Chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, sáng 10/9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm có 16 chương, 179 điều quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Bên cạnh đó, có các ý kiến cho rằng một số nội dung trong dự thảo luật cần được xem xét, nghiên cứu thêm. Các đại biểu đề nghị các chính sách về bảo vệ môi trường nên đưa về một điều trong dự thảo luật để tạo thống nhất; làm rõ vai trò quản lý của chính quyền địa phương từ cấp cơ sở đến UBND cấp tỉnh trong bảo vệ môi trường nước, đất, không khí; quy định rõ hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường các lưu vực sông, hồ liên tỉnh; quy định về tổ chức, bộ máy hoạt động và trách nhiệm của Ban Quản lý Khu Kinh tế…
Về giấy phép môi trường, đa số đại biểu chọn phương án 1 là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành. Về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân từ lúc phát sinh đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý. Đây là những nội dung quy định mới, tiến bộ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Dự thảo Luật được nhiều đại biểu ủng hộ, dư luận quan tâm. Tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; rà soát các quy định về kinh phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh để bảo đảm tính khả thi.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ghi nhận, tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu tham gia xây dựng dự thảo Luật. Trên cơ sở các ý kiến, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp phản ánh đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.
Hoàng Tùng