Thắp nén nhang lòng: Di vật thiêng của liệt sĩ

Bút tích, di vật liệt sĩ là câu chuyện xúc động, nhắc nhở về một thời chiến tranh bi hùng có cả xương máu, nước mắt và hoa.

Những người thân liệt sĩ (LS), đồng đội, các tổ chức hỗ trợ tìm LS và các bảo tàng chiến tranh… vẫn còn giữ một số di vật đặc biệt của LS. Mỗi di vật gắn với câu chuyện xúc động.

Ký họa chân dung mẹ Việt Nam – Ảnh: Trung tâm Marin cung cấp

Ống tay áo của mẹ và hai bộ ký họa đặc biệt

Trong nhiều bút tích của LS Ngô Trí Khoa (Yên Thành, Nghệ An) có bài thơ viết về chiếc bao tượng mà người mẹ cắt vội ống tay áo của mình làm túi đựng biến (nếp nổ) cho anh mang lên đường đi chiến đấu: “Ống tay áo thần kỳ của mẹ/Là cái bao đựng biến lúc tòng quân/Theo con đi khắp Trường Sơn đánh Mỹ/Miền Nam ơi! Chiến trường vẫy gọi/Niềm tin mẹ già vững bước con đi”.

Dò khắp nơi, chúng tôi cũng liên lạc được với ông Ngô Trí Hà, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân, em trai LS Khoa. “Anh tôi đi chiến đấu lúc mới hơn 16 tuổi, hy sinh lúc còn quá trẻ. 37 năm sau, khi khai quật mộ anh Khoa, gia đình bất ngờ phát hiện ra chiếc bao tượng này. Phủi cát bụi đi, lộ rõ đường may quen thuộc của mẹ. Hôm đó ai cũng khóc”, ông Hà bùi ngùi tâm sự.

Hỏi về “thân phận” của “ống tay áo thần kỳ”, ký ức của ông Hà ùa về. Theo đó, trước ngày anh Khoa nhập ngũ, mẹ rang biến cho anh đãi bạn. Bà để lại một ít biến, rồi cắt ống tay áo cũ của mình khâu thành ruột tượng để bỏ phần còn lại vào cho người con mang theo. “Sau này, lần lượt các người con vào bộ đội, mẹ đều may cho túi đựng như vậy”, ông Ngô Trí Hà chia sẻ. Các đồng đội LS Khoa kể lại, trong quân ngũ, cái bao đó anh đã dùng làm gối để như được ấm áp trong vòng tay mẹ, vững bước đi khắp Trường Sơn đánh giặc.

Một trang trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng

Trong nhiều năm qua, Trung tâm tư vấn pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho gia đình LS (Marin) nhận nhiều di vật của LS. Họ đã kết nối được với nhiều gia đình LS để trao lại di vật. Nhưng hiện nay vẫn còn những di vật rất đặc biệt, trong số đó có hai bộ ký họa nhiều năm qua Trung tâm Marin chưa tìm ra gia đình LS trao trả. “Hy vọng khi đọc được những thông tin về bộ ký họa trên Báo Thanh Niên, chúng tôi sẽ tìm ra người thân của hai bộ ký họa rất hiếm này”, bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Marin, tâm tình.

Theo bà Hằng, hai bộ ký họa gồm 38 bức thể hiện các cảnh sinh hoạt, chiến đấu… của bộ đội Việt Nam, được vẽ bằng chì mộc mạc nhưng rất sinh động. Ngoài ra, còn có một bức họa chân dung người mẹ Việt Nam, hai bức ghi chữ em Trúc, em Phước, ba bức thể hiện công việc làm báo với ghi chú: đánh máy, phát hành, làm việc…

Đầu mối cung cấp hai bộ ký họa là một cựu binh Úc từng tham dự trận chiến ngày 18.8.1966 tại Long Tân, H.Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Sau trận đánh đó, phía Úc thu được một số tài liệu của bộ đội ta, trong đó có 38 bức ký họa độc đáo này. “Tôi hy vọng câu chuyện về những bức ký họa này sẽ có cái kết đẹp”, bà Hằng tâm sự.

Kỷ vật chiếc bao mẹ làm bằng ống tay áo của liệt sĩ Ngô Trí Khoa. ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP.

Nhật ký có lửa và bức thư tiên tri

Trong những ngày tìm hiểu về liệt sĩ từ Nghệ An vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…; chúng tôi nghe nói thầy giáo Lý Quang Nhân (Quảng Bình) lưu giữ cuốn nhật ký đặc biệt của LS Lưu Mạnh Hùng.

Liên lạc thầy Nhân, ông cho biết đã trao cuốn nhật ký cho gia đình LS ở Hải Phòng. Chúng tôi ngược ra đất cảng, gặp gia đình LS Hùng. Tại ngôi nhà ở P.Cát Bi, ông Lưu Mạnh Dũng, em trai LS Hùng, bảo: “Nhật ký đặt trên bàn thờ. Muốn lấy xuống thì phải thắp nhang xin anh Hùng”.

Sau một hồi lầm rầm khấn vái, ông Dũng đem cuốn nhật ký được đặt cẩn thận trong rương xuống. Lần giở những trang nhật ký, nét chữ của LS Hùng nghiêng nghiêng, khá đẹp. Trong đó, những câu thơ như có “lửa”, giàu cảm xúc: “Nghe lời cha, con muốn là Thánh Gióng/Vút bổng trời cao kéo Mỹ lộn nhào/Nghe lời cha, con muốn làm viên gạch/Xây lên nhiều nhà máy, lò cao/Nghe lời cha, con muốn là dòng nước/Chảy theo kênh tưới mát ruộng vườn…/Con muốn là viên đạn thép bọc đồng/Hay là viên đạn pháo/Nhằm thẳng quân thù con sáng rực không trung/Gặp máy bay thù con sẽ nổ tung…”.

Một đoạn trong bức thư tiên tri của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. ẢNH: QUANG VIÊN CHỤP LẠI.

Hành trình lưu lạc cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng rất hy hữu. Người chiến sĩ đất cảng luôn mang theo cuốn nhật ký trên đường đi chiến đấu. Rồi trong một trận chiến, anh hy sinh, may mắn một đồng đội tìm thấy cuốn nhật ký giữ lại.

Người lính đó có thời gian tạm trú tại nhà thầy giáo Nhân ở Quảng Bình. Sau đó, anh lại lên đường tham gia chiến trường B. Trước khi đi, anh gửi cuốn nhật ký cho gia đình ông Nhân. Cuốn nhật ký được ông Nhân chuyền cho nhiều người đọc rồi thất lạc. Bẵng đi gần 20 năm, tình cờ ông Nhân phát hiện nó bị bỏ quên trong hộp đàn của người bạn. Đọc kỹ bài thơ trong nhật ký với câu “Quê mình Nam Triệu, Đồ Sơn”, ông Nhân đoán LS Hùng quê Hải Phòng.

Tra cứu thông tin nhiều nơi, cuối cùng ông Nhân tìm được người thân của LS Hùng và trao lại. “Cuốn nhật ký anh Hùng còn đây, nhưng hài cốt của anh giờ vẫn chưa tìm được dù đã tìm kiếm khắp nơi và cả lấy mẫu đem thử ADN. Gia đình rất mong tìm được mộ anh. Như thế mới an lòng”, ông Lưu Mạnh Dũng bùi ngùi tâm sự.

Ông Lưu Mạnh Dũng, em trai liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng, cẩn thận mở từng trang nhật ký của người anh. ẢNH: QUANG VIÊN.

Chúng tôi đến Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, vì ở đây lưu giữ bức thư tiên tri của  liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Anh Huỳnh quê Thái Bình, vào chiến đấu tại Quảng Trị. Lá thư còn nằm trong ba lô anh chưa kịp gửi về cho vợ trước khi hy sinh có đoạn: “Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh…”.

Điều lạ lùng, anh Huỳnh nói luôn nơi mình ngã xuống và chỉ đường cho vợ sau này tìm hài cốt: “Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau (…), đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh (…). Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn”.

Sau này, gia đình theo chỉ dẫn của lá thư đi tìm hài cốt thì ngôi mộ  liệt sĩ Huỳnh chỉ lệch một chút. Mộ nằm ở thôn Thượng Phước, kế cận Nhan Biều 1.

(còn tiếp) 

Chiếc gùi kỷ vật

Chiếc gùi của  liệt sĩ Đinh Thành Chiếu (quê Vân Trình, Nho Quan, Ninh Bình) cũng trở thành kỷ vật thiêng liêng. Khi tham gia mở đường Trường Sơn, anh Chiếu hy sinh. Cùng với giấy báo tử đơn vị gửi về, gia đình còn nhận một cái gùi. Từ đó, gia đình anh luôn đặt chiếc gùi lên bàn thờ. Đến ngày giỗ, người thân lại thắp nhang và xoa lên chiếc gùi để tưởng nhớ.

Quang Viên

Nguồn tin: Báo Thanh niên

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More