Print Thứ Bảy, 26/01/2019 19:13

Xu hướng thanh toán trực tuyến  không dùng tiền  mặt đang phát triển mạnh mẽ bởi nhiều tiện tích đem lại với người dùng. Song, để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt, ngoài việc thay đổi thói quen của người dân trong thanh toán, cần sự chủ động của các ngân hàng, doanh nghiệp, cơ quan để tạo ra nhiều tiện ích cho  khách hàng. 

 

Nhiều tiện lợi, nhanh chóng

Chị Đào Minh Châu, nhân viên doanh nghiệp vận tải tại quận Hải An chia sẻ, trước đây thi thoảng khi mua hàng tại siêu thị, chị thanh toán bằng thẻ ATM qua máy POS (thiết bị chấp nhận thẻ). Khi đó, chị còn e ngại về vấn đề bảo mật của hình thức thanh toán này. Nhưng hiện nay, chị Minh Châu thấy thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng, nhiều tiện lợi. Do tính chất công việc, vợ chồng anh chị thường về nhà muộn. Hằng tháng, chị Minh Châu phải gửi tiền, nhờ hàng xóm đóng hộ các khoản tiền điện, nước, dịch vụ cáp truyền hình, internet, điện thoại… Nay, chị quyết định đăng ký dịch vụ thanh toán trực tuyến với ngân hàng. Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên  điện thoại hoặc trên máy tính có kết nối mạng internet, chị Minh Châu có thể chủ động thanh toán các khoản dịch vụ trên mà không thấp thỏm lo quá hạn như trước. Chị Minh Châu cho biết thêm, giữa ngân hàng và nhiều doanh nghiệp còn liên kết nhiều hình thức ưu đãi, giảm giá nếu khách hàng thanh toán trực tuyến bằng cách quét mã QR. Như mới đây, chị mua hàng tại cửa hàng thời trang, gia dụng Tokyo Life trên phố Trần Phú (quận Ngô Quyền), chị được giảm giá 10% trên tổng số hóa đơn thanh toán. Số tiền chị được giảm thêm so với chương trình khuyến mại của cửa hàng lên tới cả trăm nghìn đồng.

 

Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp ưu đãi khách hàng thanh toán trực tuyến qua mã QR.

Còn bạn Nguyễn Nhật Minh, sinh viên năm thứ ba Trường đại học Hàng hải Việt Nam khá quen sử dụng ví điện tử Momo để thanh toán khi đi xem phim, nạp thẻ điện thoại  hoặc cả khi đi uống cà phê với  bạn bè. Thay vì phải xếp hàng dài chờ mua vé xem phim, Minh chủ động đặt mua vé qua mạng, thanh toán qua ví điện tử rất tiện lợi, nhanh chóng. Thậm chí, mua vé xem phim thanh toán qua ví điện tử còn được khuyến mại, giá giảm so với việc mua vé trực tiếp.

Đa dạng, tiện ích, nhiều ưu đãi, song anh Nguyễn Đức Toàn, ở phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) cho rằng, hình thức thanh toán trực tuyến với các dịch vụ công còn hạn chế. Đơn cử, hằng tháng anh vẫn phải xếp hàng, đóng tiền học phí cho con tại trường mầm non. Có lần anh vi phạm giao thông vẫn phải đến trực tiếp Kho bạc nhà nước để nộp phạt, rồi quay lại trụ sở cơ quan công an để hoàn tất thủ tục xử lý, mất nhiều công sức, thời gian đi lại. Hay khi anh phải thanh toán viện phí tại bệnh viện cũng phải xin nghỉ làm mới có thể hoàn tất.

Tăng cường thanh toán dịch vụ công trực tuyến

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt” tổ chức tháng 1-2019, hiện có  gần 80 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua internet, hơn 40 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Ngoài ra, 16 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán mã QR, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán mã QR. Bên cạnh đó, ví điện tử được cấp phép giúp người dân có thêm lựa chọn khi thực hiện các giao dịch và thanh toán trực tuyến. Giá trị giao dịch qua ví điện tử ngày càng tăng cao. Với xu hướng phát triển nhanh, các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông cũng bắt đầu triển khai thêm dịch vụ này. Đơn cử, năm 2018, Tập đoàn Viettel đưa ra ứng dụng ViettelPay, được coi như ngân hàng số. Khách hàng có thể sử dụng điện thoại, thao tác đơn giản để thực hiện nhu cầu chuyển tiền liên ngân hàng, qua số điện thoại, chuyển tiền tận tay tại nhà kể cả ở vùng sâu, vùng xa… Ngoài ra, dịch vụ ViettelPay đáp ứng các hoạt động thanh toán khác như thanh toán hóa đơn, thanh toán tín dụng, thanh toán cước viễn thông, đặt vé máy bay, tàu hỏa, thanh toán tại các điểm thanh toán có chấp nhận mã QR.

Nghị quyết 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1-1-2019 với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính, nghiên cứu việc nạp tiền vào ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng. Để triển khai thực hiện hiệu quả cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8-1-2019, yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử… Cùng với đó, từ năm 2019, các ngân  hàng bắt đầu triển khai lộ trình chuyển đổi thẻ ATM từ thẻ từ  sang thẻ chip. Đây là cơ sở để tăng tính an toàn, bảo mật, gia tăng tiện ích của chủ thẻ trong việc thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, hiện nay, việc thanh toán trực tuyến các dịch vụ công như nộp thuế, điện, nước, học phí, viện phí… còn hạn chế. Do đó, ngoài những nỗ lực của ngân hàng, các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội, bệnh viện… vấn đề cấp thiết là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân khi thanh toán đối với các dịch vụ công. Từ đó phát huy hiệu quả cao  việc thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, tiết giảm chi phí quản lý, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hoàng Minh – Báo Hải Phòng  22/01/2019

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt:  Đa dạng, nhiều tiện lợi với khách hàng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác