Print Thứ Ba, 24/01/2023 11:05 Gốc

Dân gian từ xưa có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” để nhắc nhớ chúng ta về truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, theo phong tục, mùng 1, con cháu trong nhà sẽ tề tựu đông đủ bên nhà nội để cúng gia tiên, thăm hỏi, chúc Tết ông bà, họ hàng và cùng nhau ăn uống. Đến ngày mùng 2 sẽ về Tết nhà ngoại.

Sau khi chúc Tết bên cha mẹ, người Việt sẽ dành ngày mùng 3 để đến chúc Tết, mừng tuổi và tri ân người thầy của mình. Đây không chỉ là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ mà còn là dịp để bạn bè được gặp gỡ, giao lưu vui vẻ ngày đầu năm.

Con người bắt đầu bước vào xã hội có tính chất học tập, có học tập thì mới có thầy và có thầy thì mới có học tập. Học tập ngày ấy không chỉ là chữ nghĩa mà còn là học về nghề nghiệp, lao động sản xuất,… Đối với thầy là người xếp vị trí chỉ sau bố và mẹ, nghĩa là rất quan trọng, là nghĩa trọng đối với người làm thầy”, PGS.TS Lê Quý Đức nói.

Tết thầy xưa và nay về mặt tình cảm, tinh thần vẫn giống nhau nếu hiểu một cách chính đáng và đúng đắn về nó. Nhưng hình thức biểu hiện có thể khác nhau, tuỳ thuộc vào nền kinh tế, sản xuất của một xã hội.

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, ngày xưa, trong điều kiện kinh tế tự cung tự cấp, kinh tế nông nghiệp thì đến Tết thầy bằng con gà, cặp bánh chưng hoặc một chút tiền để ăn Tết và cúng tổ tiên nhà thầy. Ngày nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, bên cạnh những sản phẩm nông nghiệp thuần tuý như xưa nhiều người còn đi thêm những loại bánh kẹo cao cấp, rượu quý, thuốc quý…

Truyền thống văn hoá “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp được gìn giữ tới ngày nay và truyền cho thế hệ con cháu. Tuy nhiên vẫn có những sự biến đổi, bên trong sự biến đổi có sự biến tướng.

Ngoài mặt tích cực, truyền thống, trước đây học trò đến nhà thầy cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm nhưng nó mang tính tình cảm, đạo đức và ít nhiều mang tính thiêng liêng. Nhưng bây giờ có nhiều trường hợp, thấy mọi người đi Tết thầy, mình cũng phải đi, muốn cho con học tốt thì phải đến Tết thầy. Nó như một nghĩa vụ phải đến“, PGS.TS Lê Quý Đức chia sẻ.

Ngoài ra, còn có sự biến tướng hay biến đổi một cách tiêu cực về phong tục này. Theo ông, có 2 cách biểu hiện tiêu cực: Thứ nhất là đến Tết thầy cho con mình phải được điểm cao hơn, còn gọi là “mua chữ”, “mua kiến thức”, “mua sự quan tâm” của thầy với con mình. Như một sự trao đổi trong kinh tế thị trường. Thứ hai là những người có thái độ đến Tết thầy chỉ trên danh nghĩa ngày Tết.

“Khi con người có ý thức thì hiểu đây như một đạo lý nhân sinh cơ bản. Nếu không biết đạo lý nhân sinh ấy là con người không biết ơn đấng sinh thành, dạy dỗ mình… Ở đây mới chỉ nói đến nghĩa thầy là thầy giáo, thầy trò trong hệ thống giáo dục nhà trường, còn thầy bây giờ có rất nhiều nghĩa”, PGS.TS Lê Quý Đức chia sẻ thêm.

Cũng trong thời đại công nghệ phát triển, phần lớn đều sử dụng mạng xã hội. Xu hướng “Tết thầy online” ngày càng trở nên phổ biến. Những học trò ở xa không thể về thăm có thể gửi tin nhắn hay hình ảnh chúc Tết thầy qua các nền tảng.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Thư.

Quan điểm của PGS.TS Lê Quý Đức: “Nó cũng có cái hay của cái nhân văn trong xã hội thông tin, xã hội công nghệ. Đấy cũng là mặt tích cực, người ta không trực tiếp với nhau được nhưng nó như một phương tiện biểu hiện tình cảm. Nhưng bên cạnh đó vẫn có mặt tiêu cực ở chỗ, thông qua đó để chúc Tết thầy cho qua đi”.

PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, con người ta đặc biệt trong tình cảm thường tiếp xúc trực tiếp với nhau, mặt nhìn mặt, tay cầm tay thì tình cảm được bộc lộ rõ hơn, được nhân lên. Chỉ thông qua phương tiện thông tin đại chúng cũng sẽ bị hạn chế.

Tôi không phê bình hoàn toàn việc thông qua mạng xã hội để chúc thầy, ôn lại kỉ niệm xưa, nhưng bên cạnh đó vẫn có những mặt trái của công nghệ thông tin“, ông Đức nói.

Dẫu Tết Thầy thời hiện đại có nhiều đổi thay, nhưng tâm thức của người Việt vẫn luôn nhớ tới người thầy mỗi ngày đầu xuân năm mới. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” vẫn không hề phai nhạt theo thời gian.

Cam Ly

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tết thầy online
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác