Thanh niên xung phong nơi đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ

Sau 8 tiếng lênh đênh trên biển, tôi đặt chân đến Bạch Long Vỹ. Đứng ở mũi tàu từ xa đã thấy âu cảng Bạch Long Vỹ được xây dựng từ năm 1995; nơi neo đậu của hàng trăm tàu cá từ khắp mọi miền Tổ quốc vào đây giao thương, tránh bão…

Để đến đảo có thể đi bằng tàu Bạch Long của Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng, tàu hàng hoặc tàu cá của ngư dân. Nhưng cả ba loại tàu này sẽ “chịu chết” nếu gặp hôm gió to sóng lớn. Lúc đó chỉ có tàu chiến của hải quân hoặc cảnh sát biển mới ra khơi được.

Rất may mắn lần này tôi được đi tàu Bạch Long, đây là tàu đi nhanh nhất ra đảo cho tới thời điểm hiện tại. Cùng chuyến có gần 20 đoàn viên thanh niên của Trường Trung cấp chính trị thành phố Hải Phòng và anh Nguyễn Công Diễn – Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng, một trong số những đoàn viên đầu tiên tới đảo Bạch Long Vỹ cách đây 26 năm.

Nhắc lại những ngày đó, anh Diễn không giấu nổi sự xúc động về ý chí quật cường của 60 đoàn viên, của lực lượng Biên phòng đóng trên đảo hồi ấy. Năm 1993, theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn TNCS, 60 đoàn viên lên tàu ra đảo làm công tác dân sự hoá và phát triển kinh tế đảo Bạch Long Vỹ.

Đoàn gồm 40 đoàn viên nữ và 20 đoàn viên nam lên tàu hải quân chạy tổng cộng 48 tiếng mới đặt chân tới đảo. Trải nghiệm duy nhất, đáng nhớ nhất lúc đó là say sóng, trong đoàn chỉ một số ít người được đi tàu biển nên ra khơi gặp sóng lớn làm ai cũng say đứ đừ.

Thanh niên xung phong là lực lượng nòng cốt trong công tác dân sự hoá đảo Bạch Long Vỹ.

Được thành lập từ năm 1992 nhưng phải 6 năm sau, đảo Bạch Long Vỹ mới có chút khởi sắc, bắt đầu là việc hoàn thành âu cảng Bạch Long Vỹ vào năm 1998 làm nơi trú ngụ, neo đậu của tàu thuyền ngư dân từ khắp mọi miền Tổ quốc làm cuộc sống của đảo cũng nhộn nhịp hơn trước rất nhiều. Vào thời điểm 60 đoàn viên kia đặt chân lên đây thì nơi đây vẫn như một hoang đảo.

Anh Diễn kể lại, những ngày đầu trên đảo quả thực là ấn tượng không bao giờ quên. Công việc đầu tiên mà anh cùng các đoàn viên khác làm là đi dọn từng ngóc ngách trên đảo, rồi khi có mặt bằng, họ lại tự tay làm nhà, đổ đất trồng rau, xây dựng nhà cửa mà hiện nay vẫn còn sử dụng trên đảo. Từng bao xi măng, từng viên gạch cũng do họ vận chuyển từ đất liền ra… Suốt hơn 20 năm qua, rất nhiều lượt thanh niên xung phong đã ra Bạch Long Vỹ làm đảo thêm xanh, thêm sạch.

Là lực lượng nòng cốt trong công tác dân sự hoá đảo Bạch Long Vỹ, thanh niên xung phong còn tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng, sát cánh cùng Biên phòng, Công an và cho đến nay, đã có 2 trung đội dân quân tự vệ nguyên là thanh niên xung phong được thành lập.

Không dừng lại ở đó, với tinh thần không ngại gian khó của người đoàn viên, lực lượng thanh niên xung phong đã trực tiếp xây dựng mạng lưới điện gió phục vụ người dân trên đảo, họ còn  đảm nhiệm cả việc dọn dẹp rác thải, chăm sóc cây xanh trên đảo…

Phong trào mỗi người lên đảo mang về một túi rác thải cho đến nay vẫn được đông đảo đoàn viên, các đoàn công tác lên đảo tham gia.

Hơn 20 năm thanh xuân dành cho Bạch Long Vỹ, anh Diễn không nhớ bao nhiều lần mình đã ra đảo đột xuất. Anh cùng các đoàn viên khác đã không quản ngại vất vả, có khi mùng 1 Tết cũng phải sắp xếp ra đưa người bệnh về hoặc giải quyết việc trên đảo. Những ngày nhẽ ra dành cho gia đình thì anh lại dành cho hòn đảo tiền tiêu này.

Anh Diễn kể, có những ngày gió lớn sóng to nhưng trên đảo báo về cần đưa người về chữa bệnh, về đẻ, anh cùng anh em lại gác việc và lên thuyền ngư dân ra đảo; nằm trên thuyền mà như đi đánh vật, thuyền lắc “quật” mọi người từ mạn trái xong lại trả sang phải.

Lên đến đảo người nào cũng đau như bị đánh, thế nhưng nhìn người dân trên đảo, các anh lại có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ với bà con và với Tổ quốc. Bằng mọi cách phải đảm bảo cuộc sống ấm no, ổn định cho bà con ở đây.

Gian khổ, hy sinh là thế nhưng chưa bao giờ có ai kêu than, đòi về mà ngược lại vất vả khó khăn càng làm ý chí người đoàn viên thêm sắt đá. Nhìn những hàng cây xanh rờn, chim chóc hót líu lo mỗi sáng sớm, những thanh niên xung phong bây giờ lại càng có thêm động lực cống hiến cho sự bình yên của Bạch Long Vỹ.

Có lẽ, khí hậu biển đảo cũng tôi luyện nên tính cách người đoàn viên nơi đây, họ kiên cường đến mức khó tin, ai cũng có làn da nâu bóng vì nắng, từ cách ăn nói, đi lại cũng toát lên cái phóng khoáng, hùng dũng của biển cả. Tôi thật sự khâm phục những đoàn viên đang bám trụ tại Bạch Long Vỹ. Họ đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để xây dựng đảo tiền tiêu của Tổ quốc, họ tự gánh lên vai trách nhiệm đó mà không hề oán than vì họ coi đó là trách nhiệm, là vinh hạnh được đóng góp một phần nhỏ vào việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ Tổ quốc.

Thế nhưng, vì đặc thù biển đảo và khí hậu nên cuộc sống của các đoàn viên nói riêng và cả toàn bộ đảo nói chung không tránh khỏi những khó khăn, vất vả.

Chẳng nơi đâu thay xe máy nhiều như ở Bạch Long Vỹ vì không có cái nào trụ quá được 3 năm. Khí hậu ẩm mặn ở đây khiến mọi đồ sắt đều bị gỉ sét trầm trọng, từ xe máy đến tivi, cửa… Cứ vài ba năm lại thay những trang thiết bị này một lần, hoặc tự mang về trong bờ sửa chữa, còn nếu không kịp thì đành bán sắt vụn cho lái buôn với giá như cho.

Trụ sở Đội Thanh niên xung phong đảo Bạch Long Vỹ nằm trên một con đồi thấp, gồm ba dãy nhà 2 tầng là trụ sở hành chính, nhà ăn và nhà khách, nhưng sau nhiều năm hoạt động và khí hậu ẩm mặn ở đây cũng làm cho những căn nhà này xuống cấp, đây là điều không thể tránh khỏi và là tình trạng chung trên đảo.

Nhưng để sửa chữa hoặc xây mới thì còn khó gấp nhiều lần. Chỉ riêng công vận chuyển vật liệu ra ngoài này cũng là một kỳ công. Có khi vật liệu thì sẵn nhưng lại không có tàu, chất lên tàu rồi mà sóng lớn tàu không đi được thì tốn tiền cho tàu chờ… Quả thực để làm bất cứ việc gì trên đảo cũng thấy khó bởi khoảng cách địa lý, bởi thời tiết…

Tính ra nếu xây được một căn nhà cấp 4 trên đảo cũng đắt gấp 3 lần so với xây trong đất liền. Khó khăn nào cũng vượt qua nhưng thiếu nước ngọt thì đúng là khổ nhất. Trên đảo chỉ có hai giếng khoan, nhưng vào mùa khô thì cũng không đủ cho mọi người sử dụng. Anh Diễn cũng cho biết, hiện nay trên đảo đang xây dựng một hồ chứa nước mưa với dung tích 60.000 mét khối sẽ đủ để phục vụ cuộc sống của người dân trên đảo.

Bây giờ, cuộc sống trên đảo đã ổn định, mọi ngành nghề dịch vụ đã phát triển hơn trước rất nhiều mặc dù còn nhiều khó khăn về vật chất, đời sống tinh thần nhưng với truyền thống tự lực, tự cường không quản ngại gian khổ, mọi đoàn viên thanh niên xung phong đều xác định rõ tư tưởng cống hiến hết mình vì biển đảo Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của người dân ở đây.

Mong muốn duy nhất của anh Diễn cũng như của các đoàn viên trên đảo là làm thế nào tuyên truyền rộng rãi về đảo Bạch Long Vỹ tới người dân, để họ hiểu, cùng chung tay góp sức xây dựng đảo ngày một bền vững hơn.

Phong Sơn

Nguồn: Báo CAND

Nguồn tin: Báo CAND

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More