Print Thứ bảy, 26/01/2019 19:49

Đó là thông tin Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết trong buổi làm việc với Đoàn liên ngành giám sát việc thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp do đồng chí Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam làm Trưởng Đoàn đến làm việc tại thành phố Hải Phòng từ ngày 30 -31/7/2018.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết, trong những năm qua, UBND thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc trong công tác thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về Bảo hiểm đến từng tầng lớp dân cư. UBND thành phố đã tích cực chỉ đạo Bảo hiểm xã hội thành phố và các Sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam phát biểu tại buổi làm việc

Tính riêng năm 2017, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng đã chủ động, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Thanh tra thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp tại 332 đơn vị sử dụng lao động. Tại thời điểm thanh tra, kiểm tra, các đơn vị sử dụng lao động nợ Bảo hiểm với số tiền trên 166 tỉ đồng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội cho 902 lao động. Qua thanh tra kiểm tra, đã thu hồi được số tiền nợ là 87,03 tỉ đồng (đạt 52,35% số nợ), lập danh sách đóng Bảo hiểm xã hội cho 43 lao động (số lao động còn lại do tự nghỉ việc hoặc đơn vị cho nghỉ việc).

Năm 2018, tính đến thời điểm hiện tại, đã thực hiện thanh tra kiểm tra tại 83 đơn vị sử dụng lao động nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 504,58 tỉ đồng, trốn đóng cho 1.149 lao động. Trong và sau kiểm tra, các đơn vị sử dụng lao động đã nộp số nợ là 141,01 tỉ đồng (đạt 68,93% số nợ); lập danh sách đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho 598 lao động, xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 đơn vị với số tiền 183,6 triệu đồng.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đã thường xuyên, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng Bảo hiểm xã hội thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Qua đó, việc thực hiện chính sách Bảo hiểm trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả khả quan. Tính đến ngày 30/6/2018, số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là 9.952 đơn vị với số lao động tham gia là 352.306 người, chiếm tỉ lệ 30,87% so với lực lượng lao động. Số người tham gia Bảo hiểm y tế là 1.672.913 người, chiếm tỷ lệ 83,6% dân số toàn thành phố. Hải Phòng đã triển khai nhiều biện pháp để giảm số nợ Bảo hiểm qua các năm, đều dưới mức tỉ lệ cho phép của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố còn một số tồn tại, hạn chế như: còn tình trạng nhiều đơn vị nợ đọng số tiền lớn, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, chiếm dụng tiền đóng Bảo hiểm xã hội của người lao động.

Để thực hiện tốt chính sách pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, UBND thành phố đề xuất kiến nghị Đoàn Giám sát có ý kiến với Trung ương một số nội dung sau: một là, kiến nghị với Chính phủ có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi, giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động tại các đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn; có quy định về quản lý nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Hai là, đề nghị với Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… cần tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật An toàn Vệ sinh lao động tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề chậm đóng, nợ đóng và trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp.

Ba là, đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phối hợp chặt chẽ với ngành Bảo hiểm xã hội trong việc quản lý đối tượng thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là gia tăng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01/01/2018 theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (thêm đối tượng ký hợp đồng lao động từ 1-3 tháng và đối tượng là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam). Sớm có hướng dẫn thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người nước ngoài.

Bốn là, đề nghị các Bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ chỉ đạo và có giải pháp đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn Vinashin, Vinalines hết thời gian được khoanh nợ (từ 2012-2017) có số nợ lớn không có khả năng thu hồi, đến nay chưa có hướng giải quyết cụ thể.

Năm là, đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế triển khai xây dựng phần mềm liên thông quản lý dữ liệu đơn vị sử dụng lao động và lao động.


Đồng chí Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố làm rõ nội dung liên quan đến chức năng thanh tra thu bảo hiểm xã hội và việc phối hợp giữa thanh tra thu với thanh tra ngành lao động; số nợ của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vinashin đã được khoanh nợ, đến nay đã hết thời hạn khoanh nợ, nhưng vẫn tiếp tục khó khăn, thành phố có đề xuất khoanh nợ nữa hay không; nêu những khó khăn vướng mắc trong công tác thanh tra lĩnh vực bảo hiểm xã hội; tăng cường hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp có vốn nước ngoài thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội…

Sau khi nghe các Sở, ngành chức năng của thành phố giải trình, Trưởng đoàn giám sát Mai Đức Chính đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đưa việc tham gia bảo hiểm xã hội là một trong những chỉ tiêu phấn đấu của thành phố. Bảo hiểm xã hội thành phố đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác bảo hiểm xã hội với nhiều cơ quan, nội dung thực hiện đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên số đơn vị chậm nộp trên 3 tháng chiếm khoảng 10% với tổng số nợ là 543 tỷ đồng, cao so với cả nước (tuy nhiên trong đó bao gồm cả số nợ của Tập đoàn Vinashin); công tác thanh tra có nhiều cố gắng, tuy nhiên số tiền xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe. Đồng chí Mai Đức Chính đề nghị trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo của Đảng, nhà nước về pháp luật Bảo hiểm xã hội; tuyên truyền sâu rộng hơn; công tác phối hợp giữa các ngành cần có hiệu quả hơn.

Đồng chí cho biết, pháp luật quy định từ 1/8/2018, các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội lớn, cố tình chây ì, đề nghị các cơ quan chức năng như Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Lao động, Bảo hiểm xã hội thành phố… phối hợp đưa ra khởi tố hình sự, tạo sức răn đe cho các doanh nghiệp. Đề nghị thành phố đề xuất cách quản lý nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vinashin để đảm bảo quyền lợi của người lao động mà doanh nghiệp có khả năng thực hiện.

V.H.N – Cổng TTĐT thành phố 01/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thanh tra, kiểm tra góp phần thu hồi nợ bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì nợ đọng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác