Thành kính với thần thánh, tổ tiên, người quá cố… đâu cứ phải cúng nhiều, đốt nhiều, mà điều cốt lõi là ở cái tâm luôn tưởng nhớ tiền nhân và sống thiện, sống tốt với mọi người.
Vàng mã là một phần thường có trong lễ cúng ngày Ông Táo về trời, Tết Nguyên đán hay các ngày rằm hằng tháng… của người Việt Nam. Sau khi dâng cúng, vàng mã được gia chủ đem đốt, gọi là hóa vàng.
Theo thời gian và “thị hiếu” của người dân, vàng mã không còn đơn thuần là những vật phẩm quen thuộc mà được “nâng cấp” với đủ thứ hàng mã. Có lẽ quan niệm rằng “trần sao, âm vậy“, người sống sinh hoạt như thế nào thì người chết dưới âm phủ cũng sinh hoạt như thế nên hàng mã ngày càng phong phú, đa chủng loại.
Từ các loại vật dụng đời thường như quần áo, xe đạp, tiền, đôla, vàng… cho tới các phương tiện giao thông hiện đại như ô tô, xe máy, máy bay và thậm chí cả nhà tầng, cả cung tần mỹ nữ… cũng được làm ra để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của mọi nhà.
Tùy điều kiện kinh tế của gia chủ mà lượng vàng mã được mua-cúng-đốt nhiều hay ít.
Nhiều nhà khá giả sẵn sàng mua rất nhiều hàng mã cúng lễ, rồi đốt để… “gửi” sang “thế giới bên kia” cho thần linh, cho người thân quá cố. Nhà nào cúng và đốt ít vàng mã luôn bị xem là “hà tiện“, “không chu đáo“. Có người còn nghĩ rằng, cứ cúng nhiều đồ mã là sẽ được lộc to nên họ càng mua nhiều, cúng và đốt một cách vô tội vạ!
Tôi đã từng chứng kiến một gia đình ở cùng khu phố, chỉ dịp Ông Táo và mấy ngày lễ Tết Nguyên đán năm trước đã bỏ ra hơn 7 triệu đồng để mua hàng mã về cúng rồi… đốt. Với nhiều nhà giàu thì việc họ bỏ ra bao nhiêu tiền thật để mua hàng mã về cúng rồi đốt không quan trọng, cũng chẳng thấm vào đâu so với khối tài sản của họ.
Thế nhưng, với người nghèo thì mất mấy trăm ngàn cho việc mua hàng mã cũng là cả vấn đề. Mặc dù vậy, trên thực tế không ít người nghèo suy nghĩ việc đốt nhiều vàng mã là có hiếu, có lộc… nên vẫn cố gắng mua và đốt cho thật nhiều!
Quả như chúng ta đều thấy, việc các gia đình đều phải chi một khoản tiền không nhỏ cho hàng mã mỗi năm là có thực. Có lẽ chưa ai thống kê mỗi năm cả nước phải tiêu tốn bao nhiêu gỗ, giấy là những nguyên vật liệu chính để làm hàng mã trước khi tất cả được đem đốt ra tro. Tôi tin chắc đó là một con số rất lớn.
Rỗi nữa, ô nhiễm môi trường từ tro hóa vàng, từ hóa chất, bột, phẩm màu trong các công đoạn làm đồ mã cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến môi trường thêm ô nhiễm trầm trọng. Đó là chưa kể đã có nhiều vụ tai nạn, hỏa hoạn do bất cẩn khi đốt vàng mã mà báo đài đã nhiều lần nhắc đến.
Vẫn biết tập tục đốt vàng mã của người dân trong những dịp cúng lễ đã có từ lâu và khó có thể từ bỏ ngay tức thì, nhưng việc hạn chế dần việc đốt vàng mã, hàng mã là cần thiết để bớt tốn kém và bảo vệ môi trường. Mong rằng mọi người dân hãy suy nghĩ, ý thức và hạn chế dần trong việc cúng đốt vàng mã. Các gia đình nên cúng càng ít hàng mã càng tốt và nếu từ bỏ hẳn tập tục này là tốt nhất.
Lòng thành kính với thần thánh, tổ tiên, người thân quá cố… đâu cứ phải cúng nhiều, đốt nhiều, mà điều cốt lõi là ở cái tâm luôn tưởng nhớ tiền nhân và sống thiện, sống tốt với mọi người.
NGUYỄN THỊ HẢI (Trường đại học Văn hóa Hà Nội)