Print Thứ tư, 07/08/2019 08:27

Tài nguyên nước có vai trò quan trọng, thiết yếu trong quá trình phát triển KTXH của cả quốc gia nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Nhưng cũng chính vì điều đó nên đã đặt nguồn tài nguyên nước trước những thách thức khi chất lượng nguồn nước thô phục vụ sinh hoạt của gần 2 triệu người dân, hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã và đang bị đe doạ. Tại nhiều nơi, nguồn nước ngọt bị suy thoái cả về số lượng, chất lượng dẫn đến hiện tượng thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước. Nghiêm trọng hơn gần đây đã xảy ra các vụ việc xả thải nước chưa qua xử lý, đổ trộm chất thải có các thành phần độc hại xuống lòng kênh, mương gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Xin được điểm lại, ngay trong những ngày đầu tháng 7-2019, người dân một số xã tại huyện Vĩnh Bảo xôn xao, hoang mang khi chứng kiến bà Lê Thị Lan 50 tuổi trú tại thôn Kênh Trạch, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo bị bỏng nặng hai bắp chân do lội qua đoạn kênh trên địa bàn xã có chất thải độc hại để bắt cua đồng. Ngay sau đó, chính quyền xã, huyện và các ngành chức năng đã vào cuộc để khoanh vùng khu vực có chất thải độc hại, khuyến cáo tới người dân trên địa bàn, tiến hành hút, nạo vét bùn, đất nhiễm độc để chờ xử lý.

Tiếp đến, Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố cũng đã lấy mẫu gửi tới Công ty CP kỹ thuật và phân tích môi trường Hà Nội để phân tích. Kết quả ban đầu từ cơ quan phân tích cho thấy: Chất thải lỏng, màu nâu đen, sền sệt, quánh, trong đó có thành phần là phenol và dầu.

Theo phân tích của các nhà khoa học thì phenol là loại hoá chất độc hại, cấm dùng trong thực phẩm. Đây là chất rắn, tinh thể không màu, có mùi đặc trưng, nóng chảy ở nhiệt độ 43 độ C, rất độc, gây bỏng nặng khi rơi vào da. Phenol và các chất dẫn xuất của phenol chỉ được dùng trong sản xuất công nghiệp. Còn trong sinh hoạt thì gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người và mọi sinh vật sống. Khi xâm nhập vào cơ thể con người, phenol tác động chủ yếu lên hệ thần kinh, tim mạch và máu.

Mặc dù vụ việc đã xảy ra hơn một tháng, song hệ luỵ là khôn lường, mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo nội dung giải quyết kiến nghị doanh nghiệp tháng 8-2019, một lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo cho biết: Có hiện tượng người dân một số xã đã từ chối dùng nước sạch của một nhà máy nước mi ni tại khu vực này vì lo ngại lấy nguồn nước thô để sản xuất nước sạch từ con kênh nói trên?!

Vụ việc trên còn đang trong quá trình điều tra thì dồn dập thông tin người dân thôn Kim Sơn, xã Lê Thiện, huyện An Dương dựng lều bạt trước cổng công ty CP thương binh Đoàn Kết để phản đối doanh nghiệp sản xuất hạt nhựa xuất khẩu gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể là công ty CP thương binh Đoàn Kết sản xuất hạt nhựa tổng hợp từ nguồn rác thải nhựa nhập khẩu. Tuy nhiên, mỗi khi dây chuyền sản xuất hoạt động lại gây mùi hôi khét khiến người dân tức ngực, khó thở. Đặc biệt, nước thải của doanh nghiệp, cũng như nước tràn từ bể lắng xuống kênh Kim Xá có màu đen, bốc mùi hôi thối. Trong khi đó kênh Kim Xá lại là kênh quan trọng dẫn nước bổ sung cho kênh An Kim Hải-nơi cung cấp 80% nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất của toàn thành phố.

Trước áp lực của các hộ dân tại địa phương cũng như để bảo vệ nguồn nước ngọt của thành phố, huyện An Dương và các ngành chức năng đã buộc doanh nghiệp dừng hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi có kết luận của cơ quan chuyên môn và công ty phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Và mới đây thôi là vụ việc 19 thùng nhựa chứa chất thải được vớt lên từ kênh Hoà Bình, đoạn thuộc phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh. Cụ thể, ngày 29-7-2019, nhân viên Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi Đa Độ phát hiện thấy nước tại kênh Hoà Bình có màu xanh lạ. Ngay lập tức công ty tăng cường lực lượng rà soát, kiểm tra dọc tuyến kênh và phát hiện tại đoạn cống Hoà Bình hướng về phía đường Phạm Văn Đồng có vứt nhiều thùng nhựa trắng dưới lòng kênh.

Kết quả, công nhân của công ty đã vớt được 19 thùng nhựa trắng được đậy nắp kín. Sau khi báo các cơ quan chức năng, trước sự chứng kiến của Phòng Tài nguyên-Môi trường, Công an quận Dương Kinh, công ty đã tiến hành mở nắp một thùng và nhận thấy trong thùng chứa chất đặc sánh màu xanh nhạt và dung dịch nước màu vàng sẫm.

Hiện, 19 thùng nhựa nói trên đã được tập kết trong khuôn viên của Trạm bơm Hưng Đạo, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, không còn hiện tượng phát tán gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước kênh Hoà Bình.

Từ những vụ việc điển hình trên có thể thấy, trong một tháng đã có tới 3 vụ xả nước thải chưa qua xử lý, đổ trộm chất thải thậm chí là độc hại xuống lòng kênh, mương.

Ông Trần Quang Hoạt-Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi An Hải, đơn vị quản lý, khai thác kênh An Kim Hải, trong đó có sông Rế, nhiều lần bức xúc cho biết: Doanh nghiệp chỉ có thể tuần tra, phát hiện, lập biên bản và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt, xử lý, song dường như chế tài chưa đủ sức răn đe nên vẫn xảy ra việc xả trộm, đổ trộm chất thải xuống lòng kênh mương?!

Được biết cách đây vài năm, thành phố đã quyết định xử phạt hàng trăm triệu đồng và buộc một doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy sản xuất giấy gây ô nhiễm. Thiết nghĩ trong khi đạo đức kinh doanh, ý thức vì cộng đồng của một số doanh nghiệp còn chưa cao thì những biện pháp mạnh, rắn là cần thiết. Âu cũng là việc phải làm để cứu những dòng sông, con kênh, mương trước khi quá muộn!

Kim Oanh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thấy gì qua các vụ xả, đổ trộm chất thải xuống kênh, mương?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác