Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đề xuất quy định bắt buộc phân loại rác thải tại nguồn, thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của hộ dân theo khối lượng phát sinh, thay vì thu bình quân đồng đều giữa các hộ, nhằm tận dụng tốt hơn tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường.
Phân loại rác để giảm số phí phải nộp
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, kết quả nghiên cứu cho thấy 40% lượng rác thải sinh hoạt là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Vì vậy chất thải rắn sinh hoạt là một dạng tài nguyên. Song thời gian qua, do hoạt động phân loại rác thải chưa thực hiện bài bản, mang tính tự phát nên việc tái chế rác thải đạt hiệu quả thấp. Rác chủ yếu được xử lý bằng hình thức chôn lấp, tốn diện tích, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Do vậy, dự thảo luật đưa ra nhiều quy định nhằm thúc đẩy hoạt động phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo đó, bắt buộc hộ dân phải phân loại chất thải. Chất thải phát sinh tại hộ gia đình được phân thành 4 loại: chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Đối với các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định, được miễn phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Còn chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường được thu phí theo khối lượng phát sinh. Mức thu phí vệ sinh phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý ở địa phương. Dự thảo cũng quy định tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển có quyền từ chối việc thu gom, vận chuyển đối với các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt.
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế được hộ gia đình, cá nhân ở đô thị lưu chứa trong các bao bì, thiết bị không gây ô nhiễm môi trường và được chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức tái chế, tái sử dụng hoặc đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của địa phương. Đối với hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn áp dụng tương tự. Những loại rác còn lại, mức thu phí được thu theo khối lượng phát sinh.
Cần rõ giải pháp, cơ chế thực hiện
Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường thành phố Bùi Quang Sản đánh giá, việc thu phí thu gom rác theo khối lượng sẽ giúp việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cao. Để giảm chi phí, người dân sẽ tích cực phân loại rác, hạn chế xả thải, từ đó giúp đẩy mạnh việc tái chế các loại rác thải có thể sử dụng được. Điều này thực sự cần thiết đối với Hải Phòng. Hiện nay, rác thải đô thị được thu gom đưa về Khu liên hợp quản lý và xử lý chất thải Tràng Cát, Khu xử lý chất thải Đình Vũ. Tại đây, rác thải vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Nhưng cả hai bãi rác đang ở tình trạng quá tải. Việc tái chế đang gặp vướng mắc do việc phân loại rác thực hiện chưa hiệu quả. Công suất phân loại rác mới chỉ được khoảng 70 tấn mỗi ngày, dưới 10% lượng chất thải phát sinh. Việc tìm kiếm giải pháp, công nghệ thu gom, vận chuyển, phân loại và xử lý phù hợp đang là yêu cầu cấp thiết.
Tuy nhiên, nhiều người dân còn băn khoăn về cách thức tổ chức thực hiện. Bà Nguyễn Thị Minh, tổ dân phố Điện Biên, phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) cho biết, rất ủng hộ chủ trương thu phí rác thải theo khối lượng thu gom. Song việc tính phí theo khối lượng rác cần tổ chức thực hiện bảo đảm khách quan, không làm phát sinh phức tạp. Bởi hiện nay, việc đổ rác được ấn định thời gian cố định trong ngày, người dân mang rác đến điểm cố định, được công nhân môi trường thu gom. Nếu thực hiện như quy định trong dự thảo luật, liệu người dân có phải xếp hàng chờ đến lượt thu gom, cân rác rồi tính phí? Bác Nguyễn Văn Cửu, phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền) có ý kiến: hiện nay, dự thảo luật mới đưa ra chủ trương thu phí theo số lượng phát sinh mà chưa rõ cùng giải pháp và công tác tổ chức thực hiện. Bởi với quy định yêu cầu người dân phân loại rác thải tại nhà cần đầu tư trang thiết bị, xe chở, xe thu gom phù hợp với từng loại rác thải. Trong khi hiện nay, các phương tiện vẫn tiến hành thu gom theo kiểu đổ chung các loại rác vào một xe.
Thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo số lượng phát sinh là giải pháp hiện được nhiều quốc gia áp dụng và cho hiệu quả tích cực. Song, để có thể áp dụng giải pháp này đạt hiệu quả cao trong điều kiện thực tế của Hải Phòng nói riêng, cả nước nói chung, các cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm, cần sớm có đề xuất về cơ chế và lực lượng thực hiện quy định này; đồng thời, phải thực hiện nghiêm các chế tài về việc xả rác không đúng quy định nhằm tránh tình trạng né tránh việc nộp phí, đổ trộm rác thải.
Nguyên Mai