Mỹ tiếp tục là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 29.653.891 ca nhiễm và 537.119 ca tử vong. Tiếp đó đến Ấn Độ với 11.210.799 ca nhiễm và 157.791 ca tử vong. Brazil với 10.939.320 ca nhiễm và 264.446 ca tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, tính đến ngày 7/3, số ca nhiễm ở châu lục này đã lên tới 3.955.148 ca và số ca tử vong do COVID-19 là 105.490 ca. 3.533.574 bệnh nhân đã phục hồi. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm có Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia. Nam Phi có 50.647 ca tử vong cao nhất ở châu Phi, tiếp đó đến Ai Cập 10.954 ca, Maroc 8.676 ca.
Tại châu Á, nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới trong 24 giờ qua, như Indonesia 5.826 ca nhiễm và 112 ca tử vong, Malaysia 1.683 ca nhiễm và 3 ca tử vong, Bangladesh 603 ca nhiễm và 11 ca tử vong, Campuchia 34 ca nhiễm…
Riêng tại Campuchia, thêm nhiều địa phương ở nước này đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 sau khi “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” ở thủ đô Phnom Penh chính thức lan ra 5 tỉnh Preah Sihanouk, Kandal, Svay Rieng, Kampong Thom và Prey Veng.
Theo Bộ Y tế Campuchia, tình hình lây nhiễm tại thành phố Sihanoukville (tỉnh Preah Sihanouk) được cho là nghiêm trọng nhất với 110 trường hợp lây nhiễm (15 ca mới phát hiện). Những ca lây nhiễm này đã gây ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế-xã hội, đặc biệt là dịch vụ du lịch và sòng bạc của thành phố duyên hải vốn thu hút lượng đông đảo du khách nước ngoài.
Từ đêm 3/3, chính quyền Sihanoukville chính thức ban bố lệnh phong tỏa, hạn chế ra vào thành phố này, ngoại trừ các phương tiện chuyên chở hàng hóa, cứu thương và những hoạt động liên quan đến an ninh trật tự. Hiện đã có thêm 35 địa điểm công cộng và cơ sở lưu trú tại Sihanoukville bị phong tỏa do liên quan đến các ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng.
Trước đó, tối 6/3, chính quyền tỉnh Kandal (giáp ranh thủ đô Phnom Penh) đã cách ly 723 người tại sòng bạc Yong Yuan (huyện Koh Thom) sau khi một người đàn ông Trung Quốc tại địa điểm này bị phát hiện nhiễm COVID-19.
Liên quan tới vaccine và chương trình tiêm chủng, Ethiopia đã tiếp nhận lô đầu tiên gồm 2,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh nước này sẽ tiến hành tiêm chủng trong những ngày tới. Lô vaccine AstraZeneca này do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất, được chuyển cho Ethiopia trong khuôn khổ Cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu. WHO cho biết những lô vaccine tiếp theo sẽ tới nước này trong những tuần tới. Theo kế hoạch, Ethiopia sẽ tiêm ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng đầu tiên là đội ngũ nhân viên y tế của nước này. Ethiopia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 20% trong tổng số gần 110 triệu dân của nước này vào cuối năm nay.
Trong khi đó, các bệnh nhân COVID-19 từ Slovakia bắt đầu được đưa tới Ba Lan theo chương trình hỗ trợ điều trị mà các quốc gia láng giềng đưa ra nhằm giúp đỡ Bratislava ứng phó với đại dịch COVID-19.
Theo Thứ trưởng Y tế Ba Lan Waldemar Kraska, sau 3 bệnh nhân đầu tiên, những ngày sắp tới Ba Lan sẽ tiếp nhận thêm các bệnh nhân COVID-19 từ Slovakia. Tất cả các bệnh nhân được chuyển tới Ba Lan đều là những bệnh nhân nặng cần thở máy. Ba Lan cũng đang chuẩn bị để tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 từ CH Séc.
Tương tự, các cơ quan y tế thành phố Dortmund của Đức cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân COVID-19 và dự kiến sẽ có thêm 8 bệnh nhân COVID-19 từ Slovakia được chuyển đến thành phố này trong những ngày tới. Giới chức Slovakia cho biết Ba Lan và Đức đã dành 10 giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ quốc gia Trung Âu này.
Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp), Slovakia, có dân số 5,4 triệu người, là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, với tỷ lệ trung bình là 24,09 ca tử vong/100.000 dân trong 14 ngày qua. Nước xếp thứ hai là CH Séc với tỷ lệ tử vong là 22,52 người/100.000 dân trong cùng giai đoạn trên.
Trong khi đó, Trung Quốc thông báo nước này có kế hoạch thành lập các địa điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 trong khu vực để tiêm cho công dân Trung Quốc ở nước ngoài và cũng sẵn sàng làm việc với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) để giúp cung cấp vaccine cho các vận động viên tham dự. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tổ chức Olympic mùa Đông 2022 trong khi Olympic mùa Hè dự kiến diễn ra từ ngày 23/7-8/8 tại Nhật Bản.
Minh Châu (TTXVN)
Hà Mạnh H trình bày, sáng 17/11 điều khiển xe máy đi từ huyện Cát…
Ngày 16.11, Bộ Y tế ban hành thông tư Quy định về tiêu chuẩn sức…
Sáng 17/11, Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) long…
Kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc, tối 16/11, Ban Tuyên giáo…
Chương trình cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết…
Chính phủ đề xuất NĐT thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More