, sẵn sàng vận hành ngay bệnh viện dã chiến và đã trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt./.

Phòng áp lực âm là phòng có áp suất thấp hơn chung quanh, nơi không khí chỉ có thể đi vào từ một phía và không thể thoát ra qua phía đó. Phòng được thiết kế gồm 2 phòng là tiền phòng (phòng đệm) và phòng chính (phòng điều trị). Để bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế, trước khi đưa vào sử dụng, phòng áp lực âm phải đáp ứng đủ 34 tiêu chí (gồm thiết kế, thông khí, vi sinh, vi bụi) trong cách ly người mắc bệnh lây truyền qua đường không khí. Các tiêu chí được các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn và chuyên gia về trang thiết bị của các bệnh viện đầu ngành xây dựng dựa trên các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ.

Bài và Ảnh: Việt Hoàng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Theo dõi, điều trị ca mắc COVID-19: Tuân thủ đúng phác đồ của Bộ Y tế
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác