Dễ đăng ký, khó quản lý
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), hiện địa bàn thành phố có 166 xe limousine đăng ký loại hình xe hợp đồng. Nhiều nhất là Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long có 29 xe, Công ty TNHH TMSX&DV Hoàng Phương có 13 xe; Công ty TNHH Du lịch & vận tải Phương Huy có 14 xe… Ngoài số xe hợp đồng đã đăng ký với Sở GTVT, lượng xe limousine của các tỉnh, thành phố khác đang hoạt động trên địa bàn Hải Phòng có khoảng vài chục xe. Bên cạnh xe limousine dưới 16 chỗ, Hải Phòng còn có hơn 3.000 xe hợp đồng khác, trong khi tuyến cố định chỉ có 422 xe đăng ký. Trong số xe đăng ký này chỉ có dưới 300 xe hoạt động trên thực tế.
Sở dĩ xe hợp đồng phát triển nhanh “như nấm sau mưa” xuất phát từ cơ chế quản lý khá “thoáng”. Tại cuộc họp về tìm giải pháp ngăn chặn nạn “xe dù, bến cóc” mới đây, Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT) Ngô Hồng Quang cho biết, theo quy định, thủ tục cấp phép hoạt động cho xe hợp đồng rất đơn giản. Trong quá trình vận chuyển, nhà xe chỉ cần có hợp đồng vận chuyển đối với với khách hàng, có điểm đầu-cuối, đón-trả khách trọn hành trình đó. Trước khi xuất phát, hợp đồng được doanh nghiệp xe gửi vào hộp thư điện tử của Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hải Phòng và có 1 bản để xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra. Chỉ cần vậy, xe hợp đồng thoải mái chở khách. Dù lực lượng chức năng biết cách thức làm ăn của những xe này, nhưng không đủ cơ sở để xử lý, vì nhà xe đáp ứng đầy đủ thủ tục cần thiết.
Theo các văn bản quy phạm pháp luật, xe hợp đồng không được hoạt động quá tần suất trong một thời gian nhất định nếu trùng điểm đầu-cuối, nhưng đây không phải là khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Lấy tuyến Hải Phòng-Hà Nội làm ví dụ, nếu xe chạy đủ tần suất trùng điểm đầu-cuối là Hải Phòng-Hà Nội trong một thời gian nhất định, doanh nghiệp sẽ đổi tuyến của chiếc xe đó và thay thế bằng xe mang biển số khác. Theo một doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng, quy định này chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp ít xe, còn với doanh nghiệp có từ 5 xe trở lên, hoàn toàn không có tác dụng.
Ông Nguyễn Huy Bản, đại diện Bến xe Thượng Lý phản ánh: Xe limousine còn ngang nhiên đón-trả khách ngay trước bến xe Thượng Lý. Ngoài ra, một số văn phòng đại diện của các doanh nghiệp cũng trở thành điểm đón-trả khách của xe limousine. Thời gian qua, có một số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong bến nay cũng dừng, chuyển sang chạy xe hợp đồng…
Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Nguyễn Đức Chi cho biết, rất khó quản lý hoạt động của xe hợp đồng vì cơ chế khá thông thoáng. Có lần, Thanh tra Sở biết được cả đoàn xe chạy “dù”, nhưng cũng chỉ “bắt” được 1 xe, vì các nhà xe có nhóm thông tin đến nhau để tránh cơ quan chức năng.
Cần thay đổi cơ chế quản lý
Nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân tăng cao, cơ chế quản lý thiếu chặt chẽ, là cơ hội để xe hợp đồng phát triển và biến tướng dưới dạng chở khách như tuyến cố định. Điều này khiến các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định lao đao. Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng thông tin, rất nhiều xe tuyến cố định bị “xe dù, bến cóc” xông vào “hớt khách“, cạnh tranh không lành mạnh. Ngoại trừ dịp lễ, Tết, rất ít hành khách ra bến xe mua vé dẫn tới thực tế có tuyến chỉ hoạt động 30-40% công suất. Nhiều chủ xe bán xe khách, mua xe hợp đồng để chạy dịch vụ. Theo ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, để ngăn chặn nạn “xe dù, bến cóc”, cần thay đổi cơ chế quản lý xe hợp đồng, hài hòa giữa bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Một số chuyên gia cho rằng, việc hợp đồng viết tay (điền tên hành khách, số điện thoại, căn cước…), đóng dấu sẵn hoặc dùng dấu treo của đơn vị được sử dụng trên xe là sơ hở trong công tác quản lý vì lái xe dễ dàng tự viết tên hành khách. Do đó, cần quy định lại, tên hành khách không được viết tay mà phải sử dụng bản đánh máy, có đóng dấu cầm theo xe, theo đúng quy định về hợp đồng thuê xe. Đồng thời, cần xây dựng chế tài xử lý người ký hợp đồng nếu không trùng khớp với thông tin hành khách trên xe. Ngoài ra, có biện pháp mạnh, nghiêm cấm các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng văn phòng giao dịch để làm nơi đón trả khách.
Trong khi xe khách tuyến cố định bắt buộc phải ở bến xe và phải chịu nhiều chi phí thủ tục, xe hợp đồng chở khách như tuyến cố định hầu như không tốn chi phí. Đã đến lúc cần có những quy định chặt chẽ hơn để quản lý xe hợp đồng, kèm theo chế tài xử phạt nghiêm minh. Cùng với đó, các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng cần thay đổi về chất lượng phương tiện cũng như cách thức đưa đón hành khách đến bến xe và từ bến xe về nhà an toàn, thuận lợi…/.
Đức Phong
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy…
Theo quy định của thông tư về dạy thêm, học thêm mới, tổ chức, cá…
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết sẽ không xử phạt đối với…
Gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhưng nhiều nhà…
Đêm 02/01/2025, Công an quận Hồng Bàng tổ chức tuần tra vây ráp phòng chống…
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hải Phòng) thông tin, trong năm 2024,…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More