Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 8/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 223,37 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 4,6 triệu ca tử vong.
Số ca hồi phục là hơn 199,88 triệu ca. Số bệnh nhân đang phải điều trị là hơn 18,87 triệu người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 41,39 triệu ca COVID-19, trong đó 671.151 ca tử vong.
Tiếp sau đó là Ấn Độ với hơn 33,13 triệu ca bệnh, trong đó 441.782 ca tử vong.
Đứng thứ 3 là Brazil với hơn 20,92 triệu ca, trong đó 584.458 người không qua khỏi.
Tại khu vực châu Á, ở Nhật Bản, tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các tỉnh lân cận với thủ đô Tokyo như Saitama, Chiba, Kangawa vẫn ở mức cao, trong khi tỉnh Okinawa tuy số ca mắc mới có giảm nhưng tỷ lệ ca bệnh tính trên đầu người vẫn ở mức cao nhất cả nước và tỷ lệ sử dụng giường bệnh là khoảng 90%, rất khó khăn về y tế.
Các vùng Kansai, Chubu đã giảm số ca mắc mới nhưng tình trạng người dân ra đường vào buổi tối và ban đêm chưa cải thiện, nhất là tại các đô thị lớn như Osaka nên vẫn thường trực nguy cơ bùng phát trở lại.
Trước tình hình này, Nhật Bản đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tại 19 địa phương, trong đó có Tokyo, Osaka, đến ngày 30/9, tỉnh Miyagi và tỉnh Okayama sẽ điều chỉnh từ tình trạng khẩn cấp xuống áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Hai tỉnh này sẽ cùng với các tỉnh Fukushima, Ishikawa, Kagawa, Kumamoto, Miyazaki, Kagoshima tiếp tục duy trì áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đến ngày 30/9, trong khi 6 tỉnh gồm Toyama, Yamanashi, Ehime, Kochi, Saga, Nagasaki sẽ được dỡ bỏ và trở lại trạng thái bình thường.
Ngoài ra, số liệu tổng kết của Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) công bố ngày 8/9 cho thấy, việc tiêm vaccine đã giúp giảm 100.000 ca mắc mới và hơn 8.000 ca tử vong tại nước này trong hai tháng 7 và 8.
Tại châu Âu, trong bối cảnh dịch bệnh ở Đức có dấu hiệu gia tăng trở lại và làn sóng dịch thứ tư được cảnh báo có thể bùng phát mạnh trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Jens Spahn và Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI) Lothar Wieler đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Người đứng đầu ngành y tế Đức cho biết số người chưa được tiêm chủng ở Đức vẫn còn quá cao và cảnh báo nếu nước này không đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, làn sóng dịch thứ tư có thể bùng phát mạnh vào mùa Thu và mùa Đông này.
Theo ông Spahn, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 chưa được tiêm chủng tại các khoa chăm sóc đặc biệt đã chiếm tới hơn 90% số ca mắc mới.
Theo số liệu thống kê mới nhất của RKI, tính đến ngày 8/9, gần 51,3 triệu người ở Đức đã được tiêm chủng đầy đủ, nâng tỷ lệ tiêm phòng dịch tại nước này lên 61,7%, trong đó khoảng 55 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi.
Bộ Y tế Slovakia thông báo chính phủ nước này đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi.
Chương trình sẽ được triển khai kể từ ngày 9/9. Bộ trưởng Y tế Slovakia Vladimír Lengvarský đã đưa ra thông báo trên sau phiên họp của chính phủ ngày 8/9, đồng thời nhấn mạnh chương trình vaccine ngừa COVID-19 dành cho trẻ em trong độ tuổi nêu trên là hoàn toàn tự nguyện.
Các liều vaccine được sử dụng cho trẻ em sẽ được quản lý dựa trên yêu cầu của các bậc cha mẹ và có sự nhất trí của bác sĩ riêng của các em. Theo đó, mỗi em nhỏ trong độ tuổi theo chương trình này sẽ được tiêm 1/3 liều vaccine của Pfizer/BioNTech và bác sỹ riêng của các em sẽ giám sát liều lượng này.
Bộ Y tế Ireland thông báo nước này sẽ tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 cho những người cao tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ ít nhất 6 tháng.
Theo thông báo của Bộ Y tế Ireland, nhóm người trên 80 tuổi và những người trên 65 tuổi sống trong các cơ sở chăm sóc nội trú dài hạn sẽ được tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer hoặc Moderna, bất kể ban đầu họ đã được tiêm loại vaccine nào.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước tiếp tục hoãn tiêm liều vaccine tăng cường trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện cho mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một tháng trước ông đã kêu gọi toàn bộ các nước trên thế giới trì hoãn tiêm liều vaccine tăng cường ít nhất cho đến cuối tháng 9, để ưu tiên tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao trên thế giới chưa được tiêm liều đầu tiên.
Ông Tedros nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên thế giới không thay đổi nhiều kể từ thời điểm đó, vì vậy ông kêu gọi các quốc gia tiếp tục hoãn tiêm liều tăng cường cho đến ít nhất cuối năm nay.
Theo thống kê của WHO, trên toàn cầu có 5,5 tỷ liều vaccine đã được sử dụng, nhưng 80% đã được sử dụng ở các nước có thu nhập cao và trung bình cao.
Mặc dù các quốc gia có thu nhập cao đã cam kết tặng hơn một tỷ liều, nhưng chưa đến 15% số liều đó đã được bàn giao.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) khuyến nghị các quốc gia châu Mỹ nên ưu tiên việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú nhằm bảo vệ bà mẹ và thai nhi khỏi dịch bệnh và nguy cơ tử vong.
Giám đốc PAHO, bà Carissa Etienne cho rằng phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn nếu mắc COVID-19, dẫn tới khả năng sinh non cao, thậm chí sảy thai.
Quan chức này cho rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được WHO phê duyệt là an toàn cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú./.
Trần Quyên (TTXVN/ Vietnam+)
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More