Print Thứ Tư, 21/12/2022 12:15 Gốc

Sáng 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Cùng dự Hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan.

Về phía lãnh đạo thành phố Hải Phòng có đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, khi đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã có quyết định đúng đắn là mở cửa nền kinh tế sớm so với một số nước. Ngay sau đó là quyết định mở cửa thể thao, du lịch, trường học vào tháng 3/2022. Đến nay, có thể khẳng định, những quyết định trên là đúng đắn, việc mở cửa đã mang lại hiệu quả ở nhiều lĩnh vực. Song việc mở cửa du lịch vẫn chưa như mong muốn, nhất là đối với việc thu hút khách du lịch quốc tế.

Thủ tướng đề nghị, tại Hội nghị này, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia phân tích nguyên nhân, trách nhiệm trong thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Trong đó, cần xem xét tính đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch; tính đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng du lịch; tầm mức truyền thông, quảng bá du lịch; xem xét việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch… Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; có kế sách, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam bền vững, lâu dài, lấy văn hóa làm nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch, trước mắt là vào mùa Xuân 2023 và tạo đột phá về du lịch trong năm 2023.

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng, chủ trì Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng.

Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thông tin tổng quan về tình hình đón khách du lịch quốc tế. Đồng chí cho biết: Ngay sau khi mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt khách và lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4/2022 đã bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu khách quốc tế (tăng 21,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19), trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm gần 90%, đường bộ chiếm gần 10%, đường biển chiếm 0,02% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong số 2,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đầu năm 2022 thì có 2,7 triệu khách quốc tế đến Việt Nam là khách du lịch (chiếm 93,1%). Năm 2022, ước lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022, trong khi đó khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Kết quả hoạt động du lịch trong 10 tháng vừa qua đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam được nhân dân trong nước hưởng ứng, quốc tế ghi nhận, khẳng định nhu cầu du lịch ở mức cao và xu thế hội nhập, phát triển của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế (cao điểm đón khách du lịch quốc tế thường từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm); xung đột Nga-Ukraina đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam-Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại với biến chủng mới khiến một số thị trường lớn chững lại. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ‘‘Zero COVID’’ và đến nay vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế. Mặt khác, một số doanh nghiệp du lịch nhận định xu hướng chọn điểm đến của khách Âu có thay đổi, sau 2 năm dịch COVID-19, chọn những điểm đến gần thay vì tới thị trường xa như Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng triển khai chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam. Nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả. Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế chưa được triển khai.

Quang cảnh điểm cầu thành phố Hải Phòng.

Ngành Du lịch Hải Phòng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới

Tại thành phố Hải Phòng, sau khi Chính phủ mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch vào ngày 15/3/2022, ngành Du lịch thành phố Hải Phòng đã rất chủ động chuẩn bị và triển khai các hoạt động kết nối phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, tổ chức phục vụ đón khách du lịch cả nội địa, quốc tế với nguyên tắc đảm bảo an toàn, chất lượng dịch vụ và đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng. Đến hết năm 2022, Du lịch Hải Phòng ước đón và phục vụ được 7 triệu lượt khách, tăng 89% so với cùng kỳ (vượt 55% kế hoạch năm 2022), trong đó khách quốc tế ước đạt là 610.000 lượt. Doanh thu ước đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ 2021. Số doanh nghiệp lữ hành trở lại hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại, với 41 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 46 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Sau đại dịch, 95% cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố đã hoạt động trở lại, đạt trên 40% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 70%, nhất là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn như Cát Bà và Đồ Sơn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Những kết quả đạt được là do chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, phục hồi ngành du lịch của Thành phố đã có hiệu quả. Sau đỉnh dịch, thành phố đã dần thực hiện chính sách nới lỏng giãn cách cũng như giảm bớt các thủ tục phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nội địa. Ngoài ra, sự năng động, sáng tạo của ngành Du lịch thành phố và của các doanh nghiệp du lịch trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới cũng là đòn bẩy giúp du lịch nội địa Hải Phòng tăng trưởng trở lại. Đặc biệt là sản phẩm “Foodtour Hải Phòng” đã trở thành trào lưu bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội, sản phẩm yêu thích của du khách, nhất là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Lượng hành khách di chuyển qua đường sắt Hà Nội-Hải Phòng trong 10 tháng/2022 là 552.000 người, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ. Tính riêng từ tháng 4 đến tháng 10, lượng hành khách tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Lượng khách đi tàu vào các ngày cuối tuần, ngày lễ bình quân đạt trên 4.000 khách/ngày. Mặc dù vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Hải Phòng trong năm 2022 vẫn còn hạn chế so với trước đại dịch do chính sách phòng chống dịch, mở cửa du lịch của các nước khác nhau; việc kết nối thị trường của các doanh nghiệp sau dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, doanh nghiệp đã phát biểu ý kiến, nêu lên những khó khăn, thuận lợi, đề xuất Chính phủ tháo gỡ để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Hồng Nhung

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thảo luận các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác