Print Thứ Hai, 24/07/2023 16:10 Gốc

Chiều 24/7, Sở Y tế Hải Phòng tổ chức Hội thảo chuyên đề về Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phan Huy Thục chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Thục ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của ngành Dân số trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng lựa chọn giới tính gây mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì vậy Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của MCBGTKS. Thông qua Hội thảo, Sở Y tế mong muốn nhận được các ý kiến đề xuất, đóng góp các giải pháp từ các Sở, ban, ngành thành phố và các đơn vị trong ngành Y tế, để tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp phấn đấu đạt mục tiêu về tỷ số giới tính khi sinh đến năm 2030 đã đề ra.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phan Huy Thục phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Vũ Thị Bích Hạnh, thông tin về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam và thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2022.

Hải Phòng là Đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương có 15 quận, huyện và 217 xã, phường, thị trấn. Tính đến tháng 6/2023, dân số trung bình của thành phố là 2.128.744 người. Là 1 trong 9 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt mức sinh thay thế nhưng thành phố nhiều năm liền nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước, thành phố đang trong tình trạng MCBGTKS.

Tại Hải Phòng, năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh có giảm nhưng vẫn ở mức cao (110,31 bé trai/100 bé gái).Tỷ số giới tính khi sinh của thành phố diễn biến phức tạp, tỷ số này cao ngay từ lần sinh đầu tiên và cao nhất ở lần sinh thứ ba trở lên (tỷ số giới tính khi sinh ở lần sinh thứ ba là 121,88/100). 14/15 quận, huyện đều xảy ra tình trạng MCBGTKS, mặc dù trong những năm gần đây tỷ số này đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao và chưa mang tính bền vững. Tỷ số giới tính khi sinh tỷ lệ thuận với trình độ hiểu biết của người mẹ và điều kiện kinh tế của các gia đình; nhiều gia đình khá giả, có điều kiện, một số cán bộ đảng viên vẫn vi phạm sinh con thứ ba trở lên (lựa chọn giới tính khi sinh ở lần sinh thứ 3 trở lên). MCBGTKS hiện vẫn đang là thách thức lớn đặt ra đối với đất nước và thành phố.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Hệ lụy của MCBGTKS gây ra đó là dự báo trong 20-30 năm nữa 2,3-4,3 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn sẽ khó lấy vợ hoặc lấy vợ muộn. Sự “khủng hoảng về hôn nhân” này có thể để lại một loạt hậu quả cả về mặt nhân khẩu học và mặt xã hội, những thay đổi trong hôn nhân và gia đình. Nhiều nam giới, phụ nữ sẽ bị “giành giật” và có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Bên cạnh đó là sự quan ngại về bạo hành giới, buôn bán phụ nữ, cơ sở mại dâm có thể gia tăng để phục vụ cho nhu cầu tình dục khi mà xã hội có nhiều nam giới độc thân. Tình trạng khan hiếm phụ nữ sẽ làm thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề như: Giáo viên mầm non, tiểu học; hộ lý; y tá… cản trở việc nâng cao địa vị của họ trong xã hội…

Hội thảo nhấn mạnh vấn đề làm thế nào để kiểm soát MCBGTKS để sau 20-30 năm nữa các thế hệ con, cháu chúng ta không phải gánh chịu những hậu quả, hệ lụy từ việc MCBGTKS hiện nay và đặc biệt để phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Phạm Thị Thúy Hải đóng góp ý kiến.

Tại Hội thảo, sau khi nghe đồng chí Vũ Thị Bích Hạnh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thông tin về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam và thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2022; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể đóng góp ý kiến về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên chức lao động thành phố về bình đẳng giới; các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu MCBGTKS; vai trò của nam giới trong việc chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nuôi dạy và chăm sóc con cái, bảo vệ hạnh phúc gia đình; công tác kiểm tra các phòng khám siêu âm sản phụ khoa về việc chấp hành các quy định của pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi… đề xuất một số giải pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm giảm thiệu tình trạng MCBGTKS trên địa bàn thành phố.

Hồng Nhung

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thảo luận các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại thành phố Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác