Ăn tết, chơi tết hay nghỉ tết? Ăn uống vừa đủ khỏe, đi lại bình an, gặp nhau tặng nhau niềm vui, những điều tích cực là điều ai cũng mong chờ. Để tết được nghỉ dưỡng trước khi bước vào năm mới, năng lượng mới.
1. Người Việt vẫn có tâm lý sắm sửa nhiều để đón họ hàng đến chơi, bạn bè thăm nhà. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem lại việc sắm tết.
Chỉ nên mua vừa đủ, chẳng nhất thiết phải ních cho đầy tủ, bày cho chật mâm cơm tất niên. Không khí vui vầy bên nhau đáng được coi trọng hơn ăn món gì, diện quần áo nào!
Giảm được việc sửa soạn tết là giảm được áp lực cho phụ nữ. Không ai khác ngoài họ tất tả ra chợ mua rau củ, bánh trái, thịt thà để làm cơm, bày tiệc xuyên tết. Họ luôn là người thức khuya dậy sớm, trà nước rồi dọn rửa, lau chùi.
Đàn ông trong nhà sửa soạn đôi ba chậu cây cảnh, quét chút váng nhện, rồi thong thả nhấp vài hớp cà phê, làm dăm ba lon bia với bạn bè, anh em. Từ làng quê đến thành thị, tết trở thành những bữa tiệc kéo dài.
Những đứa con khi còn bé cũng giúp mẹ chút ít. Lớn lên chút, trẻ tìm vui bên ngoài với bạn bè. Phụ nữ ở nhà được đóng khung với nhiệm vụ bếp núc.
Bao năm, chuyện vẫn chưa thay đổi mấy! Do phụ nữ quen chịu đựng hay chúng ta chưa thực sự sẻ chia với nhau chuyện nhà ngày tết? Tết, thăm nhau, nói chuyện thân tình, không phải là bữa ăn nhậu lê thê.
Thời “đã uống rượu bia thì không lái xe” lại càng phải thay đổi thói quen cũ. Những cuộc thăm viếng ngày xuân để nói chuyện cùng nhau thay vì ép nhau ăn uống quá chén. Đó mới thật sự là văn minh.
2. Tết, được nghỉ dài, là dịp mọi người về nhà, về quê, họp mặt dẫu cách xa vạn dặm. Nhưng những cách quan tâm “biết rồi, khổ lắm, hỏi mãi” khiến nhiều người mất vui.
Những đứa trẻ sợ nhất khi người lớn đề cập việc học hành, so sánh điểm số, danh hiệu các con. Thậm chí sau khi tiệc tàn, có những trẻ còn bị la mắng thêm vì đã thua kém một đứa trẻ khác.
Thay vì chân thành hỏi thăm sức khỏe, hạnh phúc của nhau, câu đầu tiên nhiều người vẫn hỏi lương thưởng bao nhiêu, lên chức chưa, bao giờ cưới… Dẫu biết điều đó xuất phát từ tình làng nghĩa xóm, là sự quan tâm thiệt tình nhưng cũng lắm khi là tò mò, so kè, hỏi chuyện người để khoe chuyện mình.
Bao giờ chúng ta nên điều chỉnh để không lấy những điều nói trên là tiêu chí đánh giá một người? Cuộc sống của mỗi người là do họ lựa chọn và thang giá trị ở đây cũng tùy thuộc vào việc lấy “chất” hay “lượng” để làm thước đo. Vậy nên chúng ta đừng trao nhau những điều khó xử trong những dịp gặp gỡ.
Ai cũng bị cuốn vào guồng kiếm tiền, lấy thu nhập làm thước đo, bỏ quên những thang giá trị khác. Điều quan trọng hơn là chất lượng cuộc sống, sinh hoạt và nghỉ ngơi thế nào bị bỏ qua. Người ta đua nhau những giá trị vật chất, bề nổi, đua cả những danh hiệu của con trẻ thay vì quan tâm đến khả năng phát triển chiều sâu phù hợp với con mình.
Đừng để ý xem người khác có bao nhiêu tiền, bao nhiêu đất, nhà hay xe. Cứ vui khi người thân sống thoải mái trong điều kiện thu nhập cho phép. Hạnh phúc được tạo nên từ những điều nho nhỏ, thăm viếng nhau, nói lời chân thành là món quà xuân quý giá nhất.
Cẩm Phô
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More