Dự và chủ trì tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo các sở ngành thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mục đích của cuộc họp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước. Rà soát lại công tác phân bổ vốn, tiến độ giải quyết những công trình trọng điểm, giải phóng mặt bằng. Hiện nay nhiều bộ ngành, địa phương tiến độ giải ngân còn quá chậm, do vậy các bộ, ngành cần tập trung rà soát, kiểm điểm lại những phần việc đã làm để xem tiến độ công việc cần phải tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc ở đâu để có giải pháp tháo gỡ kịp thời… Tinh thần Hội nghị “rất thẳng thắn, chân tình chứ không phải xuê xoa, dễ dãi, phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, các ngành, địa phương, nếu không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn”.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Kế hoạch năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội khóa XIV thông qua là 470.600 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến hết ngày 31/7 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân đến 31/8 là 221.769 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39% kế hoạch). Trong đó vốn ngân sách trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự đốn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực. Có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%; 29 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Trong đó có 15 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nêu ra những nguyên nhân của việc chậm giải ngân như: Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương chưa sát với thực tế, khả năng giao vốn và khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Phương thức giải ngân vốn đầu tư công khác cơ bản so với giải ngân vốn thường xuyên, phải có khối lượng lớn mới có thể làm thủ tục thanh toán với kho bạc nhà nước, không thường xuyên, định kỳ như chi thường xuyên. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, đây chính là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; người dân chưa đồng thuận về chính sách đền bù; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu… còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên xuất hiện thêm nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo tại điểm cầu Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết: Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công cho Hải Phòng là 8.073,52 tỷ đồng, HĐND thành phố giao kế hoạch đầu tư công tà 12.407,863 tỷ đồng. Đến hết tháng 7, Kho bạc Nhà nước Hải Phòng đã giải ngân 4.355,817 tỷ đồng, bằng 53,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 35,1% kế hoạch HĐND thành phố giao. Ước đến hết ngày 31/8, Hải Phòng giải ngân 5.853,519 tỷ đồng, bằng 63,83% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 47,17% kế hoạch HĐND thành phố giao… Như vậy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tương đương với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công so với cùng kỳ năm 2019 nhưng năm 2020 có số tuyệt đối lớn hơn khoảng 15% so với năm 2019. Hải Phòng là địa phương tự cân đối ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư như vậy là sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cũng kiến nghị và đề xuất Chính phủ không thu hồi nguồn vốn trung ương đã cấp cho Hải Phòng năm 2019 là gần 475 tỷ đồng và cho phép tiếp tục giải ngân số vốn trên đến hết ngày 31/12/2020. Đồng thời đề nghị các bộ ngành trung ương quan tâm, hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư một số dự án nhóm A đang trình các bộ ban ngành để thành phố sớm khởi công xây dựng các công trình trên. Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương quan tâm, sớm phê duyệt, điều chỉnh thời gian thực hiện trong quyết định chủ trương đầu tư Dự án “phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng” để thành phố sớm giải ngân và hoàn thiện dự án. Để góp phần vào sự phát triển của đất nước, thành phố Hải Phòng quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020.
Nguyễn Hải
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More