Print Thứ ba, 24/11/2020 09:30 Gốc

Thực hiện Công điện khẩn số 7575 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố vừa có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho các hộ nuôi trâu, bò; các cơ sở kinh doanh giết mổ trâu, bò các dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng chống bệnh Viêm da nổi cục.

Không tiếp nhận trâu, bò từ vùng dịch

Bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò là dịch bệnh địa phương tại hầu hết các nước Châu Phi, tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại một số nước Châu Á, gồm: Trung Đông, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Trung Quốc…

Tại Việt Nam, trong khoảng từ ngày 10/8 đến 20/11/2020 dịch bệnh đã xuất hiện trên địa bàn các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh và đang có chiều hướng lây lan gây tác hại trên diện rộng, với tổng số trâu, bò mắc bệnh gần 600 con, trong đó phải tiêu hủy 44 con.

Ảnh Bò bị nhiễm bệnh Viêm da nổi cục (Nguồn: TTXVN).

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương khẩn trương thống kê số lượng trâu, bò nuôi trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra tình hình chăn nuôi, vận chuyển; yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ trâu bò không tiếp nhận trâu, bò từ vùng dịch; tuyệt đối không vận chuyển, giết mổ trâu, bò nghi nhiễm bệnh Viêm da nổi cục khi chưa có kết quả xét nghiệm âm tính; hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi…

Trong trường hợp phát hiện trâu, bò nghi mắc bệnh phải báo ngay cho UBND cấp xã, Trạm chăn nuôi và Thú ý thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xác định bệnh và áp dụng các biện pháp chống dịch theo quy định.

Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, cần tổ chức cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục; tổ chức tiêu hủy toàn bộ gia súc có kết quả xét nghiệm dương tính, hoặc gia súc trong cùng địa bàn cấp xã có biểu hiện lâm sàng của bệnh; hỗ trợ cho chủ vật nuôi có gia súc buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh theo quy định của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, phải tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển, trâu bò ra, vào các xã có dịch; tổ chức kê khai số lượng gia súc, đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn xã có dịch cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các quận, huyện kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ trâu bò và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; trang bị đầy đủ các dụng cụ, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm; chủ động hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đặc điểm nhận biết, chẩn đoán lâm sàng và các biện pháp kỹ thuật để chủ động phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò…

Trâm Bầu

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên trâu, bò để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác