Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:04

Tháng hành động vì trẻ em thành phố Hải Phòng năm 2018 vừa được UBND thành phố phát động với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện tốt hơn quyền trẻ em và đảm bảo cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ trong thế giới công nghệ số; thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”. Phóng viên Cổng Tin tức Hải Phòng có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng xung quanh chủ đề này.


PV: Đồng chí cho biết quan điểm về công nghệ số trong cuộc sống hiện nay?

Đ/C Vũ Đại Thắng: Trước hết, tôi xin trao đổi làm rõ công nghệ số là gì và những lợi ích mang lại của công nghệ số. Thực tế, chưa có khái niệm thống nhất nào về công nghệ số, chúng ta có thể hiểu công nghệ số là công nghệ tạo ra sản phẩm thuộc lĩnh vực Viễn thông và CNTT nhằm đáp ứng các nhu cầu về nghe, nhìn, trao đổi thông tin dưới dạng kỹ thuật số và có ở nhiều lĩnh vực như: tra cứu, trao đổi  thông tin, giáo dục trực tuyến, thư viện số, trò chơi trực tuyến, mua, bán trực tuyến.v.v


Đồng chí Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng

PV: Theo đồng chí, công nghệ số đang tác động như thế nào đến trẻ em hiện nay?

Đ/C Vũ Đại Thắng:Theo báo cáo của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) thì cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 1 người là trẻ em. Tại Việt Nam, qua số liệu thống kê sau 20 năm kể từ ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet, đến tháng 6/2017, cả nước có khoảng 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số, trong đó phần đông là trẻ em và thanh thiếu niên.

Về tác động tích cực, có thể nhận thấy rằng trong học tập trên môi trường Internet, các em có thể tìm kiếm bất kỳ một tài liệu nào có liên quan đến chương trình học, giải bài tập, luyện thi trắc nghiệm, thậm chí các em có thể tham gia vào một lớp học trực tuyến…Trong giao tiếp, ứng xử,thông qua ứng dụng thư điện tử, chat, tin nhắn, các em có thể trao đổi thông tin với người thân, thầy cô, bạn bè trong và ngoài nước. Trong giải trí,công nghệ số cũng cung cấp nhiều dịch vụ giải trí trực tuyến như nhạc, phim, truyền hình, trò chơi giúp các em thư giãn sau những giờ học căng thẳng.

Công nghệ số đã tạo ra một kho dữ liệu khổng lồ, đa dạng và phong phú, khơi dậy niềm đam mê học hỏi và sự sáng tạo trong các em, giúp các em có thể giao lưu, tìm hiểu, mở rộng kiến thức, phát triển kỹ năng sống.

Công nghệ số tạo ra một thế giới phẳng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch trình độ dân trí giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt đối với trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở các khu vực khó khăn. Việc định hướng, kết nối các em với thế giới công nghệ số một cách đúng đắn sẽ mang lại cho trẻ những cơ hội mới, những kỹ năng cần thiết để thành công.

Bên cạnh những lợi ích mà công nghệ số mang lại cho chúng ta, thì những hệ lụy của nó cũng tạo ra những mối nguy hại khôn lường, nhưng các biện pháp để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro, tiêu cực của thế giới công nghệ số còn rất hạn chế.

Thay vì gặp bạn bè, gia đình, các em lại dành nhiều thời gian cho cuộc sống ảo trên mạng. Nhiều trẻ em nghiện màn hình, ngồi một chỗ trong phòng nhiều giờ mỗi ngày. Và đây cũng là nguyên nhân gây nhiều chứng bệnh ở trẻ: như loạn thị, cận thị, do ít vận động trẻ bị bệnh béo phì, lệch, vẹo cột sống, có trẻ mắc các bệnh về tâm lý, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Đã có trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng co giật, ảo giác. Qua lời kể của bố mẹ cho thấy, trẻ nghiện điện thoại tới mức làm gì, đi đâu cũng ôm điện thoại đi cùng, lúc ăn, ngủ, thậm chí cả khi đi vệ sinh. Khi bị tịch thu điện thoại, trẻ lầm lì, ít nói dần và co giật. Từ kết quả khám, bác sĩ kết luận trẻ bị ảo giác do nghiện Facebook. Sau một thời gian dùng thuốc loạn thần và “cai” dần điện thoại, tình trạng sức khỏe của trẻ mới cải thiện. Thông qua internet, trẻ em tiếp cận với nhiều thông tin xấu, thông tin độc hại, thiếu lành mạnh ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách ở trẻ. Có em bị kẻ xấu lôi kéo, lừa bán qua biên giới, có em bị kẻ xấu lợi dụng truyền bá tư tưởng phản động, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng gia tăng, các em không được an toàn khi tham gia vào thế giới công nghệ số. Đối với các em học sinh, các em dễ bị cuốn hút vào những cuộc tán gẫu nhảm nhí, nghiện trò chơi điện tử, có những hành vi bạo lực như đánh nhau quay clip rồi đăng tải lên mạng… làm cho việc học sa sút, cãi lời cha mẹ, sống ảo. Có em không trao đổi thông tin với người lạ nhưng lại dễ dàng chia sẻ hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội, từ đó nảy sinh các vấn đề như bị khai thác thông tin cá nhân, cắt ghép hình ảnh, bôi xấu, bị đe dọa tống tiền…

PV:  Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông có những biện pháp nào để phát huy tác động tích cực, hạn chế tiêu cực của công nghệ số với trẻ em?

Đ/C Vũ Đại Thắng:Thực hiện “Chương trình bảo vệ trẻ em thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020”, Hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”,với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, cùng các đơn vị liên quan triển khai tích cực công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tăng cường hoạt động nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực về lợi ích của công nghệ số, tuyên truyền về những tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em; phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em trong trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng; hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

PV: Với cương vị lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, đồng chí có khuyến nghị gì với các cấp, ngành, trường học, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh nhằm hướng tới cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số? 

Đ/C Vũ Đại Thắng:Để hướng trẻ em tới cuộc sống an toàn, lành mạnh trong thế giới công nghệ số,cần có sự vào cuộc, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, các trường học, các thày cô giáo, các bậc phụ huynh. Trước hết, cần giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ khi tham gia môi trường mạng, cảnh giác trước những kẻ xấu lợi dụng môi trường mạng để lôi kéo các em vào những việc làm tiêu cực. Nhà trường và gia đình nên khuyến khích các em tiếp cận thông tin lành mạnh, hướng dẫn các em biết sử dụng internet một cách phù hợp để học tập văn hóa; âm nhạc, thể thao,nghiên cứu khoa học,đặt biệt là phát triển kỹ nănggiao tiếp Tiếng Anh và kỹ năng công nghệ thông tin. Các thầy cô giáo, các phụ huynh học sinh cũng cần thường xuyên cập nhật kiến thức về công nghệ sốđể tránh tụt hậu và có khả năng kiểm soát con cái của mình. Trong xu thế CMCN 4.0 đang phát triển rộng khắp thế giới, cha mẹ nên biến những thiết bị thông minh trở thành cuốn bách khoa toàn thư cho con, giúp con phát triển toàn diện, chuẩn bị hành trang vững chắc để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai.

Bảo vệ trẻ em hôm nay sẽ góp phần cho mai sau có một thế hệ mới đầy đủ năng lực và phẩm chất để xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước vững bền, phát triển.

Phạm Hảo thực hiện

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tháng hành động vì trẻ em năm 2018: Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác