Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa được tiến hành thẩm định.
Ngay sau khi được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực hiện triển khai dự án đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định-Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã chủ động nắm bắt tình hình, các trình tự thủ tục để triển khai dự án; trong đó, tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; đồng thời, tập trung các giải pháp trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch khi triển khai dự án trên thực địa.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, cho biết dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc CT.08, đoạn Nam Định-Thái Bình đi qua địa phận 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định; trong đó, điểm đầu tiếp giáp với cầu vượt sông Đáy thuộc huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), điểm cuối kết thúc tại nút giao giữa Quốc lộ 37B và tuyến đường bộ ven biển thuộc địa phận huyện Thái Thụy (Thái Bình).
Quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường với chiều dài trên 60km, theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, với bề rộng nền đường trên 24m, vận tốc thiết kế 120km/h. Hình thức đầu tư theo phương thức PPP.
Tại cuộc họp Hội thẩm thẩm định liên ngành về Báo cáo mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng cho rằng các ý kiến góp ý cho Báo cáo này cần tập trung vào các vấn đề như: sự cần thiết đầu tư dự án, đánh giá tác động đối với các dự án trên địa bàn, đặc biệt là sự cần thiết phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, của vùng cũng như cả nước; sự phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch, kế hoạch thuộc các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, môi trường, giao thông, tài nguyên nước.
Cùng với đó, địa phương cần đánh giá về phương án tài chính của dự án như: tổng mức đầu tư, chi phí xây dựng, các thông số trong phương án tài chính, thời gian thu phí,… nguồn vốn và khả năng cân đối vốn như: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư, vốn huy động từ ngân hàng, hiệu quả đầu tư và khả năng thu hồi vốn, các kiến nghị khác của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình như liên quan tới cơ chế, thẩm quyền quyết định các cơ chế, chính sách…
Góp ý thẩm định về Báo cáo này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cũng cho rằng, về chủ trương đầu tư của dự án cần bám sát Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư để thực hiện; đồng thời, địa phương cần làm rõ cơ chế giải ngân, nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; về nguồn vật liệu cần đánh giá nguồn gốc, rà soát kỹ về vị trí, trữ lượng để đảm bảo tính khả thi.
“Về chủ trương đầu tư cần làm rõ về kiểm soát giá vật liệu, bãi đổ thải, chú ý tới vấn đề phân lưu, vấn đề phát triển để có những dự báo cho tương lai, cũng như cần chú ý đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đưa rõ chủ trương, nguyên tắc vào trong Báo cáo để tuân thủ các quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.
Các thành viên Hội đồng thẩm định và các bộ, ngành cũng đã góp ý về các vấn đề như: Chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư, chi phí đầu tư, nguồn vốn, cân đối vốn, cơ chế giá, sự xung đột với các công trình chống lũ, chống ngập, năng lực nhà đầu tư, đất đai, thời gian thu hồi vốn,…
Để hoàn thiện Báo cáo đạt chất lượng tốt nhất, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị bộ phận thường trực tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo thẩm định; đồng thời, đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp thu các ý kiến góp ý nhằm rút ngắn thời gian cho công tác chuẩn bị, bám sát hai nguyên tắc là nhanh và rà soát kỹ, đúng quy định của pháp luật để tỉnh có bản nghiên cứu tiền khả thi chất lượng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, tại công văn 4764/VPCP-CN ngày 28/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ý kiến về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua hai địa phương này.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chức năng cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng và đoạn qua tỉnh Ninh Bình; khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng (CT.08) có chiều dài khoảng 109km, thuộc nhóm các tuyến đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc; với điểm đầu tại đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, thành phố Ninh Bình, điểm cuối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030./.
Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More