Bước sang năm thứ 8 tổ chức, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân trở thành lễ hội truyền thống của người dân địa phương, địa chỉ du lịch lễ hội tháng Ba của người Hải Phòng và bạn bè bốn phương yêu mến thành phố Cảng.
SÁNG 12-3 vừa qua, hòa trong dòng người tấp nập về Khu tượng đài Nữ tướng Lê Chân gia đình bà Trần Thị Mai (ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) hào hứng hòa vào không khí sống động của Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân. Bà Mai sinh sống ở quận Lê Chân hơn nửa thế kỷ nay. Hai người con của bà dù trưởng thành, ổn định công việc và sinh sống ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, song cứ mỗi tháng Ba, hai gia đình anh Nguyễn Quang Minh và chị Nguyễn Thị Diệu Linh (con của bà Mai) đều thu xếp công việc đưa con về quê trẩy hội. “Một trong những điểm du Xuân của gia đình tôi suốt 8 năm qua chính là Lễ hội Nữ tướng Lê Chân. Ngay từ lần đầu lễ hội được tổ chức năm 2012, gia đình tôi tham gia với niềm hạnh phúc và tự hào. Với mỗi người dân quận Lê Chân nói riêng và thành phố nói chung, lễ hội là niềm tự hào về nguồn gốc, dịp tri ân công lao Nữ tướng huyền thoại xây dựng vùng đất An Biên xưa, Hải Phòng nay. Nhất là từ sau khi lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 3-2016” – bà Mai tự hào chia sẻ.
Với con cháu trong gia đình bà Mai, việc sắp xếp thời gian, công việc để về Hải Phòng dự hội là việc làm đầy ý nghĩa. Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, con gái bà làm kiểm toán viên tại công ty kiểm toán độc lập ở Hà Nội. Công việc bộn bề, hai con học hành bận rộn. Chồng chị làm kỹ thuật viên của công ty máy tính cũng lu bù với thiết bị, máy móc. Song dù bận thế nào, họ đều có mặt đông đủ trong 3 ngày diễn ra Lễ hội Nữ tướng Lê Chân. Còn anh trai chị, anh Nguyễn Quang Minh phụ trách hoạt động marketing của công ty thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh. Vợ anh có cửa hàng thời trang riêng ở quận 4. Công việc không rảnh rỗi, nhưng họ luôn bố trí thời gian để về quê trẩy hội mỗi dịp tháng Ba đến. Anh Minh bộc bạch, “Chúng tôi muốn giữ nét đẹp này hằng năm, bởi đây là cách tốt nhất để giáo dục cội nguồn và truyền thống lịch sử với thế hệ trẻ. Các con tôi luôn háo hức để được đi dạo chợ quê, tham gia các trò chơi truyền thống và thưởng thức các phần biểu diễn nghệ thuật đặc sắc trong lễ hội”.
Chị Hoàng Thu Hồng là hướng dẫn viên công ty du lịch của Hà Nội, chuyên phụ trách một số tour tại Hải Phòng. Vài năm trở lại đây, chị Hồng nhận dẫn tour về với Lễ hội Nữ tướng Lê Chân. Cùng trong tour này có các địa chỉ tham quan nội thành Hải Phòng như Nhà hát thành phố, quán hoa, các địa chỉ thờ Nữ tướng Lê Chân như đền Nghè, đình An Biên, khu vực tượng đài Nữ tướng Lê Chân nằm trong dải vườn hoa trung tâm thành phố, đình Hàng Kênh… Chị Hồng cho biết, từ sau khi Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016, công ty của chị liên kết xếp tour vào đúng dịp diễn ra lễ hội tại Hải Phòng vào mỗi tháng Ba. Đáng mừng là, khá nhiều du khách quan tâm và muốn được dự lễ hội. Trong đó, ngoài du khách trong nước còn có một số khách du lịch nước ngoài muốn trẩy hội và tìm hiểu về lịch sử xây dựng vùng đất, con người Hải Phòng.
Vậy là, cứ mỗi tháng Ba về, người Hải Phòng và nhiều du khách bốn phương lại đặt tour, sắp xếp thời gian, công việc về với thành phố Cảng dự lễ hội truyền thống thường niên gắn với lịch sử vùng đất, con người thành phố. Riêng với người Hải Phòng, lễ hội không chỉ khơi dậy niềm tự hào của người dân nói chung và người dân quận Lê Chân nói riêng, mà còn giáo dục lịch sử, quảng bá về thân thế, sự nghiệp, tri ân công đức của Nữ tướng Lê Chân, người có công khai hoang, lập ấp, dựng lên trang An Biên xưa nay là thành phố Hải Phòng, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với nữ tướng.
Lễ hội Nữ tướng Lê Chân năm nay diễn ra trong 3 ngày 12, 13 và 14- 3 (tức mồng 7, 8 và 9 tháng Hai âm lịch) với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Ngày thứ nhất của lễ hội diễn ra lễ cáo yết, dâng hương tại 2 di tích thờ Nữ tướng Lê Chân là đền Nghè, đình An Biên và trước Tượng đài Nữ tướng Lê Chân tại khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời, các hoạt động chợ quê diễn ra khu vực hai bên Tượng đài Nữ tướng Lê Chân và điểm nhấn là chương trình “Duyên dáng Lê Chân” diễn ra vào tối 12-3. Ngày thứ hai lễ hội, các hoạt động chính của phần dâng hương, tế lễ diễn ra tại đền Nghè và đình An Biên. Ngay sau đó, người dân và du khách được thưởng lãm các hoạt động biểu diễn võ thuật dân tộc và trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian trong suốt thời gian 3 ngày của lễ hội trong khuôn viên sân của Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố.
ĐỨC MINH – Báo Hải Phòng