Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:14

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BCT có hiệu lực từ tháng 15-8-2018, quy định về việc phân luồng trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi. Đây là văn bản mới, có ảnh hưởng thiết thực tới một địa phương diễn ra nhiều hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa như Hải Phòng.

Cảng Hải Phòng giữ vai trò đầu mối giao thương lớn nhất miền Bắc

Lợi thế vùng cửa ngõ

Với vai trò là cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất khu vực phía Bắc, Hải Phòng là nơi diễn ra các hoạt động xuất nhập khẩu rất hết sức sôi động. Chỉ tính trong năm 2017 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng đạt khoảng 6,3 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 6,6 tỷ USD.

Bước sang năm 2018, hoạt động xuất nhập khẩu của Hải Phòng tiếp tục tăng trưởng mạnh, cụ thể về xuất khẩu, 8 tháng năm 2018 thành phố đạt trên 5,32 tỷ USD, tăng 25,69% so với cùng kỳ 2017; còn nhập khẩu cũng tăng tới 19,62% với kim ngạch hơn 5,1 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong các mặt hàng xuất khẩu liên quan trực tiếp đến việc hưởng thụ ưu đãi của chế độ xuất xứ hàng hóa, Hải Phòng có nhiều nhóm chiếm tỷ trọng cao. Đơn cử cũng lấy số liệu 8 tháng năm 2018 làm ví dụ: sản phẩm Plastic đạt kim ngạch 284,5 triệu USD, hàng dệt may 341,7 triệu USD, điện tử 274,8 triệu USD, dây và cáp điện 408,9 triệu USD… đặc biệt giày dép đạt tới 1.069,5 triệu USD.

Mặt khác, Hải Phòng còn là nơi tiếp nhận xuất nhập khẩu cho cả khu vực miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc. Điều đó được thể hiện từ tăng trưởng hàng năm của hàng hóa qua cảng, với trên 92 triệu tấn năm 2017, trong 8 tháng năm 2018 đạt mức 69,303 triệu tấn, tăng 18,73% so với cùng kỳ năm 2017.

Những con số trên cho thấy, việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa hết sức quan trọng đối với kinh tế đối ngoại của Hải Phòng. Bởi lẽ những ưu đãi trong bối cảnh hội nhập quốc tế ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu của doanh nghiệp. Đồng thời góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khi các nhà sản xuất lớn muốn chọn Hải Phòng là nơi thụ hưởng chế độ ưu đãi của thương mại quốc tế.

C/O là gì?

Theo trao đổi của một cán bộ ngành công thương, C/O là tên viết tắt bằng tiếng Anh của “Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa” (Certificate of Origin), là một chứng từ nằm trong Bộ chứng từ xuất nhập khẩu hàng hóa, do nước xuất khẩu cấp phát. Chứng từ này là cơ sở cho hàng hóa xuất nhập khẩu hưởng ưu đãi dựa theo mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước bạn hàng, nhất là các chính sách về thuế.

Điều quan trọng là, hiện Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, riêng Hải Phòng đã có quan hệ song phương với 121 quốc gia và vùng lãnh thổ, nên hiệu quả của C/O rất rõ nét. Chẳng hạn, chi phí giá thành một đôi giày sản xuất tại Việt Nam là 50 USD, trong khi ở một nước tiên tiến do áp dụng công nghệ cao nên chi phí tương tự chỉ mất 35 USD.

Nếu cả hai đôi giày cùng được xuất khẩu vào thị trường EU, giày Việt Nam sẽ khó cạnh tranh, rất có thể sẽ gặp khó về tiêu thụ hoặc đạt mục tiêu lợi nhuận. Để giải quyết vấn đề này, trong quan hệ thương mại quốc tế, các nước dành cho nhau những ưu đãi, chủ yếu là chính sách thuế quan được các nước phát triển dành cho các nước đang hoặc chậm phát triển.

Như vậy nhờ chính sách áp dụng thuế suất thấp hơn từ nước nhập khẩu, đôi giày Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với sản phẩm của các nước tiến tiến khác, lúc này C/O chính là bằng chứng để dẫn tới sự thụ hưởng đó.

Hiện ở Việt Nam, hai cơ quan có thẩm quyền cấp phát C/O là Bộ Công thương và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, tuy nhiên mỗi cơ quan đều được phân định rõ loại C/O được cấp. Căn cứ vào mức độ quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước, C/O cũng được phân loại thành nhiều dạng theo “CO form”, có ưu đãi hoặc không ưu đãi.

Trở lại với Thông tư  số 15/2018/TT-BCT, việc cấp C/O nhằm áp dụng phân luồng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi. Theo đó các thương nhân, doanh nghiệp sẽ được phân thành các nhóm luồng xanh, luồng đỏ và luồng thông thường trong quy trình.

Cụ thể, luồng xanh là chế độ ưu tiên trong quy trình cấp C/O ưu đãi, thương nhân được ưu tiên miễn, giảm, nộp chậm chứng từ, giảm thời gian cấp C/O và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình đề nghị cấp C/O; Luồng đỏ là chế độ cần kiểm soát trong quy trình cấp C/O ưu đãi.

Theo đó thương nhân phải nộp chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa đối với tất cả các lô hàng, có thể được yêu cầu kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình đề nghị cấp C/O; Luồng thông thường là chế độ hiện hành trong quy trình cấp C/O ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ.

Vận động theo xu thế

C/O là một trong những giải pháp “cứu cánh” hữu hiệu, nhằm giải quyết vấn đề lợi nhuận trong thương mại quốc tế. Chính vì vậy, thời kỳ Việt Nam mới mở cửa hội nhập, làn sóng đầu tư đến từ các nước phát triển chủ yếu là nhằm khai thác tối đa chính sách ưu đãi cho Việt Nam. Điều này lý giải vì sao Hải Phòng sớm trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đối với những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông như giày dép, may mặc…

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, quá trình phát triển nhanh chóng đã đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển lên hạng các nước đang phát triển, cùng với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, dẫn đến nhiều ưu đãi thương mại một chiều dành cho Việt Nam cũng giảm dần hoặc loại bỏ. Thay vào đó là những chính sách ưu đãi song phương theo hướng “các bên cùng có lợi”.

Mặt khác, lấy Hải Phòng là ví dụ, thời điểm hiện tại thành phố có 569 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư gần 16 tỷ USD. Nhưng do ngành sản xuất khu vực FDI vẫn lệ thuộc quá nhiều vào gia công, nên hiệu quả hưởng thụ từ ưu đãi C/O thực tế không hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam, mà ngược trở lại các nước đầu tư.

Bên cạnh đó, việc xác định xuất xứ hàng hóa phải tuân thủ những quy ước chặt chẽ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dệt may, Mỹ có luôn áp dụng quy tắc “Yarn Forward”, theo đó nguồn gốc sản phẩm được tính là nơi sợi được dệt. Nghĩa là nếu sản phẩm may mặc Việt Nam được làm từ vải Trung Quốc, thì sẽ được tính nguồn gốc Trung Quốc.

Trên thực tế không riêng gì hàng dệt may, mà rất nhiều ngành dịch vụ, sản xuất, chế biến khác của Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh đó. Tình trạng này không dễ khắc phục trong một sớm một chiều, nên việc quá lệ thuộc vào chính sách ưu đãi từ C/O, chưa hẳn đã là một hướng phát triển bền vững.

Lê Minh Thắng  – Báo an ninh Hải Phòng 16/9/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thấy gì từ ưu đãi xuất xứ hàng hóa
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác