Print Thứ tư, 04/12/2024 22:05 Gốc

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1511/QĐ-TTg, ngày 04/12/2024 về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng.

Theo Quyết định, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng là khu kinh tế ven biển có quy mô diện tích 20.000ha (trong đó khoảng 2.909ha là đất lấn biển), nằm ở khu vực phía Đông Nam của thành phố Hải Phòng; có toạ độ địa lý từ 20°35’50” đến 20°45’35” vĩ độ Bắc và từ 106°32’8″ đến 106°49’15” độ kinh Đông, bao gồm địa bàn các huyện như sau:

Huyện Kiến Thụy: Toàn bộ xã Đoàn Xá, Tân Trào, một phần xã Đại Hợp, Tú Sơn, Kiến Quốc, Kiến Hưng, Ngũ Phúc.

Huyện An Lão: Một phần xã An Thọ, Chiến Thắng.

Huyện Tiên Lãng: Toàn bộ xã Vinh Quang (sáp nhập từ 2 xã Vinh Quang và Tiên Hưng), Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng, một phần xã Tiên Thắng, Tiên Minh.

Huyện Vĩnh Bảo: Toàn bộ xã Trấn Dương, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Cổ Am.

Quận Đồ Sơn: Một phần phường Bàng La.

Phối cảnh Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có các khu chức năng phù hợp với mục tiêu phát triển của khu kinh tế. Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng: Khai thác tối đa lợi thế về vị trí cửa ngõ quốc tế, nền tảng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận và quốc tế; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội.

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics hiện đại; là động lực tăng trưởng kinh tế chủ đạo của thành phố Hải Phòng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, trong đó có khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới; là trung tâm kinh tế biển có vai trò tiên phong, có chức năng tương hỗ, kết nối với các khu kinh tế ven biển khác, tạo động lực phát triển cho vùng đồng bằng sông Hồng. Tạo việc làm, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hoạt động, cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý đối với Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế, pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật có liên quan.

Theo lộ trình và kế hoạch phát triển, Giai đoạn đến năm 2025: Tổ chức lập quy hoạch chung Khu kinh tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế; đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn 2026-2030: Triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế; các dự án cảng Nam Đồ Sơn, các dự án phát triển đô thị, các dự án hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án giao thông đường bộ, nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội khác. Giai đoạn sau năm 2030: Triển khai các hạng mục đầu tư còn lại.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình liên quan đến Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; tiếp thu đầy đủ ý kiến các Bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế. Chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất trong Khu kinh tế phù hợp với 06 chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho thành phố Hải Phòng tại các Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022, số 227/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2024 và các Quyết định điều chỉnh (nếu có). Đảm bảo tính khả thi của phương án huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xây dựng danh mục cụ thể các dự án ưu tiên đầu tư, đặc biệt các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong Khu kinh tế, giao thông kết nối trong và ngoài Khu kinh tế. Đảm bảo hiệu quả-kinh tế xã hội của Khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững thông qua giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chuyển đổi việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể hóa các giải pháp, chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong phương án bố trí không gian phát triển của Khu kinh tế; thực hiện cam kết trồng rừng thay thế, đảm bảo tính đa dạng và hệ sinh thái rừng ngập mặn; giám sát chặt chẽ việc lấn biển, hoạt động đầu tư xây dựng, xả thải vào môi trường trong Khu kinh tế theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường biển.

Tổ chức lập quy hoạch chung Khu kinh tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, đảm bảo kế thừa các quy hoạch đang triển khai thực hiện; bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở, các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu đô thị; không ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, văn hóa và hoạt động tôn giáo của người dân.

Thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng các khu chức năng, các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khu tái định cư, nhà ở xã hội theo quy hoạch chung Khu kinh tế được phê duyệt; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư hình thành cụm liên kết ngành, các ngành sản xuất có quy mô lớn; đảm bảo nguồn nhân lực và điện để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong Khu kinh tế, tạo sự liên kết vùng, liên kết các Khu kinh tế trong khu vực duyên hải Bắc Bộ. Thực hiện các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh trong Khu kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, phối hợp, hỗ trợ UBND thành phố Hải Phòng trong việc thực hiện Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 35/2022NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan. Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý giám sát, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, các nguyên tắc, quy định pháp luật về hoạt động lấn biển, tuân thủ quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai và các chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất quốc gia đã phân bổ cho thành phố Hải Phòng.

Hoàng Tùng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng có quy mô diện tích 20.000ha
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác